Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn
(LSO) – Trước tác hại, hệ lụy do tảo hôn gây ra, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020”, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Do trình độ dân trí chưa cao, vẫn còn có người có suy nghĩ, mong muốn sớm có con cháu, cùng nhu cầu có thêm lao động cho gia đình là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tảo hôn. Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức đa dạng. Từ năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện đề án) đã tổ chức 10 hội nghị chuyên sâu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ), phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tới 1.010 lượt người tham dự, chủ yếu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, đại diện các gia đình.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Gia Cát, huyện Cao Lộc tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho hội viên (ảnh chụp trước 27/1/2021)
Ông Trần Văn Nhượng, người có uy tín thôn Tẩu Lìn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc cho biết: Trong thôn có 90 hộ dân. Hiểu được tác hại do tảo hôn gây ra như: ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, sức khỏe sinh sản của phụ nữ… tôi đã tích cực vận động người dân không nên cho con em tảo hôn, tuyên truyền thanh niên kết hôn khi đủ tuổi. Do đó 5 năm qua, thôn không có trường hợp tảo hôn, hằng năm, gần 80% hộ đạt gia đình văn hóa.
Những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh còn duy trì các mô hình hiệu quả tuyên truyền pháp luật, trong đó có nội dung về HN&GĐ nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, phòng, chống nạn tảo hôn. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì hoạt động hơn 200 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; Hội Nông dân tỉnh duy trì 75 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo 9 đội chiếu bóng lưu động thông tin tuyên truyền nội dung liên quan đến các thôn, bản, vùng sâu, xa biên giới. Các đơn vị liên quan cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, tờ gấp; truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng dân tộc, để đồng bào dân tộc thiểu số dễ hiểu, nắm bắt được nội dung tuyên truyền về tảo hôn… Đơn cử, từ năm 2017 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thực hiện được 60 phóng sự truyền hình về các thôn, bản còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát thanh 2 chuyên đề, phóng sự về chủ đề này/tháng bằng tiếng Tày – Nùng, Dao.
Cấp phát tài liệu tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống cho nhân dân xã Nhượng Bạn. Ảnh: ĐỨC ANH
Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện đề án tỉnh xây dựng mô hình điểm tại xã Nhượng Bạn (nay là xã Thống Nhất), huyện Lộc Bình. Bà Nông Bích Vân, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Lộc Bình cho biết: Thực hiện mô hình điểm, chúng tôi đã hướng dẫn UBND xã đưa nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước thôn, bản. Đồng thời, thành lập ban vận động chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của xã, 5 câu lạc bộ vận động chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn, bản. Kết quả, giai đoạn 2015 – 2020, toàn xã có 70 cặp kết hôn nhưng chỉ có 2 cặp tảo hôn, chiếm 2,8%, giảm 9,7% so với giai đoạn 2010 – 2015.
Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Bằng việc đồng bộ các giải pháp, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đề án đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ cặp tảo hôn trên tổng số cặp kết hôn trên địa bàn tỉnh đã giảm. Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2015, số cặp tảo hôn là 18,5%, giai đoạn 2015 – 2020 giảm xuống còn 2,36%.
Thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021 – 2025, Ban Dân tộc tiếp tục tăng cường phối hợp với các ban, ngành trong công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về HN&GĐ, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng mô hình điểm tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật về HN&GĐ đến người dân, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Ý kiến ()