Nỗ lực giảm nghèo cho bà con dân tộc khu vực khó khăn
LSO- Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh, còn 14,9% số hộ nghèo giảm 3,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số hộ nghèo là bà con dân tộc thiểu số ở khu vực khó khăn, khu vực biên giới được cải thiện mạnh, tỷ lệ hộ nghèo tại 21 xã, thị trấn biên giới đã giảm từ 17,4% (năm 2011) xuống còn 10,7% (năm 2014).
Nhân dân xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng sơ chế sắn
Tháng 1/2015, tại buổi làm việc với đồng chí Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: công tác giảm nghèo mấy năm qua của Lạng Sơn cơ bản đã đạt một số kết quả, bình quân mỗi năm giảm 5% số hộ nghèo. Để có kết quả này, Lạng Sơn tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số như: vay vốn để phát triển sản xuất và hỗ trợ học nghề để nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Cụ thể như ở huyện nghèo 30a Bình Gia, thời gian qua, huyện đã phân bổ 8.678 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 1.500 hộ nghèo và hộ cận nghèo tại 17 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Cùng đó, huyện còn hỗ trợ 75 tấn đạm, lân cho 546 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số ở 10 xã đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất. Cùng đó, huyện tổ chức rà soát số hộ nghèo cần vay vốn để kịp thời hỗ trợ… Ông Lý Văn Thăng, Bí thư Huyện ủy Bình Gia cho biết: đổi thay đáng kể nhất trong năm qua là cuộc sống người dân trên địa bàn đã được nâng lên, điều này được minh chứng qua con số thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm. Chính sự đổi thay này đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2014 của huyện giảm được 5,33%, hiện toàn huyện chỉ còn 43,67% hộ nghèo. Có thể thấy, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Bình Gia còn cao, nhưng những cách làm trên đã góp phần đưa tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh.
Nghề làm hương ở huyện Lộc Bình tăng thêm thu nhập cho gia đình
Cũng giống như Bình Gia, thời gian qua, các huyện và thành phố Lạng Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ bà con hộ nghèo ở khu vực khó khăn, khu vực biên giới phát triển kinh tế nhằm vươn lên thoát nghèo. Về cơ bản, các chính sách dân tộc thực hiện trên địa bàn tỉnh đều có hiệu quả. Cụ thể như năm 2014, chương trình 135 đã hỗ trợ 181.847 triệu đồng cho 111 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu; 2.253 hộ vay vốn ưu đãi với tổng số vốn là 12.665 triệu đồng theo Quyết định số 54/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, chính sách riêng của tỉnh đã hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho 4.114 hộ dân tộc thiểu số ít người… Các chính sách đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, bước đầu hình thành một số mô hình tổ chức sản xuất mới có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào khu vực đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù tỉnh đã quan tâm, ưu tiên cho bà con dân tộc các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đến nay, phần lớn người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là tỉnh miền núi Lạng Sơn đều thiếu vốn đầu tư, thiếu khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất. Vì vậy, theo kế hoạch hằng năm, tỉnh giải quyết cho khoảng hơn 7.000 hộ nghèo vay vốn. Ðến năm 2020, tất cả các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn… Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực, nhằm bảo đảm hiệu quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy các mô hình kinh tế trang trại, từng bước tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo như: hỗ trợ về y tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám, chữa bệnh miễn phí ở các cơ sở y tế theo đúng quy định. Đồng thời tỉnh sẽ bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giúp bà con phát triển kinh tế như giao thông, trường học, trạm y tế…, nhất là tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương để chuyển đổi lúa một vụ thành hai vụ/năm.
Với hướng đi đã đề ra, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực khó khăn, khu vực biên giới sẽ là những người được thụ hưởng nhiều nhất. Nhất là thụ hưởng từ nguồn vốn vay ưu đãi, qua đó họ sẽ có lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG

Ý kiến ()