Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Công nhân điều chỉnh thiết bị máy ATM tại Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina. (Ảnh NGUYỄN HẢI) |
Hiện, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện mục tiêu trên với nhiệm vụ trọng tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách để lọt tốp các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI); đồng thời chú trọng phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao hiện đại, thân thiện và bền vững với môi trường.
Bắc Ninh lâu nay vẫn được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá là “điểm đến” đầu tư hấp dẫn với hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng và thủ tục hành chính nhanh gọn. Đây được xem là “cơ hội vàng” để các khu kinh tế, khu công nghiệp tại Bắc Ninh thu hút lượng lớn vốn đầu tư từ nước ngoài, đồng thời đặt ra bài toán duy trì và phát triển bền vững cho chính quyền và người dân địa phương.
Điểm đến hấp dẫn
Những năm gần đây, các công ty, tập đoàn lớn đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đã lựa chọn các khu công nghiệp ở Bắc Ninh để đầu tư, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao.
Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia góp vốn đầu tư lớn nhất với những dự án “siêu quy mô” của Tập đoàn Samsung, Hanwha Techwin, Amkor, Intops,… Tại Khu công nghiệp Yên Phong, Công ty Hyosung Financial System Vina (HFS VINA), thuộc Tập đoàn đa ngành Hàn Quốc Hyosung Group – tốp 3 doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất máy rút tiền tự động (ATM), đã đi vào sản xuất với tổng mức đầu tư hơn 110 triệu USD.
Sau một năm hoạt động, công ty tiếp nhận hơn 400 công nhân lao động, thu nhập bình quân hằng tháng đạt khoảng 12 triệu đồng/người; 10 tháng năm 2022, HFS VINA đóng góp hơn 1,4 triệu USD thuế thu nhập cá nhân cho tỉnh Bắc Ninh.
Ông Lee Cheon Ho, Quyền Tổng Giám đốc HFS VINA cho biết, hai yếu tố chủ chốt khiến công ty quyết định lựa chọn Khu công nghiệp Yên Phong làm “đại bản doanh” do đây là khu công nghiệp sạch với hạ tầng đầu tư quy mô, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của tập đoàn lớn như Samsung.
Mặt khác, mối lo ngại lớn nhất của công ty khi đầu tư tại Việt Nam là thủ tục hành chính, song quá trình khảo sát triển khai dự án cho thấy, nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh về ưu đãi đầu tư và quy trình xử lý thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả,…
Thực tế, quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động đến nay, HFS VINA được các ngành của tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ giải quyết nhanh chóng vướng mắc, nhất là việc thực hiện thủ tục đầu tư dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù công ty gặp khó khăn nhất về giải phóng mặt bằng, song sau khi phối hợp huyện Yên Phong, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các ban, ngành liên quan và trực tiếp lãnh đạo tỉnh hỗ trợ, đàm phán cho nên dự án triển khai hoàn thành đúng tiến độ.
“Được chính quyền địa phương và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, ưu đãi, chúng tôi đang tập trung chuyển nhà máy sản xuất ATM lớn từ Trung Quốc sang Bắc Ninh để phát triển sản xuất”, ông Lee Cheon Ho khẳng định.
Qua khảo sát thực tế nhiều địa phương phía bắc, Công ty R-Pac Việt Nam (thuộc Tập đoàn R-Pac của Mỹ) chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trong ngành in ấn, nhãn mác đã lựa chọn Bắc Ninh là điểm đến vào năm 2019. Ông Rasika, Trưởng phòng Vận hành R-Pac Việt Nam chia sẻ, lý do chính khiến công ty đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh là tỉnh luôn ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp FDI.
Thời gian tới, R-Pac sẽ tiếp tục tận dụng những lợi thế sẵn có để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng lao động. Công ty mong muốn chính quyền và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông, phát triển nhà ở cho người lao động và mở rộng hệ sinh thái bao quanh các nhà máy như khu thể thao, giải trí,… để môi trường làm việc tiện ích hơn cho người lao động.
Với phương châm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh”, Bắc Ninh đạt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việc thu hút thành công nhiều công ty, tập đoàn lớn mà Bắc Ninh đạt được trong thời gian qua, phần lớn nhờ vào định hướng cải cách thủ tục hành chính của các cấp, ngành.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, với việc triển khai đồng bộ hệ thống đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh như nộp hồ sơ trực tuyến 100%, đáp ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4… Trong đó, thu phí trực tuyến qua cổng hành chính công đạt 90%. Theo kết quả khảo sát, việc thực hiện hồ sơ qua mạng đã giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư rút ngắn được 30% thời gian so với trước đây.
Quy hoạch khu công nghiệp phù hợp ngành mũi nhọn
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quang Thành cho biết, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư doanh nghiệp, Sở đã triển khai hiệu quả Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh sau đăng ký kinh doanh cho chủ doanh nghiệp thông qua đường dây nóng và mạng xã hội.
Sản xuất văn phòng phẩm tại Công ty TNHH Deli Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh ĐĂNG DUY) |
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, xác định các khu công nghiệp định hướng phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào các ngành ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, logistics, thương mại-dịch vụ-du lịch, sản xuất y dược,… Các khu công nghiệp sẽ được quy hoạch chi tiết phù hợp đặc thù từng ngành công nghiệp mũi nhọn đã được hoạch định.
Với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng lợi thế về vị trí địa lý, khả năng liên kết vùng, khu vực thuận lợi; nguồn nhân lực chất lượng và sự năng động của lãnh đạo tỉnh, những năm qua, Bắc Ninh thu hút hiệu quả dòng vốn FDI. Tỉnh đã và đang trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước, với 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích quy hoạch gần 6.400ha, trong đó có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50-60%, giải quyết việc làm cho hơn 300 nghìn lao động.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong 10 tháng qua, toàn tỉnh thu hút đầu tư trong nước hơn 13.200 tỷ đồng (vốn đầu tư đăng ký cấp mới tăng 11,9% so với cùng kỳ), thu hút FDI 1,85 tỷ USD; trong đó vốn điều chỉnh tăng thêm 1,636 tỷ USD; minh chứng các dự án FDI đang hoạt động phát huy hiệu quả cao và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất,…
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong thời gian tới, các khu công nghiệp sẽ tập trung thu hút các dự án thân thiện với môi trường, hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên như công nghiệp ICT, vật liệu mới, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học,… có mức độ lan tỏa để kéo theo hệ thống công ty vệ tinh của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh đánh giá vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót nhất định.
Tỉnh xác định cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, công khai thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công, tạo môi trường thông thoáng, hiện đại nhằm thu hút đầu tư bền vững, có chiều sâu và sức cạnh tranh cao, gắn với lợi thế của tỉnh, tạo sức lan tỏa gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.
“Lãnh đạo tỉnh đã thống nhất định hướng chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại; tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị. Đồng thời, tỉnh chuẩn bị mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới, trong đó có những doanh nghiệp đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,…”, ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Việc định hướng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Bắc Ninh không chỉ giúp tỉnh có cơ hội dễ dàng thu hút đầu tư những dự án lớn mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, có hệ thống giữa Chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp. Xây dựng môi trường cạnh tranh tích cực, chính sách minh bạch và định hướng phát triển bền vững là những yếu tố then chốt góp phần đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Ý kiến ()