Nỗ lực đưa Syria trở lại “gia đình Arab”
Quyết định của Liên đoàn Arab (AL) về việc khôi phục hoàn toàn tư cách thành viên cho Syria sau 12 năm gián đoạn là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự tan băng trong quan hệ giữa Damascus với các quốc gia Arab, đồng thời mở ra những tín hiệu tích cực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria.
Trang Al Arabiya của Saudi Arabia ngày 8-5 nhận định, quyết định đưa Syria trở lại AL còn cho thấy mong muốn thực hiện “chính sách độc lập trên trường quốc tế” của các nước Arab. Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi những nhà ngoại giao hàng đầu của Jordan, Syria, Saudi Arabia, Iraq và Ai Cập tổ chức các cuộc đàm phán ở thủ đô Amman (Jordan) xoay quanh việc thống nhất một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Tại đây, các bên đã nhất trí tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án phục hồi, hỗ trợ Syria kiểm soát hợp pháp các vùng lãnh thổ, chấm dứt sự hiện diện của các nhóm vũ trang và khủng bố, ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của nước này. Đây được coi là cơ sở tiến tới việc các nước trong khối đồng ý khôi phục tư cách thành viên AL cho Syria.
Không quá khi nói rằng đây là một thành công của các quốc gia Arab, khi các “địch thủ đối đầu” một thời quyết tâm dẹp bỏ xích mích để đồng lòng tạo nên sức mạnh gắn kết nội khối. AL cũng đang nỗ lực đạt thống nhất trong việc mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Riyadh trong tuần tới.
Phiên khai mạc cuộc họp Ngoại trưởng các nước Arab tại trụ sở Liên đoàn Arab, Cairo (Ai Cập), ngày 7-5. Ảnh: Reuters |
Thành công trên có được sau một loạt hoạt động ngoại giao con thoi giữa Syria và các quốc gia Arab trong thời gian qua, trong đó phải kể đến vai trò cầu nối của Saudi Arabia và Iran-hai quốc gia vốn có nhiều “duyên nợ” với Damascus. Tháng trước, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan đã có chuyến công du tới Damascus lần đầu tiên kể từ khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Syria hơn một thập kỷ trước. Trước năm 2011, Saudi Arabia là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Syria, với kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2010. Sau thời gian dài sụt giảm nghiêm trọng, thương mại hai bên đã tăng lên trước cả khi quan hệ ngoại giao được cải thiện, với báo cáo thương mại hai chiều tăng từ 92,35 triệu USD năm 2017 lên 396,90 triệu USD vào năm 2021.
Tiếp đến là chuyến thăm Syria hôm 3-5 của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác dài hạn về dầu mỏ và các lĩnh vực khác nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai đồng minh lâu năm. Trang Al Jazeera bình luận, các thỏa thuận này rất quan trọng đối với Syria, khi mà nền kinh tế nước này đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại trong thập kỷ qua, với lạm phát leo thang, đồng nội tệ lao dốc và cắt điện tràn lan.
Những chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Arab tới Syria và ngược lại, cùng với việc Syria khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tunisia, phá băng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ… đã cho thấy những thay đổi mạnh mẽ trong khu vực, bất chấp sự phản đối của Mỹ và phương Tây-những quốc gia vẫn đang áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Syria.
Đáp lại quyết định của AL, Mỹ tuyên bố Washington chia sẻ các mục tiêu của các đối tác Arab ở Syria, bao gồm xây dựng an ninh và ổn định, nhưng vẫn “hoài nghi về việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Mỹ không tin “Syria xứng đáng được tái gia nhập AL vào thời điểm này”, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Syria sẽ vẫn có hiệu lực đầy đủ.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ, Moscow hoan nghênh quyết định khôi phục thành viên AL cho Syria và cho rằng việc “đưa Syria trở lại gia đình Arab” đã được mong chờ từ lâu, rằng quyết định này sẽ “tạo điều kiện cho bầu không khí lành mạnh hơn ở khu vực Trung Đông và khắc phục nhanh nhất hậu quả của cuộc khủng hoảng Syria”.
Lý giải cho quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria, AL cho biết, “việc giải quyết xung đột Syria là vấn đề từng bước” và bước đầu tiên là nối lại sự tham gia của Syria trong các cuộc họp của khối. AL cũng tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và cam kết rút tất cả lực lượng nước ngoài khỏi quốc gia này. Người phát ngôn AL Jamal Rushdy cho biết, cuộc khủng hoảng Syria “không chỉ là xung đột trong nước mà còn là xung đột khu vực và quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh AL “muốn Syria trở thành một đối tác trong việc giải quyết xung đột”.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/no-luc-dua-syria-tro-lai-gia-dinh-arab-727469
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()