Nỗ lực giữ những nụ cười của du khách
Các doanh nghiệp du lịch hiến kế nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của du lịch vùng Đông Bắc. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm phát triển sản phẩm du lịch cho Năm Du lịch Quốc gia 2018 tại Quảng Ninh và khu vực phía bắc, Tổng cục Du lịch tổ chức đoàn khảo sát kết hợp tổ chức Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch khu vực Đông Bắc với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia trong ngành du lịch, đại diện các doanh nghiệp lữ hành.
Hơn 70 thành viên đoàn khảo sát là đại diện các cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên cả nước. Đoàn khảo sát đã đi qua ba tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh với những điểm đến nổi bật như: Khu danh thắng Tràng An, khu tâm linh chùa Bái Đính, động Thiên Hà, đảo Cát Bà, vịnh Lan Hạ, đảo Khỉ, mũi Sa Vĩ…
Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đều là những điểm đến chủ chốt trong công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018. Sau khi thực tế khảo sát các điểm đến, đoàn khảo sát nhận định khu vực Đông Bắc có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có khả năng lớn thu hút du khách. Tại tọa đàm, đại diện của các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến thảo luận, góp ý đối với ngành du lịch các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm giúp các điểm đến khu vực Đông Bắc phát triển du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chi tiết nhỏ làm nên hiệu quả lớn
Tại Tọa đàm, đại diện các hãng lữ hành có một số ý kiến góp ý về sản phẩm du lịch: Phải sạch, đẹp, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, cảnh quan phải được chú trọng từng chi tiết nhỏ, không thể để có rác tại cảnh quan. Du khách quốc tế rất quan tâm vấn đề môi trường nơi họ đến. Vì vậy, mỗi địa phương hãy làm cho mình đẹp hơn, xanh hơn.
Các địa phương cần chú ý về mỹ quan của điểm du lịch. Tại các công trình cổ không nên để các biểu ngữ, banner làm phá vỡ cảnh quan. Đại diện doanh nghiệp lữ hành lấy ví dụ về Đình Trà Cổ (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), là một công trình kiến trúc cổ có quy mô đồ sộ vào bậc nhất tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên khi du khách đang hào hứng chiêm ngưỡng di tích kiến trúc nghệ thuật được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XV) thì lại bị “mất hứng” bởi những biểu ngữ đỏ, vàng treo nhiều trong Đình, phá vỡ cảnh quan cổ kính.
Theo các doanh nghiệp, các tỉnh phía bắc thông tin và truyền thông về du lịch còn kém, chưa có sự quảng bá rộng rãi đến các hãng lữ hành. Các doanh nghiệp mong muốn sản phẩm của các vùng du lịch Đông Bắc phải đặc sắc để các doanh nghiệp có lộ trình, kế hoạch quanh năm, để có thể xây dựng kế hoạch tour nhiều ngày. Ví dụ như Ninh Bình có các điểm du lịch tâm linh, có tài nguyên thiên nhiên, phải thúc đẩy thật mạnh các sản phẩm để có thể bán tour quanh năm, để níu chân khách lưu trú lại.
Các doanh nghiệp du lịch nhấn mạnh các tỉnh Đông Bắc có tài nguyên thiên nhiên đẹp, nhiều điểm du lịch đặc sắc, nhưng một điểm quan trọng “níu chân” du khách vẫn là thái độ của những người phục vụ. Người trực tiếp tiếp xúc với khách chiếm 60% việc tạo được sự thành công cho điểm đến. Ví dụ ở Ninh Bình có điệu hát chèo rất hay, các hướng dẫn viên, những người lái đò có thể cất những lời ca, tiếng hát, du khách sẽ rất ấn tượng. Bên cạnh đó, người làm du lịch nên chú ý đến từng việc nhỏ như chuẩn bị mũ, nón, ô cho khách khi thời tiết quá nóng hoặc mưa. Người làm du lịch rất cần có sự tương tác với khách, có khi chỉ bằng một bát trà xanh, hay một khúc dân ca sâu lắng… đã để lại nhiều ấn tượng khó phai.
Bên cạnh đó, các bến phà, thuyền cần thay đổi trong cách đưa khách lên tàu, các hạng mục tại bến… để khách thoải mái, tránh mệt mỏi, tạo cảm giác xấu cho khách. Tăng thêm bến phà vì các bến phà cũ đã quá tải. Cần có ghế ngồi và áo phao tại ghế ngồi. Nếu chúng ta để ý đến từng chi tiết nhỏ, ví dụ chỉ cần một máy pha trà, cà phê tự động ở một góc nhỏ của các bến phà, thuyền cũng sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho du khách.
Các doanh nghiệp cho rằng tỉnh Quảng Ninh cần quy hoạch tuyến du lịch để giảm tải và “giải cứu” cho vịnh Hạ Long vì Hạ Long quá chật và quá đông. Ngoài vịnh Hạ Long còn có vịnh Bái Tử Long rất đẹp và chưa được khai thác. Ngoài ra, các hãng lữ hành còn cho rằng cần quy hoạch tàu trên vịnh Hạ Long để đưa ra 2 tuyến du lịch: Một bên là náo nhiệt, vui vẻ, một bên là du lịch yên tĩnh, nghỉ dưỡng ở những vùng biển xa hơn. Một bộ phận khách du lịch kỳ vọng sẽ được thăm vịnh trên những con tàu nhỏ, riêng tư, chứ không thích tàu đông, tàu to. Cũng cần quy hoạch những bãi tắm ngoài biển để khách du lịch quốc tế được cảm nhận vẻ đẹp của Việt Nam nhiều hơn nữa.
Có doanh nghiệp còn hiến kế cho tỉnh Quảng Ninh những cách thu hút du khách mới lạ. Ví dụ như ở thị xã Cẩm Phả có nhiều khu mỏ đã khai thác xong, đó có thể chính là điểm đến du lịch, là điểm nhấn “lạ” cho du lịch Quảng Ninh. Mỗi khách khi ra về được tặng một viên than đá – sẽ là cách khai thác sản phẩm du lịch rất tuyệt vời…
Liên kết địa phương để tăng sức hút của điểm đến
Các doanh nghiệp lữ hành khẳng định địa phương cần liên kết để đem lại các sản phẩm du lịch hấp dẫn cho khách nội địa. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ khiến người Việt Nam du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước. Chúng ta bán tour nước ngoài thì rất rẻ nhưng khách lại dùng một số tiền lớn để mua sắm. Với các tour ở trong nước, khách du lịch lại không có gì để mua.
Theo các hãng lữ hành, ba địa phương Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh có nhiều điểm tương đồng, có thể liên kết với nhau bằng văn hoá tâm linh, thiền, văn hoá, lịch sử, triết giáo. Ở Ninh Bình có chùa Bái Đính, Quảng Ninh có Thiền viện Trúc Lâm, Yên Tử, chùa Cái Bầu.
Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Phạm Lê Thảo cho hay đã có ký kết về xây dựng sản phẩm du lịch ở khu vực Đông Bắc nhưng trên thực tế các địa phương vẫn chưa thực hiện. Hiện nay, các địa phương vẫn “mạnh ai nấy làm”, vì nghĩ mình đã có lợi thế về tài nguyên du lịch sẵn có rồi. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ có nhiều hoạt động trao đổi thông tin giữa các tỉnh, thành phố để việc liên kết hiệu quả hơn.
Để làm được du lịch cần có sự kết hợp của rất nhiều ngành, theo bà Phạm Lê Thảo, du lịch luôn lắng nghe và trao đổi với các ngành khác để chất lượng tốt hơn. Hiện nay, nhận thức của ngành du lịch ở một số tỉnh chưa tốt khiến cho việc bảo đảm an ninh, an toàn cũng như sự thuận tiện cho du khách vẫn trong “một mớ bòng bong”.
Bà Phạm Lê Thảo khẳng định ngành du lịch sẽ cố gắng cải thiện càng nhiều càng tốt chất lượng du lịch để các hãng lữ hành yên tâm đưa khách tới. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm cải thiện môi trường du lịch an toàn, sạch đẹp, thân thiện bằng những nụ cười, những cử chỉ thể hiện lòng quý mến, tôn trọng du khách. Tất cả để tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái nhất cho du khách có thể tận hưởng được vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.
Ý kiến ()