Nỗ lực đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn
(LSO) – Sau gần 5 năm thực hiện Luật Việc làm năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015), Lạng Sơn đã đạt được những kết quả thiết thực, trong đó phải kể đến nỗ lực chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Luật Việc làm năm 2013 quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm. Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.
Để thực hiện hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được quy định tại Luật Việc làm, tỉnh đã huy động 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập và ngoài công lập tham gia vào đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), thời gian qua, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào lĩnh vực này, tạo điều kiện cho người lao động có thêm nhiều địa chỉ đào tạo nghề.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tư vấn về học nghề, tìm việc làm cho người lao động
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), từ năm 2015 đến tháng 10/2019, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 30 nghìn LĐNT. Các đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo thiếu việc làm (chiếm trên 95%), các ngành nghề chủ yếu là nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở GDNN đào tạo thêm một số nghề mà người lao động có nhu cầu học như: chăn nuôi, thú y, lái xe ô tô, may mặc, cơ khí…
Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên, nhiều năm qua, nhà trường tham gia vào công tác đào tạo nghề cho LĐNT, chủ yếu dạy các nghề phi nông nghiệp. Từ đầu năm 2019 đến nay, nhà trường đã tham gia đào tạo được 5 lớp cho 175 LĐNT. Trong đó có 2 lớp nghề may, 1 lớp nghề hàn, 1 lớp nghề điện, 1 lớp nghề sửa chữa máy nông nghiệp.
Cùng với các cơ sở GDNN công lập, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở GDNN ngoài công lập tham gia đào tạo nghề cho LĐNT như: Trung tâm Hỗ trợ và Đào tạo Bắc Hà, Trung tâm Dạy nghề tư thục Tùng Linh, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Minh Long, Trung tâm Đào tạo nhân lực Lạng Sơn… Các nghề được LĐNT lựa chọn chủ yếu là lái xe, sửa chữa máy móc, nấu ăn, may mặc… Chỉ tính trong hai năm 2018 và 2019, các cơ sở GDNN ngoài công lập đã tham gia đào tạo được trên 8 lớp nghề cho 270 LĐNT.
Người lao động sau khi học nghề đã tham gia ứng tuyển, phỏng vấn tại các kỳ tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp
Bà Hoàng Kim Phương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Đào tạo Bắc Hà cho biết: Trong 2 năm 2018 và 2019, trung tâm đã phối hợp với các xã trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền về các nghề và chính sách học nghề đến LĐNT, kết quả chúng tôi đã tổ chức dạy nghề cho gần 100 LĐNT, chủ yếu học nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Sau khi học nghề, hầu hết các học viên có kiến thức, kỹ năng sửa máy cho gia đình; một số học viên có điều kiện đã mở được cửa hàng sửa chữa máy phục vụ nhân dân trên địa bàn. Từ hiệu quả này, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để ngày càng có nhiều LĐNT được tham gia học nghề, có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp sau học nghề.
Cùng với việc đào tạo của các cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập, thời gian qua, các đơn vị chức năng còn tích cực tuyên truyền về chính sách, pháp luật, tư vấn việc làm cho người lao động. Trong gần 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã nỗ lực tư vấn chính sách, pháp luật về việc làm cho gần 56 nghìn LĐNT, trong đó có trên 8 nghìn lao động đăng ký tìm việc làm, giới thiệu việc làm cho trên 6 nghìn lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Qua việc được học nghề, tư vấn về chính sách học nghề, tạo việc làm, có trên 80% LĐNT tìm được việc làm ổn định. Không những vậy, việc học nghề cũng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh. Nếu như năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 43,4% thì đến năm 2018, tỷ lệ này là 50%; ước thực hiện năm 2019 là 52,5%, đạt 100% so với kế hoạch đề ra.
Sau gần 5 năm thực hiện Luật Việc làm 2013, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã từng bước đưa chính sách này đến đông đảo nhân dân, người lao động, từng bước giải quyết được vấn đề lao động – việc làm, thu hút được nhiều LĐNT tham gia học nghề. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành lao động, các cơ sở GDNN của tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 55% như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
THÁI DƯƠNG
Ý kiến ()