Nỗ lực giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai
LSO-Tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) và tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh ta trong những năm gần đây diễn ra khá phức tạp. Với sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, ngành chức năng đã tập trung giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; nhưng thời gian qua vẫn còn phát sinh KNTC mới và một số vụ cũ tiếp tục khiếu nại dù đã giải quyết nhiều lần.
Giải đáp thắc mắc của người dân về công tác cấp “sổ đỏ” ở Lộc Bình |
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014, sở đã tiếp nhận 19 đơn đủ điều kiện xử lý đều liên quan đến lĩnh vực đất đai (5 đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đã giải quyết nhiều lần). Trong đó, có 13 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, cụ thể khiếu nại 6 đơn, đề nghị 5 đơn, tranh chấp đất đai 2 đơn. Còn có 4 đơn trả lại, hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền; chuyển 1 đơn tố cáo về UBND huyện Đình Lập; thông báo 1 đơn tố cáo không đủ điều kiện thụ lý giải quyết.
Thực tế cho thấy, địa bàn phát sinh nhiều lượt công dân có nhiều đơn thư KNTC về đất đai là thành phố Lạng Sơn, các huyện Lộc Bình, Đình Lập… Trong đó, có một số vụ có đông người tham gia như: vụ khiếu nại của một số hộ dân liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Tiểu khu tái định cư khối 2, phường Vĩnh Trại; vụ một số công dân khiếu nại, thắc mắc liên quan đến bồi thường dự án Trường bắn quốc gia TB1; vụ một số công dân nguyên là công nhân đường sắt trú tại đường Hùng Vương, phường Chi Lăng kiến nghị cấp đất tái định cư. Nội dung công dân trình bày chủ yếu như bồi thường về đất, tài sản trên đất khi thu hồi giải phóng mặt bằng; tranh chấp về địa giới hành chính; quyền sử dụng đất giữa cá nhân với tập thể, giữa các hộ gia đình kiện đòi đất cũ, đất của cha ông, đất cho mượn… Ông Hoàng Sơn Hải, Chánh văn phòng Sở TN&MT tỉnh cho biết: nguyên nhân dẫn đến KNTC liên quan đến đất đai là do quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, giá trị sử dụng đất đai tăng, nguồn lợi kinh tế từ đất biến đổi nhanh, trong khi đó hệ thống pháp luật về đất đai chậm được hoàn thiện; nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu những văn bản hướng dẫn thực hiện. Cơ chế, chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư có nhiều thay đổi, dẫn đến trong thực hiện không đồng bộ. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật, thường vin vào cớ “đất ông cha” để tranh chấp. Khi có khiếu kiện của công dân, một số người có trách nhiệm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa kịp thời, chất lượng giải quyết còn hạn chế…
Từ chỗ chỉ ra nguyên nhân dẫn đến phát sinh tình trạng KNTC, tranh chấp đất đai, ngành chức năng đã hết sức nỗ lực để tập trung giải quyết hợp lý, hợp tình, đúng quy định của pháp luật. Tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, quá hạn, đảm bảo quyền lợi của công dân, phù hợp với quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích chính sách pháp luật, đối thoại trực tiếp với công dân trong quá trình giải quyết. Đối với các vụ việc phức tạp, xảy ra đã lâu, đã giải quyết nhiều lần theo đúng quy định của pháp luật, ngành chức năng cùng với các tổ công tác, đoàn công tác của tỉnh vẫn tiếp nhận đơn, xem xét để trả lời cho dân hiểu, vận động người dân nghiêm túc chấp hành các kết luận giải quyết. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2014, Sở TN&MT đã giải quyết và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết được 10/13 đơn, đạt 76,9%, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, đã giữ lại cho nhà nước 1.147,9 m2 đất, trả lại cho công dân 1.000 m2 đất, bảo vệ quyền lợi cho 2 người dân, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Bên cạnh những nỗ lực tập trung giải quyết đúng quy định của pháp luật về đất đai, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần tiếp tục khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết KNTC. Ví như, đa số các vụ việc giải quyết đều bị quá thời gian, thời hạn so với quy định; biên chế thanh tra Sở TN&MT hạn chế nên không bố trí trực thường xuyên tại phòng tiếp công dân; cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa được học qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác này; còn vướng mắc trong hệ thống pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và tranh chấp đất đai. Nhằm từng bước khắc phục hạn chế nêu trên, ông Hoàng Sơn Hải nhấn mạnh: thời gian tiếp theo, ngành tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC đối với cán bộ và nhân dân. Tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, quá hạn, đảm bảo quyền lợi của công dân, phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()