Nỗ lực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân da cam
Bà Tạ Thị Chuyên chăm sóc cho con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng hậu quả của chất độc hóa học, trong đó có chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đến thời điểm này vẫn còn rất nặng nề.
Có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng triệu người ngày đêm vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Di chứng của chất độc da cam truyền qua nhiều thế hệ, Việt Nam đã có những nạn nhân của chất độc này ở thế hệ thứ 4. Những năm qua, công tác chăm sóc cho các nạn nhân luôn được toàn xã hội quan tâm, nhiều tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế đã cùng chung tay với người dân Việt Nam để chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân…
Nỗ lực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân da cam
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam luôn xác định: “Các nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, nghèo nhất trong những người nghèo, họ rất cần sự chia sẻ, quan tâm của xã hội, cộng đồng.”
Ngay từ khi ra đời năm 2004 đến nay, Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tập trung triển khai toàn diện các hoạt động xây dựng phát triển hệ thống tổ chức Hội các cấp; tham mưu, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách; vận động nguồn lực xây dựng Quỹ; tuyên truyền… nhằm cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân da cam.
Trên thực tế, đa số nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát…
Sức khỏe, mức sống của các gia đình nạn nhân da cam đều thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho biết đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới tại 63/63 tỉnh, thành phố; gần 700 cơ sở cấp quận, huyện; hơn 6.500 cơ sở cấp xã phường và rất nhiều Chi Hội địa phương.
Các cấp Hội đã tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, làm dịu bớt nỗi đau bệnh tật, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất, để nạn nhân da cam vượt qua đói nghèo.
Một mặt, Hội chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách chăm sóc nạn nhân; mặt khác vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam. Hội vừa trực tiếp hỗ trợ vừa khuyến khích, động viên các nạn nhân vượt qua nỗi đau, tự vươn lên bằng chính sức mình để nuôi sống bản thân và gia đình.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho rằng, mạng lưới cơ sở dày đặc như vậy là điều kiện tốt để Hội bám sát từng hoàn cảnh thực tế của nạn nhân, từ đó có những phản ánh, hỗ trợ kịp thời.
Hằng năm, Nhà nước đã dành hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Hiện có gần 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Họ cũng được hưởng chính sách ưu đãi khác về y tế, giáo dục, điều dưỡng, nhà ở…
Đời sống của các gia đình nạn nhân chất độc hóa học lđã được cải thiện đáng kể, một số gia đình đã có mức sống khá. Trong những năm gần dây, các chương trình xã hội tập trung hướng tới giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có lương, hoạt động ở vùng “nóng” về chất độc hóa học sau tháng 4/1975…
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 26 Trung tâm bảo trợ xã hội; hơn 4.270 nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trợ cấp hơn 6.500 suất học bổng; trợ giúp tìm việc làm cho 885 suất; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ tết, cho hơn 1,7 triệu người.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Thế Lực cho biết nạn nhân chất độc da cam/dioxin đa phần có sức khỏe, trí tuệ rết kém nên cần được hỗ trợ rất lớn trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc vận động nguồn lực hỗ trợ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Để có nguồn quỹ sử dụng khi cần thiết, ở một số tỉnh thành các hội viên tự nguyện đóng góp tùy theo năng lực. Nguồn quỹ này được sử dụng để trang trải cho các hoạt động của Hội; cho hội viên vay với lãi suất thấp để kinh doanh, sản xuất…
Những việc làm này góp phần động viên, giải quyết nhu cầu cấp thiết cho nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Chế độ, chính sách còn nhiều hạn chế
Trong thời gian quan Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và gia đình họ, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các đơn vị tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc trong chế độ, chính sách chưa được tháo gỡ gây thiệt thòi cho các nạn nhân, thậm chí gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo thống kê, hiện nay vẫn còn khoảng hơn 600.000 hồ sơ tồn đọng chưa được các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, hàng triệu người bị phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ.
Đặc biệt, thế hệ thứ 3 của nạn nhân da cam, hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng. Trong khi đó, họ thường xuyên phải có người phục vụ, nên cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm vất vả.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng mới chỉ dừng lại ở thế hệ thứ 2 của nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Việc xem xét chế độ, chính sách cho thế hệ thứ 3 đã được các cấp, các ngành nhiều lần đưa ra bàn thảo nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, trình tự thủ tục, hồ sơ, quá trình xét, hoàn tất thủ tục để được hưởng chế độ chính sách còn gây nhiều phiền hà, khó khăn, bất cập cho các nạn nhân dẫn đến số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều, thời gian giải quyết kéo dài…
Bất cập nhất là khâu xét nghiệm, xác định bệnh tật để lấy chứng nhận y khoa chưa nhất quán, chưa hỗ trợ đa dạng bệnh, tật; nhiều người bị mất hồ sơ gốc nên khó lấy được chứng nhận…
Đối với những người không thuộc đối tượng áp dụng của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng bởi chất độc hóa học như bị dị dạng, dị tật… nếu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ, chính sách về trợ giúp xã hội.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho biết, hiện nay, các thế hệ thứ 3, 4 của nạn nhân chất độc da cam đang được hưởng chế độ, chính sách theo Luật Người khuyết tật nhưng cũng chỉ có những trường hợp khuyết tật nặng và đặc biệt nặng mới được hưởng.
Do vậy, có rất ít nạn nhân da cam được hưởng chế độ, chính sách này và mức hưởng cũng rất thấp.
Ông Nguyễn Thế Lực cũng chia sẻ, chế độ trợ cấp người phục vụ và trợ cấp tiền tuất cho thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng còn bất cập.
Cụ thể, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống cùng gia đình thì được trợ cấp người phục vụ.
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất.
Trên thực tế hiện nay, có những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa cũng đồng thời là thương binh. Tuy nhiên, khi xem xét hưởng chế độ hai tiêu chí này lại tách rời nhau, dẫn đến trường hợp có những người nếu xét riêng từng tiêu chí thì mức độ suy giảm khả năng lao động không đạt theo yêu cầu còn nếu gộp cả hai tiêu chí thì vừa đủ, thậm chí vượt mức độ.
Hiện vẫn chưa có phương pháp xem xét toàn diện, giải quyết vấn đề này gây ra thiệt thòi cho các nạn nhân.
Cần sớm gỡ vướng trong chế độ, chính sách cho nạn nhân da cam
Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm về mặt kinh phí lẫn chính sách để trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam nhưng hiện nay chính sách trợ giúp xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… còn quá phân tán, dàn trải, nhiều đầu mối, manh mún, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa chặt chẽ, thực hiện còn thiếu thống nhất, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho nạn nhân da cam còn gặp nhiều vướng mắc.
Để nạn nhân da cam được thụ hưởng chính sách xứng đáng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng) cần sớm sửa đổi, ban hành các quy định về quy trình xác định nạn nhân chất độc hóa học/dioxin; mức hưởng hợp lý; chuyển tiếp chính sách; đơn giản hóa quy trình thủ tục; hướng dẫn đối với trường hợp không còn giấy tờ gốc; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng; sớm ban hành chế độ, chính sách cho thế hệ thứ 3…
Bộ Y tế cần sớm rà soát danh mục các bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; cụ thể hóa các loại bệnh tật nghiêm trọng nhất, có khả năng chẩn đoán, điều tra, xác định; ban hành các tiêu chí chẩn đoán bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học…
Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà trước hết là hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc.
Đây cũng là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam…/.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()