Nỗ lực giải quyết nợ chương trình xuất khẩu lao động
LSO-Chương trình cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ đối với các đối tượng đi xuất khẩu lao động nước ngoài được thực hiện từ năm 2004.
LSO-Chương trình cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ đối với các đối tượng đi xuất khẩu lao động nước ngoài được thực hiện từ năm 2004. Cả tỉnh, lũy kế trong 10 năm qua đã cho vay trên 40 tỷ đồng, hơn 2 nghìn lao động được tạo điều kiện vay vốn đi xuất khẩu lao động, trong đó nhiều người đã có thu nhập khá, gửi tiền về cho gia đình, góp phần đáng kể trong việc cải thiện, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình cũng có những vướng mắc, khó khăn. Nhiều lao động về nước trước thời hạn, lao động vay vốn mà chưa xuất khẩu… Việc trả nợ ngân hàng vì thế trở thành gánh nặng cho các gia đình, là trở ngại cho công tác quản lý, nâng cao hiệu quả nguồn vốn của ngân hàng. Để tháo gỡ khó khăn này, trong những năm gần đây, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp, từng bước giảm nợ quá hạn trên địa bàn.
Cán bộ Ngân hàng chính sách huyện Cao Lộc thu nợ tại điểm giao dịch thị trấn Cao Lộc |
Tính đến hết quý I năm 2012, thu nợ chương trình cho vay xuất khẩu lao động mới được 603 triệu đồng, nợ quá hạn 2.618 triệu đồng (tăng 363 triệu đồng so với đầu năm) trong tổng dư nợ chương trình vốn là 6.322 triệu đồng. Với các đối tượng được vay là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, nên hầu hết các hộ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mong muốn được đi lao động, có thu nhập, đổi đời. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là các đối tượng đi lao động tự bỏ về nước trước thời hạn, không đủ điều kiện lao động, hoặc lao động vay mà chưa được đi xuất khẩu theo kế hoạch và một số hộ có điều kiện nhưng không chịu trả nợ, chây ì đã gây khó khăn cho công tác thu nợ, quản lý vốn chính sách của Ngân hàng. Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Trước tình hình nợ quá hạn tăng, nhiều khoản nợ khó đòi, từ năm 2012 đến nay, Chi nhánh đã tăng cường công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn và xử lý nợ quá hạn. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các Ban xử lý thu hồi nợ gồm có cán bộ ngân hàng, lãnh đạo xã, phường, cán bộ hội, công an… Ban xử lý thu hồi nợ đến tận nhà nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, phân loại nợ để đưa ra giải pháp thu nợ đối với từng trường hợp cụ thể. Biện pháp vận động trả nợ là chủ yếu, nhưng đối với các trường hợp có khả năng trả nợ (căn cứ vào điều kiện, tài sản, thu nhập của gia đình) mà vẫn chây ì, không chấp hành trả nợ, Chi nhánh kiên quyết xử lý theo quy định. Chi nhánh đã gửi hồ sơ của một số trường hợp nợ chây ỳ tại thành phố Lạng Sơn cho cơ quan pháp luật để xem xét giải quyết. Đối với các đối tượng giao tiền cho các công ty tuyển dụng để thực hiện các thủ tục đi xuất khẩu mà chưa được đi xuất khẩu lao động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mời các công ty tuyển dụng đến làm việc để làm rõ trách nhiệm của các bên, cùng tháo gỡ nợ cho các hộ vay. Từ năm 2012, Chi nhánh đã gửi giấy mời cho 10 công ty tuyển dụng liên quan, có 3 công ty đến làm việc đã lập biên bản cam kết trả nợ. Công ty Prosimecx đã thanh toán 178 triệu đồng trong tổng số 545 triệu đồng cho các đối tượng không đi xuất cảnh.
Từ thực hiện những biện pháp tích cực, công tác thu nợ có dấu hiệu chuyển biến, từ năm 2012 đến nay, doanh số thu nợ được 3.981 triệu đồng, nợ quá hạn giảm từ 2.618 triệu đồng xuống còn 1.942 triệu đồng. Mặc dù, kết quả ban đầu khả quan, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp cố tình nợ chây ỳ, khó đòi và các công ty hứa hẹn vẫn chưa có hồi âm trở lại. Hiện, trên 60% dư nợ chương trình xuất khẩu lao động là nợ quá hạn, nhiều nhất là ở các huyện Văn Lãng, Lộc Bình, Văn Quan, thành phố… Để giải quyết nợ chương trình này, Chi nhánh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tại các địa phương; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi Cục Quản lý lao động nước ngoài thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để đề nghị giúp đỡ xử lý nợ. Mặt khác, đối với những khoản nợ đã thu hồi, Ngân hàng Chính sách tiếp tục xem xét, tạo điều kiện cho vay các đối tượng mới có nhu cầu, đảm bảo mục đích và hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp người lao động có việc làm, có thu nhập và ổn định đời sống.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()