Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
(LSO) – Với nhiều nỗ lực trong công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của Lạng Sơn đã giảm từ 117,3 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2016, xuống còn 116 trẻ trai/100 trẻ gái trong 9 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao, cần tiếp tục có những can thiệp mạnh mẽ, kịp thời để tránh nhiều hệ lụy khó lường.
Tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) mất cân bằng giới tính khi sinh, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, các thành viên đều nhiệt tình đóng góp những ý kiến, cách làm hay để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Chị Vũ Thị Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB mất cân bằng giới tính khi sinh, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: CLB của phường được thành lập từ tháng 6/2018 với 30 thành viên, mỗi quý, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi. Nhờ vậy, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn phường Vĩnh Trại không có tình trạng sinh con thứ 3, không xảy ra tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Cán bộ chuyên trách dân số phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn (đứng giữa) tuyên truyền chính sách về DS-KHHGĐ cho nhân dân
Hiện nay, toàn tỉnh có 101 CLB mất cân bằng giới tính khi sinh, thu hút gần 5.000 thành viên tham gia. Việc duy trì và phát triển các CLB đã góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” (MCBGTKS) từ năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các hình thức truyền thông đa dạng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức được 30 hội nghị nói chuyện chuyên đề về kiểm soát MCBGTKS tại 30 xã, thị trấn của 6 huyện (Bình Gia, Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Quan, Tràng Định, Hữu Lũng), thu hút hơn 2.000 người tham dự; tổ chức được 55 cuộc truyền thông giảm thiểu MCBGTKS cho 3.300 người nghe; truyền thông lồng ghép được 5.244 buổi, thu hút 146.480 lượt người nghe; thăm và tư vấn cho 16.305 hộ gia đình với 17.569 lượt người nghe.
Bên cạnh đó, năm 2018, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức thành công hội nghị gặp mặt gia đình sinh con một bề gái tiêu biểu, đã từng bước thay đổi hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ theo hướng không phân biệt giới tính, không trọng nam khinh nữ, không lựa chọn giới tinh thai nhi, góp phần làm giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn. Anh Phùng Văn Thanh, thôn Đồng Thủy, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Gia đình tôi có 2 con gái, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi. Chúng tôi sẽ không sinh thêm con vì với chúng tôi, dù gái hay trai, chỉ hai là đủ và tập trung quan tâm, chăm lo, giáo dục các cháu nên người.
Để nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS, Chi cục DS-KHHGĐ đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi và phá thai; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến lựa chọn giới tính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong 9 tháng đầu năm 2019, thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 14 cơ sở hành nghề y có thực hiện siêu âm và các cơ sở kinh doanh sách, ấn phẩm trên địa bàn. Qua kiểm tra đã xử phạt 1 cơ sở kinh doanh sách, ấn phẩm với số tiền 8 triệu đồng vì bán 18 quyển sách có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng mức chênh lệch giới tính trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao và chưa ổn định. Để hạn chế tối đa sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, không chỉ cần sự chung tay, phối hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng, mà còn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện, đó là đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người dân về bình đẳng giới; duy trì, nâng cao và nhân rộng hoạt động của 101 CLB tại các xã, thị trấn; đưa vấn đề nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước, hương ước của thôn, bản; góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()