Nỗ lực đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, vượt trội để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mạnh mẽ hơn
Sáng 10/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/NQ15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 850) chủ trì Hội nghị Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Đồng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu quán triệt tinh thần đi thẳng vào vấn đề vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, những gì đã làm tốt rồi thì kinh nghiệm như thế nào để làm tốt hơn. Sắp tới, trọng tâm là gì. Thí dụ cần tập trung vào điểm gì để định hướng từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng được thúc đẩy, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong vòng kiểm soát…
Thủ tướng nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí rất quan trọng, là đầu tàu kinh tế của cả nước, nếu thành phố tăng trưởng 1% thì sẽ đóng vào tăng trưởng cả nước 0,17-0,18%, thu ngân sách của thành phố đóng góp từ 27-30%.
Thủ tướng đặt vấn đề, những vấn đề vướng mắc phải tháo gỡ như thế nào, cần tập trung tháo gỡ theo hướng nào? Có vấn đề phải có quyết tâm chính trị mới làm được; những vấn đề vướng mắc về pháp luật, thể chế chính sách thì vẫn phải làm. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang quyết tâm sửa Luật Đầu tư công. Về điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành quyết tâm làm, liên tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra nhưng vẫn chậm do thủ tục bị rườm rà. Do đó, hội nghị cần chỉ ra những điểm cần tháo gỡ để thúc đẩy đầu tư công.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian có ít, nội dung nhiều, có nhiều vấn đề phức tạp, do đó các đại biểu cần đánh giá khách quan, trung thực, những vấn đề làm được, chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp, biện pháp chỉ đạo để làm tốt hơn thời gian tới.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột vũ trang Nga-Ukraine kéo dài; xung đột leo thang dải Gaza, căng thẳng tại Biển Đỏ;.. song những chính sách, cùng với các giải pháp triển khai của Thành phố tạo chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,46% so cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,65% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Trong 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,4%.
Thu ngân sách Nhà nước 309 nghìn tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao; tổng doanh thu du lịch tăng 15,4%; khách quốc tế đến thành phố tăng 30,3%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 20,8% so cùng kỳ.
Chuyển động bộ máy chính quyền thành phố có nhiều tích cực. Tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả; tập trung hoàn thành tuyến Metro số 1; tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên Tết các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư Xây dựng đường Vành đai 3; Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức; Dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50.
Thành phố đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh) để thực hiện rà soát hồ sơ Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 trình Bộ Xây dựng. Các chương trình hợp tác với các địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, thiết thực….
* Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh được xem là Nghị quyết đầy đủ, toàn diện với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau.
Nghị quyết dựa trên 3 nguyên tắc chính là “khơi thông tối đa các nguồn lực”, “phân cấp phân quyền tối đa” và “cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn”. Đây được xem là đòn bẩy hiệu quả để Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Qua hơn 1 năm Nghị quyết số 98 có hiệu lực và 6 tháng kể từ Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện của Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương, tình hình triển khai Nghị quyết số 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Về phía các bộ, ngành, đã hoàn thành 8/18 nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là việc ban hành Nghị định về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ngoài ra, các bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, phối hợp triển khai 10 dự án, nhiệm vụ lớn: Phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố; Dự án đầu tư mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương; Xây dựng quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; Phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Nghiên cứu tổng thể đối với các tỉnh, thành phố có mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo quốc gia trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía Thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện Nghị quyết 98, đến nay, Thành phố đã thông qua 35 nghị quyết của Hội đồng nhân dân, 33 quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố và đã hoàn thành 10/25 nhiệm vụ.
Thành phố đã bố trí 3.794 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã có hàng chục ngàn lượt khách hàng vay vốn; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội; đã ban hành 23 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong ngành văn hóa và thể thao; Hội đồng nhân dân Thành phố đã quy định hệ số chỉ thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ, chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đã bước đầu phát huy hiệu quả; đã thành lập Sở An toàn thực phẩm, phân cấp phân quyền cho Thành phố Thủ Đức.
Có thể nói, Nghị quyết 98 đã được triển khai với tốc độ nhanh, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả ngay, đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2024 của Thành phố Hồ Chí Minh…
Ý kiến ()