Nỗ lực cải thiện chất lượng sống của người ảnh hưởng chất độc da cam
Sáng 26-12, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) tổ chức Hội thảo và gặp mặt báo chí tuyên truyền về Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (Dự án Hòa nhập).
Dự án Hòa nhập do Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường với sự tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ nhằm cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam. Trong đó, dự án tập trung mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật với chỉ tiêu cụ thể: Khoảng 75% người khuyết tật được hỗ trợ cải thiện được các chức năng liên quan đến các hoạt động hằng ngày trong cuộc sống; 10 cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành được hình thành tại mỗi tỉnh thành; xây dựng đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng mỗi chuyên ngành cho trên 10.000 dân.
Tiến sĩ Trần Đức Hùng, Phó tổng Giám đốc Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: ĐĂNG AN |
Bên cạnh đó, dự án cũng triển khai mở rộng các dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật; cải thiện điều kiện sống tại gia đình để tạo thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày của người khuyết tật; cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, bảo đảm hòa nhập xã hội cho người khuyết tật.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: ĐĂNG AN |
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện dự án, đã có khoảng 18.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin được khám sàng lọc; 13.000 người được mở ca quản lý, hỗ trợ; khoảng 9.000 người được can thiệp phục hồi chức năng; 500 cán bộ phục hồi chức năng được đào tạo; 25 cơ sở phục hồi chức năng được hỗ trợ định hướng đa chuyên ngành; 10.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin nhận dịch vụ chăm sóc; 1.500 người nhận hỗ trợ về sống độc lập; 4.000 người nhà và người chăm sóc được đào tạo kỹ năng chăm sóc và hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật. Dự án cũng cung cấp 50 bộ máy vi tính cho Hội nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn 8 tỉnh; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho Trung ương Hội nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam và Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Bạn đọc và Cộng tác viên, Báo Quân đội nhân dân phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: ĐĂNG AN |
Thời gian tiếp theo, dự án tập trung hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh).
Cụ thể, mục tiêu của dự án là triển khai cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và dụng cụ trợ giúp cho khoảng 30.000 người khuyết tật tại 8 tỉnh, trong đó 22.500 người (tương đương 75%) cải thiện được các chức năng sinh hoạt cơ bản; hỗ trợ phát triển 80 cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng áp dụng định hướng đa chuyên ngành (trung bình 10 cơ sở mỗi tỉnh, thành); đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho khoảng 2.200 cán bộ phục hồi chức năng; phấn đấu có khoảng 30.000 người khuyết tật được chăm sóc, trong đó 22.500 người (tương đương 75%) cải thiện được các số đo về kết quả chăm sóc; khoảng 40.000 thành viên gia đình người khuyết tật và người chăm sóc tại cộng đồng, trung tâm, bệnh viện được đào tạo kỹ năng và nhận được hỗ trợ trong việc chăm sóc người khuyết tật; 100% công trình công cộng, cơ sở xây mới đạt tiêu chuẩn tiếp cận dành cho người khuyết tật nhờ các can thiệp từ dự án.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()