Nỗ lực hoàn thành trong tháng 8
Công trình Trường tiểu học xã Tri Phương (Tràng Định) đang được khẩn trương hoàn thiện để đạt chuẩn quốc gia |
Bước vào năm học 2014- 2015, ngành GD&ĐT được “thừa hưởng” những kết quả tích cực trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng từ những năm trước. Trong năm 2013, toàn ngành đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình quan trọng như Trường phổ thông dân tộc Nội trú huyện Văn Quan; phòng học, phòng chức năng của trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Cao Lộc, Bắc Sơn; các công trình cải tạo, mở rộng trường THPT Chi Lăng, trường Tiểu học Hòa Bình (Lộc Bình), trường THCS Mai Sao (Chi Lăng)… để các trường này hoàn thiện tiêu chí CSVC của trường chuẩn Quốc gia. Vượt qua những khó khăn về vốn, ngành chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình như trường THPT Ba Sơn, THPT Đồng Đăng (Cao Lộc), THPT Tân Thành (Hữu Lũng), Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bình Gia, trường Mầm non Đông Quan (Lộc Bình) và nhiều hạng mục công trình khác. Đến tháng 5/2014, ngành đã triển khai thi công xây dựng 1.393 phòng học và 639 phòng công vụ với tổng mức đầu tư 564.945 triệu đồng. Trong đó hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.387 phòng học, 639 phòng công vụ và hiện đang thi công 6 phòng học còn lại theo kế hoạch. Tổng các công trình đang xây dựng, cải tạo, sửa chữa năm học 2013-2014 là 29.850m2 sàn xây mới và 3.850m2 sàn cải tạo sửa chữa. Vốn bố trí đầu tư xây dựng năm 2013 là 78,474 tỷ đồng, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương là 37,693 tỷ đồng, vốn từ nguồn sổ số kiến thiết là trên 6,8 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là trên 18,6 tỷ đồng, vốn dự án SEQAP là trên 11 tỷ đồng, vốn chương trình VNEN trên 4,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, bằng công tác xã hội hóa, nhiều trường học trên địa bàn Lạng Sơn được hỗ trợ xây mới phòng học, phòng chức năng, phòng nội trú học sinh, phòng công vụ cho giáo viên và các thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học. Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn hỗ trợ 10 tỷ đồng xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Tri Lễ (Văn Quan); Chi nhánh Ngân hành Đầu tư & Phát triển Lạng Sơn hỗ trợ 2 tỷ đồng cho các cơ sở bổ sung thêm máy vi tính; Tỉnh đoàn Lạng Sơn hỗ trợ 600 triệu đồng xây dựng nhà bán trú cho học sinh…
Về trang thiết bị, cùng với việc chỉ đạo các nhà trường tăng cường bảo quản trang thiết bị dạy học được cấp từ những năm trước, ngành GD&ĐT đã đẩy mạnh việc mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường, ưu tiên cấp học mầm non. Đến tháng 5/2014, ngành đã trang bị cho cấp học mầm non 325 bộ thiết bị, đồ dùng dạy học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi. Cấp tiểu học được trang bị thêm 5 phòng máy vi tính, 59 bảng tương tác điện tử. Cấp THCS được trang bị 30 bộ trợ giảng dạy và học ngoại ngữ, 4 trường được trang bị phòng học bộ môn, 6 phòng vi tính. Cấp THPT được bổ sung thêm các phòng máy, phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh… Nguồn chi mua sắm trang thiết bị dạy học đã chiếm 1,26% tổng chi cho sự nghiệp GD&ĐT- tương đương 24.400 triệu đồng.
Công tác bảo vệ trường lớp trong dịp hè được quan tâm, sự chủ động trong phòng, chống cơn bão số 2 trong tháng 7/2014 vừa qua đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại; việc đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình đã mang lại cho ngành GD&ĐT một diện mạo mới trước khi bước vào năm học mới 2014-2015. Mặt khác, do sự chủ động của ngành GD&ĐT các huyện, thành phố trong việc chỉ đạo các nhà trường sửa chữa, tu bổ, vệ sinh trường lớp học, nên trước khi bước vào năm học mới, các nhà trường đã khang trang hơn, vững chắc hơn, không tái xuất hiện tình trạng học 3 ca. Việc mua sắm sách giáo khoa theo các chương trình, giấy vở học sinh vùng cao đã được nhiều huyện hoàn thành và đã được tập kết đến nhà trường, sẵn sàng cung cấp cho học sinh ngay từ những ngày đầu thực học.
Tuy nhiên, gian nan nhất vẫn là cơ sở vật chất, bếp ăn, nơi ăn, nghỉ của các trường mầm non nông thôn và 85 trường Phổ thông Dân tộc bán trú. Việc UBND tỉnh quyết định hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú mỗi trường 50 triệu đồng để xây dựng những công trình thiết yếu phục vụ ăn, ở cần phải được UBND các huyện tính toán, tập trung vào những nơi khó khăn để mang lại hiệu quả tức thì góp phần cải thiện điều kiện ăn, ở của học sinh. Công tác tu sửa CSVC cần phải được đẩy nhanh, nhất là các công trình bị hư hỏng do cơn bão số 2, tránh tình trạng công trình “chờ” vốn, ngày càng hư hỏng và không sử dụng được trước năm học mới.
Trao đổi với chúng tôi về CSVC trường lớp học, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng: dù còn nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm của ngành là không để tình trạng tái diễn học 3 ca, không để học sinh học tập ở phòng học không an toàn, mất vệ sinh, thiếu những điều kiện cơ bản như ánh sáng, quạt mát… Đó là những vấn đề luôn được nhấn mạnh khi ngành triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014-2015. Những công việc đó cần được khẩn trương hoàn thành trong tháng 8/2014.
Ý kiến ()