Nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Người dân tại thành phố Sydney, Australia tuần hành chống biến đổi khí hậu
Với 429 phiếu ủng hộ và 255 phiếu chống, EP thông qua kiến nghị đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) và chính phủ các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) có hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố yêu cầu EC bảo đảm tất cả đề xuất về ngân sách và pháp lý liên quan phải đáp ứng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
* Chính phủ Hy Lạp thông qua kế hoạch cắt giảm hơn 55% lượng khí thải các-bon vào năm 2030 so với mức của năm 2005 và đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện vận hành bằng than đá trong tám năm tới. Theo kế hoạch nêu trên, thủy điện, điện gió, điện mặt trời sẽ chiếm ít nhất 35% mức năng lượng tiêu thụ tại Hy Lạp. Athens cũng dự kiến đầu tư khoảng hai tỷ ơ-rô trong 10 năm tới để khắc phục các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu.
* Ngày 29-11, những người biểu tình tại thành phố Sydney, Australia khởi động đợt biểu tình mới trên toàn cầu, để phản đối tình trạng biến đổi khí hậu. Hàng trăm người tập trung tại các văn phòng của đảng Tự do, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi hành động từ nhà hoạt động môi trường người Thụy Ðiển G.Thunberg. Người biểu tình cũng lên kế hoạch tuần hành tại các thành phố Men-bơn, Brít-xbơn của Australia và một số thành phố khác trên thế giới.
* Ngày 28-11, thành phố Vancouver của Canada thông qua quy định cấm sử dụng ống hút nhựa và túi nhựa kể từ tháng 4-2020. Vancouver là thành phố lớn đầu tiên của Canada ban hành lệnh cấm có quy mô lớn đối với rác thải nhựa. Lệnh cấm được coi là một phần trong xu thế hiện nay của nhiều nước trên thế giới trong chính sách giảm ô nhiễm chất thải nhựa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()