Nỗ lực bình ổn giá hàng hóa trên thị trường Hà Nội
Thị trường Hà Nội những ngày cuối năm 2010 diễn biến phức tạp. UBND thành phố đã tạm ứng hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng bình ổn giá. Các ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm đáp ứng đủ hàng hóa những tháng cuối năm, tuy nhiên, một số mặt hàng thực phẩm, lương thực vẫn tăng giá.Khoảng một tuần nay, giá các mặt hàng thực phẩm trên thị trường Hà Nội tăng đột biến. Tại chợ rau đầu mối Long Biên, chị Tươi, chủ quầy bán rau cho biết: 'Giá rau xanh tăng từ 20% đến 30% tùy theo từng loại, so với giá cách đây hai tuần'. Giá bán buôn các loại rau tại chợ đầu mối tăng làm cho giá bán lẻ tại các chợ dân sinh tăng theo. Sáng 21-12, tại chợ Phúc Xá (quận Ba Đình), giá một kg cải ngọt là mười nghìn đồng, đắt gấp hai lần so với thời điểm đầu tháng 12. Nguyên nhân việc tăng giá rau dịp này, theo những người bán hàng là do rơi vào thời điểm rau hết lứa thu hoạch. Đợt rau mới trồng gặp...
Khoảng một tuần nay, giá các mặt hàng thực phẩm trên thị trường Hà Nội tăng đột biến. Tại chợ rau đầu mối Long Biên, chị Tươi, chủ quầy bán rau cho biết: 'Giá rau xanh tăng từ 20% đến 30% tùy theo từng loại, so với giá cách đây hai tuần'. Giá bán buôn các loại rau tại chợ đầu mối tăng làm cho giá bán lẻ tại các chợ dân sinh tăng theo. Sáng 21-12, tại chợ Phúc Xá (quận Ba Đình), giá một kg cải ngọt là mười nghìn đồng, đắt gấp hai lần so với thời điểm đầu tháng 12. Nguyên nhân việc tăng giá rau dịp này, theo những người bán hàng là do rơi vào thời điểm rau hết lứa thu hoạch. Đợt rau mới trồng gặp thời tiết rét đậm kéo dài khiến cho rau lên chậm, thời điểm thu hoạch rau ngắn ngày đều không đúng vụ, vì thế lượng rau đưa đến chợ cũng ít đi. Nguồn cung ít cho nên giá rau trên thị trường đồng loạt tăng.
Đáng lo ngại nhất là giá các loại thực phẩm tăng mạnh. Những ngày gần đây, giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng. Hiện nay, giá mỗi kg thịt lợn tăng khoảng mười nghìn đồng so với thời điểm cách đây một tháng. Giá một kg thịt lợn thăn trên thị trường Hà Nội ngày 21-12 là 90 nghìn đồng, thịt mông là 80 nghìn đồng/kg, sườn thăn và thịt ba chỉ đều có giá 85 nghìn đồng/kg, thịt chân giò 80 nghìn đồng/kg. Chị Hiền, bán thịt ở chợ Châu Long cho biết: 'Giáp Tết Nguyên đán, giá thịt lợn còn lên nữa, vì hiện nay bà con nông dân đang găm hàng để dành bán Tết'. Riêng giá thịt bò và các loại thủy, hải sản vẫn giá ổn định.
Những ngày gần đây, các mặt hàng thực phẩm, công nghệ cùng tăng giá. Chị Ngân Giang, chủ cửa hàng tạp hóa ở ngõ 335 phố Xuân Đỉnh cho biết: Từ ngày 9-12, các sản phẩm sữa nước của Vinamilk bắt đầu bán theo giá mới, tăng 5% so với mức giá cũ. Các loại mì ăn liền tăng giá khá nhiều, mì gà nấm mang nhãn hiệu Micoem đột ngột tăng từ 70 nghìn đồng/thùng lên tới 83 nghìn đồng/thùng. Nhưng tăng giá mạnh nhất là các loại dầu ăn. Giá bán buôn của nhà sản xuất cho các đại lý đã tăng từ 92 nghìn đồng đến 145 nghìn đồng/thùng (tùy theo từng loại), khiến cho mỗi lít dầu ăn tăng giá gần mười nghìn đồng.
Giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại thị trường tự do tăng mạnh, khiến cho việc chi tiêu của các gia đình cán bộ hưu trí, cán bộ làm công ăn lương, người lao động gặp khó khăn.
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2010 của Hà Nội tăng 1,83% so với tháng 11. Với mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, thực hiện các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá, ổn định thị trường. Thành phố đã tạm ứng 400 tỷ đồng cho 14 doanh nghiệp thực hiện công tác bình ổn giá trên địa bàn thành phố với lãi suất 0%. Từ nguồn vốn này, các doanh nghiệp tổ chức 396 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gần bốn lần so với số điểm bán hàng bình ổn giá năm 2009. Tuy nhiên, số vốn này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Vốn huy động của tự thân các doanh nghiệp thêm từ 3% đến 5% nhu cầu hàng hóa. Số điểm bán hàng quá ít, không đủ để kiềm chế, bình ổn giá trên thị trường.
Để đẩy mạnh việc bán hàng bình ổn giá tại các chợ truyền thống, nơi luôn duy trì sức mua lớn của người dân, thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý các chợ có kế hoạch phối hợp các doanh nghiệp thương mại lớn để hình thành các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ.
Từ nay đến hết Tết Nguyên đán Tân Mão, thị trường còn diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng của thành phố cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trước hết là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu, có biện pháp cụ thể, bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả. Các doanh nghiệp được thành phố ứng vốn phải chủ động dự trữ hàng hóa, mở rộng nguồn hàng và các mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới các chợ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, để ổn định giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()