Nỗ lực chấm dứt thảm kịch ở Xy-ri
Các nhà tài trợ quốc tế mới đây cam kết viện trợ 6,4 tỷ USD cho Xy-ri và người tị nạn tại các nước láng giềng. Con số này thấp hơn so mức 10 tỷ USD mà Liên hợp quốc (LHQ) kỳ vọng nhằm giải quyết những nhu cầu ngày càng tăng tại quốc gia Trung Đông này. Tình trạng “tuyệt vọng” đối với người tị nạn Xy-ri đang ở mức đáng báo động.
Tại hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ quốc tế cho Xy-ri lần thứ 5, với sự tham gia của hơn 50 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét đã kêu gọi các nhà tài trợ quyên góp 10 tỷ USD nhằm viện trợ Xy-ri trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành đang khiến số người cần viện trợ tăng cao sau một thập kỷ xung đột tại nước này. Trong số 10 tỷ USD được kêu gọi viện trợ có 4,2 tỷ USD sẽ dành để hỗ trợ người dân trong nước Xy-ri và phần còn lại để hỗ trợ người tị nạn ở các nước láng giềng. Tuy nhiên, số tiền được cam kết tại hội nghị lần này không được như kỳ vọng và Giám đốc Tổ chức viện trợ Oxfam tại Xy-ri nhận định, nhiều nhà tài trợ không thật sự quan tâm tới số phận của hàng triệu người dân Xy-ri, những người đã phải rời bỏ quê hương và sống cuộc sống khốn khó trong suốt 10 năm qua.
Ủy viên châu Âu phụ trách xử lý khủng hoảng G.Lê-na-xích cho biết, 4,4 tỷ USD được giải ngân trong năm 2021 và hai tỷ USD còn lại sẽ được cấp trong những năm sau. Các nhà tài trợ cũng đề xuất các khoản vay trị giá bảy tỷ USD. Đức là quốc gia có mức đóng góp lớn nhất khi cam kết viện trợ 2,04 tỷ USD, trong khi mức viện trợ của Mỹ là 600 triệu USD. Ca-na-đa cho biết sẽ cung cấp hơn 39 triệu USD để hỗ trợ những người tị nạn Xy-ri đang phải đi lánh nạn trong nước cũng như những người sống tị nạn ở các nước láng giềng Gioóc-đa-ni và Li-băng. Khoản tài trợ của Ca-na-đa sẽ được dùng cho các dịch vụ y tế cơ bản, cung cấp nước sạch, dịch vụ vệ sinh và bảo đảm an ninh lương thực.
Trong 10 năm qua, người dân Xy-ri đã phải hứng chịu thảm kịch nhân đạo tồi tệ. Đa số người dân đang phải đối mặt nạn đói, khiến 6,7 triệu người phải tha hương tới những khu vực khác trong nước, trong khi 6,6 triệu người phải lánh nạn ra nước ngoài, chủ yếu là các nước láng giềng. Hơn 13 triệu người đang cần được hỗ trợ khẩn cấp trong năm nay, cao hơn 20% so với năm ngoái. Các điều kiện sống ngày một thiếu thốn, kinh tế suy giảm và dịch bệnh làm gia tăng nghèo đói, thiếu ăn và bệnh tật ở Xy-ri. Theo LHQ, số người cần trợ giúp đang nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong cuộc xung đột này.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) kêu gọi tăng cường tiếp cận nhân đạo với Xy-ri và bảo vệ trẻ em tại đất nước này. Các nhân viên UNICEF và các đối tác cần được tiếp cận thường xuyên khu vực tây-bắc Xy-ri nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo giúp đỡ người dân. Việc Hội đồng Bảo an LHQ gia hạn 12 tháng đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới cho phép cung cấp những nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người đang hết sức khó khăn tại khu vực này. Tuy nhiên, hiện nhu cầu của người dân nơi đây tăng gấp nhiều lần. Trong năm 2020, số dân cần được hỗ trợ nhân đạo tại miền tây-bắc Xy-ri đã tăng 20%. Hơn 55 nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi khoảng 3,4 triệu người đang sống trong cảnh khốn cùng.
Nhiều nỗ lực quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xy-ri đã được đưa ra trong 10 năm qua, song chưa đạt được kết quả mong muốn do sự thiếu lòng tin giữa các bên. Ngoài sự trợ giúp về mọi mặt, cộng đồng quốc tế cần tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn diện nhằm chấm dứt cuộc xung đột Xy-ri và giúp quốc gia Trung Đông vượt qua thách thức hiện nay.
Ý kiến ()