Nỗ lực giải quyết việc làm
LSO- Trong giai đoạn 2011 – 2015, công tác giải quyết việc làm được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi, tham mưu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, công tác giải quyết việc làm của tỉnh đạt những kết quả đáng ghi nhận, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Công nhân Công ty TNHH Bảo Long trong giờ sản xuất
Từ năm 2011 – 2015, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 63.190 người, bình quân gần 12.630 người/năm (vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra), trong đó, lao động đi xuất khẩu là 943 người. Công tác giải quyết việc làm đã gắn liền với việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nhờ đó, cơ cấu lao động được chuyển dịch theo hướng phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cụ thể, cơ cấu lao động nông, lâm nghiệp là 74%; công nghiệp, xây dựng là 8%, dịch vụ là 18%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,5%, giảm 0,3% so với năm 2010.
Đạt được kết quả trên là do được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của tỉnh luôn bền vững nên đã tạo ra nhiều chỗ làm mới.
Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và UBND tỉnh đã quan tâm, đầu tư, bố trí nguồn vốn tạo tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các đề án, mục tiêu về giải quyết việc làm. Theo đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề đã đầu tư nâng cao năng lực và hiện đại hóa Trung tâm Giới thiệu việc làm với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị đầy đủ, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn và giới thiệu việc làm. Ông Hoàng Hồng Hạnh, Phó trưởng Phòng Tư vấn Giới thiệu việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã khai trương và đưa sàn giao dịch việc làm vào hoạt động định kỳ; đồng thời đưa vào sử dụng trang web trên cổng thông tin điện tử tỉnh và trung tâm là địa chỉ thường trực dành cho người tìm việc và việc tìm người trên địa bàn. Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo, các địa phương tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối thông tin thị trường lao động và giải quyết việc làm trực tiếp cho người lao động. Trong 5 năm, qua trung tâm, đã có trên 969 lao động tìm được việc làm, riêng năm 2015, trung tâm giới thiệu cho gần 460 người có việc làm, vượt cao so với các năm trước. Năm 2016, trung tâm phấn đấu giới thiệu cho 500 người có việc làm.
Cùng với đó, công tác điều tra, cập nhật thông tin thị trường lao động được thực hiện thường xuyên. Qua đó kịp thời có cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, là cơ sở để hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cung, cầu lao động.
Việc thực hiện cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về việc làm. Trong giai đoạn 2011 – 2015, từ nguồn vốn thu hồi và nguồn bổ sung hằng năm đã giải ngân trên 120,7 tỷ đồng cho 6.579 dự án và 7.670 lao động được tạo việc làm. Việc triển khai cho vay vốn giải quyết việc làm được thực hiện thuận lợi, giúp các chủ dự án nhận được vốn vay kịp thời. Các dự án chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm cho hộ gia đình trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ nhỏ… Ví như cơ sở sản xuất gạch bê tông của chị Triệu Thị Phòn, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan từ nguồn vốn vay đã phát triển sản xuất, tạo việc làm cho 7 lao động có thu nhập từ 1,6 triệu đồng/tháng; xưởng gạch của anh Vi Văn Lạnh, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc thường xuyên tạo việc làm cho 3-5 lao động.
Những kết quả trong công tác giải quyết việc làm giai đoạn 2011 – 2015 đã góp phần đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nếu năm 2011, toàn tỉnh giảm được trên 7.580 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,06% thì đến năm 2015, giảm được trên 5.350 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,9%. Thu nhập người dân tăng khoảng 1,6 lần.
Ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành LĐTB&XH tỉnh với chức năng là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần cùng với toàn tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Theo đó, phấn đấu tạo việc làm mới trong giai đoạn 2015 – 2020 là 7 – 8 vạn lao động, trong đó, phấn đấu năm 2016, tạo việc làm mới cho 14.000 người, vượt 500 người so với năm 2015 .
Bài, ảnh: HOÀI AN
Ý kiến ()