Nỗ lực cung ứng sách giáo khoa đảm bảo số lượng và chất lượng
Ngày 4/12, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để cùng nhìn lại một số hoạt động nổi bật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) trong năm qua.
PV: Năm học 2023-2024, NXBGDVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ năm học 2023-2024 trên toàn quốc, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu sách. Vậy NXBGDVN đã có chiến lược, giải pháp gì để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trên, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng: Năm 2023 là năm có nhiều khó khăn đối với NXBGDVN, trong đó khó khăn lớn nhất là phải đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa (SGK) trước khi năm học mới bắt đầu. Trong giai đoạn chuẩn bị cho năm học 2023-2024, NXBGDVN gặp khó khăn lớn là các địa phương chậm đưa ra quyết định lựa chọn và đăng kí số lượng SGK các lớp 4, 8, 11 để NXB triển khai in đảm bảo cung ứng đủ sách phục vụ năm học mới theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Ngày 05/9 học sinh cả nước bước vào năm học mới, nhưng trên thực tế, đến ngày 11/7/2023, NXBGDVN mới nhận được đăng kí số lượng sử dụng sách giáo khoa của 13/63 tỉnh, thành phố.
NXBGDVN tổ chức triển khai in gấp, nhập nhanh, đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa phục vụ năm học mới. Ảnh: Công Duy
Trước thực tế này, để sớm có SGK phục vụ phát hành, NXBGDVN đã bám sát, nắm bắt thông tin từ các địa phương để xây dựng kế hoạch dự kiến nhằm tổ chức in sớm, đồng thời liên tục cập nhật thông tin để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng nhu cầu của địa phương. Tại giai đoạn cao điểm phát hành, tuỳ theo diễn biến thực tế thị trường, NXBGDVN đã điều chỉnh và bổ sung những giải pháp phù hợp để đảm bảo cung ứng đủ SGK trước khai giảng năm học mới, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, sốt sách. Bên cạnh việc chỉ đạo các công ty đầu mối điều chuyển sách, cung ứng gấp để giải quyết sớm nhất các điểm nóng (nếu có) bằng mọi phương thức, kể cả vận chuyện bằng đường hàng không, chúng tôi đã tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn khi tìm mua SGK và các vấn đề có liên quan.
PV: Được biết, tình hình sách giáo khoa giả, sách lậu vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Vậy NXBGDVN đã và đang có những biện pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng: Tại Việt Nam hiện nay, vấn nạn sản xuất, buôn bán xuất bản phẩm nói chung, xuất bản phẩm giả sách giáo khoa, sách tham khảo diễn biến hết sức phức tạp. Xuất bản phẩm giáo dục của NXBGDVN bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn, về mức độ thiệt hại. Các đối tượng in – phát hành sách giáo dục giả đã dùng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để tổ chức hoạt động in sách giả, phát hành sách giả một cách chặt chẽ, kín đáo nhằm tránh sự kiểm tra, phát giác của các cơ quan chức năng.
Trong nhiều năm qua, NXBGDVN luôn nỗ lực đấu tranh chống in lậu, phát hành sách giả. NXBGDVN đã phối hợp với Bộ Công an và Công an các tỉnh/thành, Tổng cục Quản lí thị trường và Cục Quản lí thị trường các tỉnh/thành phố; Thanh tra ngành Thông tin – Truyền thông trong việc cung cấp và xác minh thông tin, cung cấp sách mẫu và hồ sơ pháp lý liên quan đến các sản phẩm trong vụ việc mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sách giáo khoa mới được phát hành kịp thời tại các cửa hàng trong hệ thống NXBGDVN. Ảnh: Công Duy
Để ngăn chặn sách giả bán trên thị trường, NXBGDVN đã thực hiện một số biện pháp như sau: Duy trì yêu cầu chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã sách của NXBGDVN.
Áp dụng công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (như tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật sách giả…); Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương… để phát hiện, xử lý các hành vi in và phát hành sách giả.
Gửi công văn tới Sở GD&ĐT các địa phương thông tin về hệ thống phát hành chính thức của NXBGDVN tại các tỉnh; khuyến cáo giáo viên, phụ huynh, học sinh mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN; Thực hiện tốt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Cuối cùng là kiến nghị các hành vi in và phát hành sách lậu, hay gọi tên đúng hơn là sách giả, cần được xử lý theo Điều 192 Bộ Luật Hình sự về tội danh sản xuất và buôn bán hàng giả.
Bên cạnh đó, NXBGDVN luôn khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN, các công ty Sách – Thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách in lậu, sách giả.
PV: Nhiều năm qua, NXBGDVN đã trao tặng hàng trăm nghìn bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ông có thể chia sẻ thêm về hoạt động ý nghĩa này?
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng: Với truyền thống nhân ái, uống nước nhớ nguồn, trong những năm qua, NXBGDVN đã thực hiện nhiều chương trình xã hội – từ thiện như: chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, trao tặng hàng triệu bản sách giáo khoa cho con thương binh, liệt sĩ cả nước, tặng sách và học bổng cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền Tổ quốc…,
Với mong muốn chia sẻ, động viên, khích lệ các em học sinh vượt khó học tốt, trước thềm năm học mới, NXBGDVN luôn tổ chức các chương trình, các hoạt động xã hội – từ thiện. Có thể kể đến chương trình: “Cùng đón em vào lớp 1”, Chương trình “Cùng tiếp bước em tới trường” tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước trong nhiều năm trở lại đây.
Riêng trong năm học 2023 – 2024, NXBGDVN triển khai nhiều chương trình lớn, như: Chương trình “Cùng tiếp bước em tới trường” trao tặng trên 100.000 bộ SGK theo Chương Giáo dục phổ thông 2018 cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; Chương trình tặng “Tủ sách giáo khoa dùng chung” với 1.000 tủ sách giáo khoa trao tặng cho các điểm trường tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm góp phần đảm bảo nguồn tài liệu học tập và giảng dạy cho học sinh và giáo viên sử dụng chung tại thư viện trường học, đồng thời đẩy mạnh việc tái sử dụng sách giáo khoa một cách có hiệu quả.
Cũng trong năm học 2023-2024, NXBGDVN đã và đang triển khai Chương trình trao tặng 5.000 suất học bổng (mỗi suất 2 triệu đồng) cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 vượt khó – học tốt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Hiện chúng tôi đã tổ chức trao tặng tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Quảng Bình, Khánh Hòa, Huế… và dự kiến sẽ hoàn thành chương trình trong tháng 12 năm 2023.
Mỗi cán bộ, công nhân viên NXBGDVN sẽ luôn đồng hành và trao gửi yêu thương tới các em học sinh, cùng các em tạo dựng niềm tin vào cuộc sống, vào lòng nhân ái.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự trao tặng sách giáo khoa của NXBGDVN tại tỉnh Gia Lai nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Công Duy
PV: Năm học 2024-2025, cũng sẽ là giai đoạn thay sách cuối cùng ở cả 3 cấp học. Ông có thể cho biết đến thời điểm này, tình hình biên soạn các bộ sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 của NXBGDVN như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng: Thực hiện thông báo của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 5, lớp 9 và lớp 12, NXBGDVN đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ về Hội đồng thẩm định quốc gia đúng thời hạn.
Theo quy định, bản mẫu SGK được thẩm định tối đa 2 đợt trong một năm. Đại đa số các bản mẫu SGK các lớp 5,9,12 của NXBGDVN đã được Hội đồng thẩm định thông qua ở đợt 1. Còn một số bản mẫu đang thẩm định tại đợt 2.
Trong quá trình thẩm định, các tác giả và NXBGDVN đã nghiêm túc tiếp thu và tiến hành sửa chữa các bản mẫu theo các ý kiến của Hội đồng thẩm định. Sau khi được thông qua, NXBGDVN sẽ tiếp tục hoàn thiện sách với mục tiêu đưa đến cho học sinh và giáo viên những cuốn sách chất lượng tốt nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn:https://dangcongsan.vn/giao-duc/no-luc-cung-ung-sach-giao-khoa-dam-bao-so-luong-va-chat-luong-654251.html
Ý kiến ()