Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
Chiều 26/04, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức phiên họp báo thường kỳ thông báo về kết quả phiên họp Chính phủ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo.
Chiều 26/04, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức phiên họp báo thường kỳ thông báo về kết quả phiên họp Chính phủ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo |
Thông tin với các cơ quan báo chí về những nội dung của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mặc dù diễn biến kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn kiên định, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2013.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ sẽ vẫn ưu tiên các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và các dự án đảm bảo an sinh xã hội như xây mới bệnh viện để khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: vài ngày tới, Chính phủ sẽ xem xét thông qua Nghị định thành lập công ty xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ là một trong những biện pháp xử lý nợ xấu bên cạnh các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng. Việc Chính phủ thành lập công ty này dựa trên cơ sở đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, nhằm hình thành một thiết chế góp phần giải quyết nhanh hơn nợ xấu không chỉ giữa các ngân hàng với nhau mà còn lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình triển khai sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh mô hình doanh nghiệp đặc thù này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.
Trung tâm của phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 là những vấn đề liên quan đến công tác quản lý vàng với rất nhiều câu hỏi của phóng viên dành cho Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Giải thích với báo giới về chênh lệch giá vàng, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, Việt Nam không sản xuất được vàng nên tất cả các nhu cầu về vàng trong nước đều phải nhập nhẩu. Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá trên thị trường ngoại tệ nên 2 năm gần đây NHNN không cấp phép nhập khẩu và sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong nước là có thực cùng với nhu cầu tất toán vàng của các tổ chức tín dụng và sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây của giá vàng trên thị trường quốc tế thời gian gần đây cũng là những yếu tố tạo nên sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Kể từ thời điểm hiệu lực của Nghị định 24/CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mặc dù có sự chênh lệch trên nhưng không còn tái diện hiện tượng “cơn sốt vàng”, cùng sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Đây là yếu tố then chốt để ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi xung quanh việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Để đảm bảo sự bình đẳng cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia thị trường vàng, NHNN đã tổ chức đấu thầu công khai và các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện của NHNN đều được phép tham gia. Qua 12 phiên đấu thầu, NHNN cung ứng hơn 12 tấn vàng. Việc đấu thầu vàng đã góp phần làm tăng lượng cung vàng ra thị trường, góp phần giảm bớt áp lực nhu cầu vàng trong nước, ổn định cung cầu, tỷ giá trên thị trường ngoại tệ. Nếu không có hoạt động này, trong bối cảnh Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng miếng thì chắc chắn giá vàng trong nước sẽ còn biến động rất mạnh. Đây là một biện pháp thành công của NHNN.
Trước thông tin có thể có hiện tượng các Ngân hàng thương mại mua để “găm” vàng đầu cơ, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Theo quy định của NHNN, trạng thái kinh doanh vàng không vượt quá 2% vốn điều lệ nên các tổ chức tín dụng có tiềm lực lớn cũng không được sử dụng nguồn vốn vượt mức cho phép.
Trả lời câu hỏi liệu có tình trạng nhập lậu vàng hay không, theo Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, trước thời điểm ban hành Nghị định 24/CP, có nhiều doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng, khi thị trường ngoại tệ có sự chênh lệch giữa trong nước và quốc tế thì xuất hiện hiện tượng thu gom ngoại tệ số lượng lớn để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng trái phép; tác động tiêu cực đến sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ, gây áp lực lên lạm phát. Chính vì vậy, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/CP. Theo đó, Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền trong sản xuất vàng miếng để ngăn chặn hiện tượng này, nhằm quản lý chặt chẽ, tránh việc nhập lậu và sản xuất vàng miếng trái phép. Thời gian qua, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại tệ bình thường, Nhà nước đáp ứng nhu cầu cho thanh toán xuất nhập khẩu… là có sự góp phần của quản lý thị trường vàng.
Dangcongsan
Ý kiến ()