Nỗ lực giúp Đồng Tháp bứt phá vươn lên từ cánh sen hồng
Tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều sản vật độc đáo và có tiềm năng, trong đó không thể không nhắc đến cây sen.
Tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều sản vật độc đáo và có tiềm năng, trong đó không thể không nhắc đến cây sen, loài cây biểu tượng khiến nơi này được gọi tên là đất Sen hồng.
Nền ẩm thực phong phú, đa dạng từ sen
Cây sen mảnh mai nhưng từ ngó sen, hạt sen, tim sen đến lá sen đều có thể được sử dụng để chế biến nên vô vàn món ăn hấp dẫn như nộm ngó sen, cơm hấp lá sen, mứt sen, cháo hạt sen, gà hầm sen, trà lá sen, trà tâm sen, sữa đậu nành hạt sen… Trong đó, món trà ướp tâm sen đã trở thành một nét văn hóa tinh tế của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam.
Tại lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất – năm 2022, với chủ đề “Sen ngày mới,” tỉnh Đồng Tháp được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) công nhận xác lập kỷ lục cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp nơi tổ chức sự kiện chế biến và công diễn các món ăn làm từ sen nhiều nhất Việt Nam và thế giới.
Có 200 món ăn chế biến từ sen được trưng bày tại Nhà Văn hóa Lao động, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
200 món ăn chế biến được chế biến với nhiều nguyên liệu đa dạng khác nhau (củ, thân, lá, hạt sen, ngó sen…) gồm 30 món cháo, súp, canh; 27 món gỏi, trộn; 18 món nấu, hầm, tiềm, um, kho; 4 món hấp; 2 món kho; 22 món xào; 5 món chiên; 3 món nướng; 3 món lẩu; 6 món dưa chua; 24 món chay; 19 món bánh; 27 món xôi, chè, mứt, kẹo và 10 loại thức uống.
Việc xác lập kỷ lục thế giới 200 món ăn chế biến từ sen giúp ngành hàng sen ở Đồng Tháp tìm ra những sản phẩm mới, những đặc sản có tiềm năng xuất khẩu cao để đưa ra các giải pháp tiêu thụ trong tương lai, đẩy mạnh kinh tế của doanh nghiệp và địa phương, cũng như đưa được đặc sản Việt Nam ra thế giới.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành Kế hoạch phát huy giá trị 200 món ăn chế biến từ sen, thu hút du khách trong và ngoài nước đến Đồng Tháp tham quan, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo Kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Đồng Tháp tập trung tổ chức tập huấn kiến thức nghiệp vụ nấu ăn và kỹ thuật chế biến món ăn từ sen cho đầu bếp các nhà hàng, khách sạn, homestay, farmstay, khu di tích, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; biên soạn, in ấn sách giới thiệu 200 món ăn được chế biến từ sen và số hóa sách giới thiệu 200 món ăn chế biến từ sen; tổ chức Hội thi ẩm thực từ sen nhân sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh hằng năm.
Tỉnh Đồng Tháp xây dựng một số thực đơn mẫu ẩm thực từ sen, tổ chức tập huấn để phổ biến cho các khu, điểm du lịch, điểm tham quan cộng đồng, homestay, farmstay, nhà hàng, khách sạn, trên địa bàn để giới thiệu, quảng bá và chào bán cho khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, du lịch, trải nghiệm tại Đồng Tháp.
Các thực đơn mẫu này cũng tham gia gian hàng ẩm thực sen tại các hội chợ du lịch quốc tế ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Đồng Tháp đã tổ chức các show biểu diễn và dạy kỹ thuật chế biến món ăn từ sen cho du khách trải nghiệm thực tế tại khu, điểm du lịch có đủ điều kiện; đồng thời thực hiện quay video để quảng bá ẩm thực sen Đồng Tháp.
Ngoài ra, Đồng Tháp xây dựng chuyên mục Ẩm thực Sen trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Chương trình du lịch trải nghiệm ẩm thực và chuyên trang Ẩm thực Sen trên Báo Đồng Tháp để quảng bá các món ăn chế biến từ sen và giới thiệu các điểm du lịch có phục vụ các món ăn chế biến từ sen Đồng Tháp; tổ chức công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu 200 món ăn được chế biến từ sen đã được xác lập kỷ lục lên Cổng Thông tin Du lịch tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang tin điện tử các sở, ngành, địa phương, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, đồng thời vận động, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch đưa vào thực đơn phục vụ khách trong và ngoài nước.
Những đột phá bất ngờ từ “trồng sen trên đất lúa”
Bản thân những đầm sen mênh mông với hương thơm mát đặc trưng đã là một lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, không phải nơi nào của Đồng Tháp cũng trồng nhiều sen.
Do đó, để tận dụng thương hiệu “đất Sen hồng,” tại các địa phương vốn không trồng nhiều sen như thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự đã xuất hiện những cánh đồng sen rộng lớn khiến nhiều du khách ngỡ ngàng, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa Đồng Tháp.
Trên mảnh đất chuyên canh 3 vụ lúa kém hiệu quả, vợ chồng anh Trần Thái Ngọc và chị Mai Thị Thoa (ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự) đã quyết định chuyển sang mô hình trồng sen kết hợp làm du lịch để cải thiện kinh tế gia đình.
Trước khi thu hoạch gương sen, gia đình chị Thoa đã thiết kế thêm các tiểu cảnh tại ruộng sen như: làm cầu, kết bè tre, đưa xuồng vào ruộng… để du khách có thể hòa mình vào vẻ đẹp thơ mộng của cánh đồng sen. Ước tính, mỗi ngày trên 100 khách đến tham quan và chụp ảnh “check in.”
Chị Thoa chia sẻ việc trồng sen trên đất lúa không chỉ giúp cải tạo đất, cắt đứt mầm bệnh để vụ lúa sau đạt hiệu quả hơn mà vụ sen này còn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình chị cao hơn trồng lúa gấp 2-3 lần.
Cụ thể, với 10.000m2 đất nông nghiệp của gia đình, nếu chuyên canh trồng lúa, mỗi vụ trúng mùa, lãi khoảng 20 triệu đồng, nhưng khi chuyển đổi sang mô hình này, thu nhập của gia đình đạt khoảng 60-70 triệu đồng/vụ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cái hay của Đồng Tháp là đã xuất hiện nhiều ý tưởng khai thác phát triển du lịch gắn với sen như “sen lên phố,” tổ chức cho khách tìm hiểu đặc điểm sinh học và sự phong phú của các giống loài sen, khai thác tuyến du lịch tham quan đồng sen và các giá trị ẩm thực từ sen, cho du khách trải nghiệm thực hành quy trình sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng thực phẩm đồ uống đóng gói, tổ chức sự kiện kích cầu du lịch gắn với sen…
Đồng thời, tại mỗi nơi đến, du khách tham quan rất dễ dàng tiếp cận với mặt hàng đặc sản địa phương liên quan đến sen như hạt sen, trà sen, rượu sen, sữa sen…
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết bên cạnh giá trị kinh tế, sen chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu tượng về mặt văn hóa tâm linh, là biểu tượng văn hóa cho tính hướng thiện, sự thuần khiết và thanh tao.
Đây là cơ sở để định vị xây dựng giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị du lịch tâm linh gắn với sen tại Khu Di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười nói riêng, Đồng Tháp nói chung.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho hay theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 và trong các giai đoạn tiếp theo, thông điệp quảng bá du lịch của tỉnh là “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen.”
Riêng tại Tháp Mười sẽ định vị du lịch nơi đây là vương quốc sen, văn hóa tâm linh và thiền. Theo đó, địa phương cần quy hoạch diện tích trồng sen; xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch liên quan đến sen như ngắm cảnh, trải nghiệm các sản phẩm đa dạng từ sen (củ, hạt, lá, ngó…).
Mặt khác, cần tạo tính cộng hưởng của hệ giá trị tâm linh nổi bật từ sen với thế mạnh vốn có của di tích khảo cổ văn hóa, lịch sử của Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp; đồng thời, thời gian tới phải đầu tư xây dựng những công trình văn hóa để thu hút khách du lịch mỗi dịp đặt chân đến đất Sen hồng
Tuy nhiên, hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Ngô Thị Phương Lan cũng thẳng thắn chỉ ra điểm hạn chế tồn tại chính là “độ chênh” giữa việc truyền thông và thực trạng khai thác du lịch gắn với sen tại Đồng Tháp.
Câu chuyện truyền thông khá thú vị, hấp dẫn nhưng thực tế cung ứng chuỗi dịch vụ du lịch gắn với sen tại Đồng Tháp còn khiêm tốn, rời rạc. Chuỗi dịch vụ này đang thiếu điểm nhấn, đặc biệt là vào mùa sen không nở rộ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười cũng nhìn nhận tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt là cây sen vẫn chưa được khai thác hết. Thêm vào đó, nhiều nơi phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm chưa chú trọng về thương hiệu.
Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư, làm mới, chủ yếu dựa vào di tích, môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn du khách, chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp-sản phẩm sen còn bỏ ngỏ, chưa có hướng liên kết, phát triển bền vững.
Những sản phẩm độc đáo từ sen
Là một huyện nông nghiệp có diện tích trồng sen lớn trên địa bàn tỉnh, huyện Tháp Mười đã chọn cây sen là một trong năm ngành hàng chủ lực của huyện để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười Nguyễn Minh Tâm thông tin, diện tích trồng sen tại địa phương khoảng 300ha, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Kiều, Mỹ Hòa.
Từ thế mạnh của vùng nguyên liệu, Tháp Mười đã phát triển nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, nước uống đóng chai tinh chất sen, kéo sợi tơ sen…
Năm 2016, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Sen Tháp Mười;” năm 2019, có 6 sản phẩm OCOP từ sen được đánh giá 3-4 sao, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Không chỉ những sản phẩm OCOP, những sản phẩm handmade từ sen cũng đã gây chú ý đối với người tiêu dùng, trong đó có sản phẩm son môi từ hoa sen của cô nữ sinh Đồng Tháp
Bằng đam mê đặc biệt với hoa sen, em Nguyễn Thị Diệu Hiền, học sinh lớp 12 Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Phú Thành A huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nghiên cứu, sản xuất thành công son môi từ hoa sen.
Ban đầu, Hiền tìm hiểu công dụng của hoa sen, học hỏi kỹ thuật làm son trên mạng Internet rồi tiến hành thử nghiệm.
Với kinh phí để dành từ tiền ăn sáng, Hiền đặt mua nguyên liệu và các thiết bị cần thiết như máy đánh son, khuôn, cốc thủy tinh… Em chọn các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như bột hoa sen, sáp ong, dầu ôliu, dầu jojoba, vitamin E, màu khoáng.
Diệu Hiền đi tìm các cánh đồng sen và chọn mua những hoa sen đã nở, cánh hoa có màu hồng đậm, mùi thơm. Về nhà, em cắt nhỏ cánh hoa, phơi trong nắng sáng từ 8-10 giờ, liên tiếp ba ngày rồi nghiền thành bột.
Tháng 10/2021, Hiền vui mừng khi mẻ son làm ra cơ bản đạt các yêu cầu như mịn, bóng, màu sắc đẹp, có mùi thơm nhẹ… và dần được người tiêu dùng chấp nhận với giá bán dùng thử trung bình 60.000 đồng/thỏi.
Hiện tại, sản phẩm son sen của Hiền đã bán ra thị trường nhưng vẫn còn một hạn chế mà em chưa hài lòng là độ bền màu của sản phẩm chưa như mong muốn. Em đang cố gắng nghiên cứu để tạo ra thỏi son “lỳ màu” nhưng phải dùng các nguyên liệu tự nhiên, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Dự án son sen của Diệu Hiền đã đoạt giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2021; giải Nhì về ý tưởng tại Cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo do Tỉnh đoàn Đồng Tháp tổ chức năm 2021./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()