Nỗ lực hóa giải bất đồng
EU sẵn sàng thảo luận về việc giảm thuế đối với ô-tô nhập khẩu từ Mỹ.
Mới đây, Ủy viên phụ trách thương mại của EU C.Malmstrom công bố hai nội dung chính trong tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa Brussels và Washington gồm, xóa bỏ các mức thuế đối với hàng hóa công nghiệp và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp lý. Hai nội dung này phù hợp thỏa thuận sơ bộ đã được Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.Juncker nhất trí hồi tháng 7-2018, theo đó thống nhất tránh áp đặt bất kỳ biện pháp thuế quan mới nào trong giai đoạn các cuộc đàm phán chi tiết diễn ra. Các nội dung nói trên cần được các nước thành viên EU thông qua trước khi hai bên chính thức bước vào đàm phán.
Theo bà C.Malmstrom, thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Mỹ sẽ là thỏa thuận “có giới hạn”, chỉ bao gồm nội dung liên quan hàng rào thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp. Hiện Mỹ là đối tác chính nhập khẩu hàng hóa công nghiệp của EU và là nhà xuất khẩu lớn thứ hai vào thị trường EU. Theo giới chức Brussels, căn cứ tình hình thực tế, việc xóa bỏ các quy định về thuế đối với hàng hóa công nghiệp của nhau sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở hai bờ Đại Tây Dương. EC dự kiến, nếu các mức thuế hàng hóa công nghiệp được đưa về mức 0%, số lượng hàng hóa xuất khẩu của EU sang Mỹ sẽ tăng 10%, trong khi hàng hóa Mỹ vào EU cũng sẽ tăng 13%.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, tiến trình đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ sẽ không dễ dàng. Mới đây, Washington đã công bố một loạt nội dung muốn đàm phán với EU, trong đó đáng chú ý có vấn đề giảm thuế đối với mặt hàng nông sản Mỹ. Các nhà phân tích nhận định, đây là đòi hỏi “không thể chấp nhận” đối với EU. Brussels kiên quyết khẳng định không có kế hoạch đàm phán về việc giảm thuế trong lĩnh vực nông nghiệp. Ủy viên phụ trách thương mại của EU C.Malmstrom nhấn mạnh, EU sẵn sàng thảo luận về thuế đối với ô-tô nhưng không đàm phán về việc dỡ bỏ thuế đối với nông sản Mỹ. Các chuyên gia nhận định, mở cửa thị trường nông sản cho Mỹ là “lằn ranh đỏ” không thể bước qua của EU, vì sẽ khó đạt được đồng thuận trong nội bộ khối.
Quan hệ EU và Mỹ trở nên căng thẳng trong năm 2018, sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU và một số đối tác. EU đã đáp trả thông qua quyết định áp thuế đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị hơn ba tỷ USD từ Mỹ. Hai bên từng có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại khi Tổng thống D.Trump đe dọa áp thuế 25% đối với xe ô-tô nhập khẩu từ các nước châu Âu. Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa Tổng thống D.Trump và Chủ tịch EC J.Juncker hồi tháng 7-2018, hai bên nhất trí đẩy mạnh đàm phán các vấn đề thương mại và thuế quan trong năm nay, nhằm giải quyết các vướng mắc và tháo gỡ xung đột.
Vì vậy, việc Mỹ và EU công bố kế hoạch đàm phán thỏa thuận thương mại tự do được coi là những viên gạch đầu tiên trong tiến trình xây dựng mối quan hệ thương mại bền vững giữa hai bên. Mặc dù tồn tại nhiều bất đồng, các chuyên gia hy vọng, Washington và Brussels sẽ sớm tháo ngòi căng thẳng, bởi không bên nào được hưởng lợi từ những tranh chấp hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()