Nỗ lực của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam
Thế vận hội dành cho người khuyết tật thế giới 2020 (Paralympic Tokyo 2020) đã khai mạc tối 24/8. Để đến Tokyo thi đấu, các thành viên Đoàn Thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam đã phải rất nỗ lực chuẩn bị, hướng tới những thành tích đỉnh cao.
Đoàn TTNKT Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Thể dục – Thể thao Nguyễn Hồng Minh làm Trưởng đoàn dự Paralympic Tokyo 2020, có bảy vận động viên (VĐV), gồm: Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (môn bơi); Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (môn cử tạ); Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (môn điền kinh).
Trước đó, VĐV Nguyễn Thành Trung (môn bơi) cũng có tên trong danh sách sang Nhật Bản, nhưng do trong hai năm 2020 và 2021, anh không thể tham dự các giải đấu quốc tế, cho nên không được công nhận hạng thương tật theo chuẩn quốc tế để tranh tài tại Thế vận hội lần này.
Từ nhiều tháng trước, các VĐV đoàn TTNKT Việt Nam đã được gọi tập trung tập huấn tại hai trung tâm huấn luyện thể thao ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để chuẩn bị. Do dịch Covid-19, đơn vị quản lý và các thành viên trong đoàn đều tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, nhóm VĐV bơi do huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Đăng Viễn phụ trách, hướng dẫn tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Đà Nẵng từ ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tuy nhiên, do tại đây không có bể bơi, các VĐV đã phải sang tập tại Trường đại học Thể dục – Thể thao Đà Nẵng. Có thời điểm, thầy trò HLV Nguyễn Đăng Viễn đã phải tập chay cả tháng vì trung tâm thực hiện cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng, chống dịch. Nói về cơ hội giành huy chương tại Paralympic Tokyo 2020, HLV Nguyễn Đăng Viễn cho biết: “Nếu so với kỳ Thế vận hội cách đây 5 năm, các VĐV chỉ đặt ra mục tiêu cố gắng duy trì thành tích đã có. Một phần nguyên nhân là vì tuổi tác. Trong ba VĐV bơi, chỉ có một VĐV sinh năm 1990, hai VĐV còn lại đều sinh năm 1985, do đó khó đạt được phong độ như trước”.
Đội tuyển cử tạ TTNKT được tập trung tại TP Hồ Chí Minh cũng phải áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt khi tình hình dịch Covid-19 căng thẳng. Hơn 5 tháng qua, cả HLV, VĐV đều xa gia đình, “cấm trại” để tập trung tập luyện. HLV Lê Quang Thái chia sẻ: “Dịch bệnh khiến VĐV không có điều kiện đi thi đấu cọ xát quốc tế. VĐV thì cũng có tuổi rồi, nữ đô cử Châu Hoàng Tuyết Loan sinh năm 1975, đã bước sang tuổi 46, trong khi đô cử Lê Văn Công bị chấn thương từ năm 2019 vừa tập, vừa điều trị chấn thương và mới hồi phục gần đây, cho nên chủ yếu tập nhẹ.
Dù vậy, các VĐV của đội tuyển cử tạ rất quyết tâm có thành tích ở kỳ Paralympic lần này. Lê Văn Công sẽ cố gắng bảo vệ huy chương vàng, còn Tuyết Loan cũng hy vọng có thể đổi mầu huy chương cao hơn”. Trong khi đó, đội tuyển điền kinh TTNKT từng có bốn VĐV đủ tiêu chuẩn dự Paralympic Tokyo 2020, song do không có điều kiện thi đấu quốc tế để duy trì chuẩn thành tích, vì vậy chỉ còn VĐV ném lao Cao Ngọc Hùng và VĐV ném đĩa Nguyễn Thị Hải được tham dự bằng thư mời đích danh.
Không chỉ khó khăn trong việc duy trì tập luyện, ngay cả việc lên đường sang Tokyo của Đoàn TTNKT Việt Nam cũng gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và không thể tổ chức lễ xuất quân. Thay vào đó chỉ là lễ gặp mặt trực tuyến ở các đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh giữa lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục – Thể thao với các thành viên của đoàn.
Sau đó, nhóm HLV, VĐV tại Đà Nẵng di chuyển bằng ô-tô ra Hà Nội rồi sang Nhật Bản cùng lãnh đạo đoàn, còn các thành viên ở TP Hồ Chí Minh thì đáp chuyến bay thẳng đến Tokyo trong ngày 18/8. Theo Trưởng đoàn TTNKT Việt Nam Nguyễn Hồng Minh, việc di chuyển này khiến VĐV không có nhiều thời gian nghỉ ngơi như ở các kỳ Paralympic trước và ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự tập trung trước khi bước vào thi đấu. Tuy nhiên, hiện tại các VĐV đều có tâm lý khá ổn định và tinh thần thi đấu tốt để quyết tâm giành được thành tích cao nhất có thể.
Ý kiến ()