Nỗ lực để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong xã hội số bao trùm tại Việt Nam
Bài toán về thu hẹp khoảng cách trong xã hội số bao trùm tại Việt Nam để không ai bị bỏ lại phía sau đã được nêu ra và trở thành một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi của Diễn đàn đa phương (MSF) 2024 được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Sự kiện thường niên này tập trung vào vấn đề đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm, thảo luận và triển khai: "Phát triển con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số".
Nhận diện khoảng cách số trong xã hội số bao trùm tại Việt Nam
Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng trong quá trình chuyển đổi số. So với năm 2022, Việt Nam đã tăng 15 bậc lên vị trí thứ 71 trong số 193 quốc gia về chỉ số phát triển chính phủ số của Liên Hợp Quốc. Ở góc nhìn thường nhật, Việt Nam được đánh giá là một trong những đất nước có cư dân mạng tích cực nhất thế giới với 80% dân số được kết nối Internet và trong đó có hơn 72 triệu người tham gia mạng xã hội. Đây là những thông tin tích cực mà ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam đưa ra tại MSF 2024.
Song song với đó, một vấn đề lớn khác được đặt ra trong bối cảnh bùng nổ kỹ thuật số chính là: "Trong khi một số người đang gặt hái những lợi ích to lớn từ các nền tảng mới này, những người khác có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta phải tự hỏi: Ai có quyền tiếp cận những cơ hội này? Cộng đồng nông thôn, những người lớn tuổi, hoặc những người có trình độ hiểu biết kỹ thuật số hạn chế có thể tham gia và hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế kỹ thuật số này không? Chúng ta liệu có đang tạo ra các hình thức bất bình đẳng mới ngay cả khi chúng ta vui mừng với tiến bộ kỹ thuật số hay không?", ông Patrick nêu vấn đề.
Đại diện cho đơn vị khởi xướng diễn đàn đa phương, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm: "Chuyển đổi số chỉ thực sự mang lại tiến bộ cho xã hội khi mọi người, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương, có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến."
Chính vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách số là nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo đạt được mục tiêu "Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số" như Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra. Điều này cũng được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc MSF 2024.
Cách tiếp cận được khuyến nghị
Tại MSF 2024, các tổ chức và doanh nghiệp đã đề xuất những cách tiếp cận nhằm giải quyết vấn đề về thu hẹp khoảng cách số.
ới UNDP, câu trả lời nằm ở ba trọng tâm. Đầu tiên, chúng ta cần đặt con người vào trung tâm của phát triển kỹ thuật số. Khi chúng ta nói về chuyển đổi số, chúng ta thường nghĩ về máy móc và dữ liệu, nhưng đằng sau mỗi con số là một người có cuộc sống có thể được chuyển đổi bằng công nghệ kỹ thuật số. Thứ hai, công cuộc này cần đến sự hợp tác đa bên, không ai có thể giải quyết vấn đề này một mình. Và cuối cùng, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng dễ tiếp cận và cải thiện kỹ năng kỹ thuật số. Điều này được ông Patrick Haverman ví như việc chúng ta dạy ai đó đánh cá, nhưng trong thời đại kỹ thuật số.
Với niềm tin công nghệ không chỉ là công cụ, mà còn là chìa khóa mở ra tương lai, ông Nguyễn Hữu Khoa – Trưởng Phòng Trách nhiệm xã hội Samsung Việt Nam cũng mang tới diễn đàn thành quả của cách mà doanh nghiệp này tiếp cận và theo đuổi nhằm thúc đẩy tiến trình thu hẹp khoảng cách số cho hiện tại và tương lai. Cụ thể, Samsung đưa ra 3 tiếp cận trọng tâm bao gồm: trao quyền cho thế hệ trẻ; phát triển công nghệ từ cộng đồng; và hợp tác, kết nối với các chủ thể để kiến tạo ra giá trị.
Trao quyền cho thế hệ trẻ được Samsung thể hiện ở việc tập trung trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết như tư duy sáng tạo, sự đồng cảm, và công nghệ để họ có thể trở thành những nhà đổi mới tương lai góp phần phát triển đất nước. Samsung đã và đang thực hiện cùng lúc nhiều dự án trách nhiệm xã hội về giáo dục đa dạng, từ cơ bản đến chuyên sâu liên quan công nghệ cho học sinh mọi lứa tuổi từ cấp tiểu học, THCS, THPT đến Cao đẳng, Đại học. Cách tiếp cận này cũng được ông Kim Yong Sup – Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam giải thích chi tiết trong phiên tọa đàm của Diễn đàn MSF 2024. Ông cho biết: "Đối với Samsung, bao trùm số không chỉ là cung cấp sự hỗ trợ mà chúng tôi còn tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số nơi mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và dễ dàng sử dụng các công nghệ trong đó. Chúng tôi tin rằng thế hệ tương lai sẽ thích ứng rất nhanh với các công nghệ kỹ thuật số mới và khi được trang bị những kỹ năng này, các bạn trẻ có thể lan tỏa đến gia đình và cộng đồng xung quanh, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số."
Công nghệ 'từ cộng đồng' là những giải pháp được phát triển bởi chính các thành viên trong cộng đồng, nhằm giải quyết các thách thức mà họ trực tiếp đối mặt. Đó chính là cách tiếp cận mang tính thiết thực và bền vững nhất. Sáng kiến toàn cầu Solve for Tomorrow do Samsung khởi xướng là một ví dụ điển hình về tiếp cận này. Cuộc thi này đã được triển khai trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam từ năm 2019 đến nay. Thông qua cuộc thi, các em học sinh không chỉ phát hiện ra những vấn đề thực tiễn trong cộng đồng mà còn được trao quyền để các em thiết kế, phát triển các giải pháp công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề đó. Các giải pháp thực tiễn từ cộng đồng ấy còn có thể áp dụng rộng rãi tại những địa phương khác như các sáng kiến về phân loại rác thải, thiết bị cảnh báo nguy hiểm cho trẻ em, người già, thiết bị cảnh báo trẻ em ngủ quên trên xe buýt, v.v..
Với cách tiếp cận thứ ba, cũng như UNDP đã đưa ra, thì mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan chính là yếu tố then chốt. Trong suốt hơn 16 năm có mặt tại Việt Nam, nhờ sự chung tay của các cấp lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác tư nhân, mà Samsung có thể tạo ra được thay đổi tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển con người và công nghệ. Những nỗ lực của Samsung đã được Tổng Giám đốc Choi Joo Ho khẳng định: "Qua việc phát triển các giải pháp thông minh cho chuỗi cung ứng, thúc đẩy công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cải tiến hệ thống quản trị hướng tới các mục tiêu ESG và CSR, chúng tôi đang nỗ lực để xây dựng một xã hội số bao trùm, nơi tất cả mọi người đều có cơ hội tham gia và phát triển."
Cũng trong khuôn khổ MSF 2024, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi xướng Sáng kiến công nghệ bao trùm (InclusiveTech Initiative). Mục tiêu chính là tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy một xã hội công bằng và bền vững thông qua các giải pháp sáng tạo. Trong khuôn khổ sáng kiến, Giải thưởng "InclusiveTech Initiative" sẽ được tổ chức hàng năm để tôn vinh những tổ chức và cá nhân xuất sắc. Năm nay, 23 đề cử đã được gửi tới Ban tổ chức. Các sáng kiến cho thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận cũng như đối tượng hướng đến, đặc biệt là nhóm người yếu thế như người khiếm thị, công nhân, trẻ em dân tộc thiểu số, v.v…
Thông qua khảo sát ngay sau sự kiện MSF 2024, có tới 76% số đại biểu tham gia diễn đàn cho biết việc đang cân nhắc triển khai các hoạt động cụ thể sau Diễn đàn. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng từ những khuyến nghị, kinh nghiệm và sáng kiến được chia sẻ tại đây, các bên liên quan sẽ sớm có hành động để tương lai về một Việt Nam bao trùm số - "một Việt Nam số hóa, nơi công nghệ phục vụ cuộc sống của mọi người, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau" sẽ không còn xa nữa.
Ý kiến ()