Nỗ lực cải cách kinh tế ở Mi-an-ma
Mi-an-ma đang xúc tiến mạnh mẽ cải cách, trong đó triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới, đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút 140 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Công cuộc cải cách mạnh mẽ của Chính quyền Nây Pi Đô góp phần tạo diện mạo mới cho bức tranh kinh tế đất nước.
Thượngviện Mi-an-ma vừa thông qua Luật Đầu tư mới sau khi dự luật này được Hạ viện thông qua hồi tháng 9. Luật Đầu tư mới của Mi-an-ma gồm các điều khoản miễn thuế, tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư sẽ sớm có hiệu lực. Kể từ khi chính phủ mới do đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đứng đầu lên nắm quyền lãnh đạo đất nước hồi cuối tháng 3, Ủy ban Đầu tư Mi-an-ma (MIC) đã cấp phép cho 38 dự án đầu tư nước ngoài với tổng trị giá gần 384 triệu USD. Đây là con số cao kỷ lục, vì kể từ cuối năm 1988 đến tháng 8-2016, tổng đầu tư nước ngoài vào Mi-an-ma chỉ đạt hơn 64,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Mi-an-ma cũng đang soạn thảo Luật Công ty mới, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia và các công ty liên doanh với nước ngoài được niêm yết tại Sàn Giao dịch chứng khoán Y-ăng-gun (YSX). Sau khi Luật Công ty được thông qua, một số công ty liên doanh sẽ được phép niêm yết và các thể chế nước ngoài sẽ được mời đầu tư vào lĩnh vực này để tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán. YSX là sàn chứng khoán đầu tiên của Mi-an-ma, được thành lập tháng 12-2015 với sáu công ty niêm yết, hai công ty bảo hiểm và một ngân hàng thanh toán, thực hiện giao dịch đầu tiên vào cuối tháng 3 vừa qua.
Chính quyền Nây Pi Đô đang nỗ lực cung cấp sự bảo đảm cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư vào kinh tế Mi-an-ma. Việc bổ sung các khung pháp lý, tạo thuận lợi nhiều hơn cho các nhà đầu tư cũng nhằm phục vụ Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút 140 tỷ USD vốn FDI. Kế hoạch được vạch ra trên cơ sở đón đầu việc Mỹ sẽ tái lập Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) dành cho nước này vào cuối năm nay. Trong giai đoạn 2017 – 2020, Mi-an-ma dự kiến thu hút FDI mỗi năm sáu tỷ USD; đến giai đoạn 2021 – 2030, tăng lên tám tỷ USD. Trong giai đoạn 2017 – 2020, chiến lược tập trung phát triển công nghiệp, tận dụng các lợi thế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thu hút FDI. Giai đoạn tiếp theo, tập trung phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia mới coi phát triển kinh tế – xã hội phục vụ người dân là ưu tiên số một.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng, có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nhiều lợi thế cạnh tranh, Mi-an-ma đang vươn lên, trở thành thị trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hàng đầu ở Đông – Nam Á. Cục Quản lý đầu tư và doanh nghiệp Mi-an-ma (DICA) cho biết, trong tài khóa 2015 – 2016, dòng vốn FDI vào nước này đạt mức cao kỷ lục là 9,48 tỷ USD, tăng 50% so với mục tiêu. Mức tăng FDI này tiếp nối đà tăng của các năm trước đó. Xin-ga-po hiện là nước có vốn đầu tư FDI vào Mi-an-ma lớn nhất, với khoảng 4,3 tỷ USD trong 55 dự án. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mi-an-ma, đứng thứ hai, với 3,3 tỷ USD.
Bên cạnh đầu tư, thương mại quốc tế của Mi-an-ma cũng có bước phát triển mạnh. Theo Bộ Thương mại Mi-an-ma, trong chín tháng đầu của năm tài khóa 2015 – 2016, kim ngạch thương mại của nước này với EU vượt 500 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 256 triệu USD, nối tiếp đà tăng liên tục trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Mi-an-ma trong mười tháng đầu của tài khóa 2014 – 2015 đạt 205 triệu USD.
Những thành tựu bước đầu trong công cuộc cải cách đất nước đang làm thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế của Mi-an-ma. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Mi-an-ma có thể lọt tốp các nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, khoảng 8,6% trong năm 2016. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, kinh tế Mi-an-ma có thể tăng trưởng 8,4% và 8,3% trong năm 2016 và 2017, nhờ nguồn đầu tư dồi dào; thu nhập bình quân đầu người cũng tăng mạnh, dự báo đạt gần 5.000 USD vào năm 2030.
Theo Nhandan
Ý kiến ()