Nỗ lực hướng tới “chính quyền thân thiện”
(LSO) – Năm 2019, Thành ủy Lạng Sơn lựa chọn 2 đơn vị: phường Vĩnh Trại và xã Hoàng Đồng làm điểm để xây dựng mô hình “chính quyền thân thiện”. Qua một thời gian thực hiện, mô hình đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ người dân. Đây là mục tiêu mà thành phố hướng đến trong thời gian tới để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Ngay khi có Đề án số 01-ĐA/BDVTU-UBND ngày 24/4/2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBND tỉnh về xây dựng mô hình điểm “chính quyền thân thiện” cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh, Thành ủy Lạng Sơn đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nội dung này, phân công cụ thể công việc cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Để thực hiện, Ban Dân vận Thành ủy và UBND thành phố đã có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện mô hình điểm “chính quyền thân thiện” trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
Công chức bộ phận một cửa xã Hoàng Đồng hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính
Ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng “chính quyền thân thiện” cho biết: “Để thực hiện mô hình có hiệu quả, Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị điểm thực hiện đúng, đủ các nội dung như: công tác tuyên truyền; xây dựng các bảng khẩu hiệu, các mẫu thư và phiếu khảo sát; công tác cải cách hành chính; văn minh, văn hóa công sở và các quy tắc ứng xử; công tác tiếp công dân…
Đến trụ sở phường Vĩnh Trại, chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất của đơn vị đã được đầu tư hơn so với trước. Thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, phường trang bị khẩu hiệu “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn) và khẩu hiệu “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ); công khai, minh bạch thủ tục hành chính; cải tạo khuôn viên trụ sở…
Vài tháng trở lại đây, trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã có sự đổi khác. Thay vì công dân đến nhận giấy như trước đây, hiện giờ, phường tổ chức thành buổi lễ trao công khai và tặng hoa, thiệp chúc mừng các cặp đôi. Vợ chồng chị Ngô Phương Anh và anh Hoàng Mạnh Quang, trú tại phường Vĩnh Trại cho biết: “Đúng hẹn, chúng tôi đến nhận giấy đăng ký kết hôn. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đều được cán bộ phường hướng dẫn cụ thể, không có gì vướng mắc nên rất nhanh chóng”.
Xã Hoàng Đồng cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện”. Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã yêu cầu từng cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa tập trung thực hiện cụ thể từng nội dung quy tắc ứng xử như: tác phong, lời nói, thái độ, có tinh thần cầu thị khi được góp ý… Anh Lã Văn Quý, thôn Phai Trần, xã Hoàng Đồng cho biết: Hiện nay, nhiều văn bản, giấy tờ được niêm yết công khai tại trụ sở xã, in một mặt rất thuận tiện cho việc theo dõi, nắm bắt thông tin. Có những vấn đề chưa hiểu rõ, tôi thường hỏi cán bộ xã và được giải đáp kịp thời, đầy đủ.
Ngoài ra, xã đã thực hiện công khai số điện thoại của Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã tại nơi tiếp công dân và các thôn; thực hiện nhắn tin trả kết quả cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại xã (nếu phải hẹn).
Qua một thời gian thực hiện cho thấy, các đơn vị đã nỗ lực xây dựng mô hình “chính quyền thân thiện” với các nội dung cụ thể. Ngoài việc giám sát, Ban chỉ đạo cũng lắng nghe, tiếp thu phản hồi của 2 đơn vị điểm, để từ đó có đánh giá rút kinh nghiệm.
Ông Phạm Đức Huân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: “Sau một thời gian, các đơn vị điểm đã nắm bắt được định hướng, bắt đầu thực hiện có hiệu quả các nội dung. Việc giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở đã góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ. Tới đây, để nâng cao hiệu quả, chúng tôi sẽ đánh giá ưu, khuyết điểm của mô hình, từ đó tiếp tục thực hiện và nhân rộng. Thành ủy cũng dự kiến mở một lớp tập huấn mời báo cáo viên của Ban Dân vận Trung ương để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác dân vận các cấp, đặc biệt chú trọng nội dung xây dựng chính quyền thân thiện.”
Việc xây dựng và thực hiện “chính quyền thân thiện” đã góp phần đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức tại UBND cấp xã, từng bước chuyển đổi từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”. Mô hình đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được nhân dân đồng tình, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của địa phương.
Ý kiến ()