Nỗ lực bảo đảm thu ngân sách Nhà nước
Công tác thực hiện thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 nhiều khó khăn khi tổng thu NSNN tính đến ngày 31-7 ước đạt 429.165 tỷ đồng, tuy tăng 6,3% so cùng kỳ nhưng cũng chỉ bằng 52,6% dự toán năm. Trong đó, số thu trong nước đạt 281.720 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, tiếp tục đạt tỷ lệ thấp liên tiếp so với một số năm gần đây. Thực tế này đòi hỏi cố gắng vượt bậc và tập trung ở mức độ cao nhất của ngành tài chính, vượt qua khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN.
Công tác thực hiện thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 nhiều khó khăn khi tổng thu NSNN tính đến ngày 31-7 ước đạt 429.165 tỷ đồng, tuy tăng 6,3% so cùng kỳ nhưng cũng chỉ bằng 52,6% dự toán năm. Trong đó, số thu trong nước đạt 281.720 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, tiếp tục đạt tỷ lệ thấp liên tiếp so với một số năm gần đây. Thực tế này đòi hỏi cố gắng vượt bậc và tập trung ở mức độ cao nhất của ngành tài chính, vượt qua khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN.
Khó khăn nguồn thu
Theo Bộ Tài chính, sáu tháng đầu năm, trong danh sách các địa phương thu NSNN trọng điểm của cả nước không đạt 50% có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP Ðà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngay tại TP Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng thu NSNN từ nguồn thuế Nhà nước chỉ đạt 47,73% dự toán năm, thấp hơn nhiều so với mức 106,44% của cùng kỳ năm trước. Trong khối các quận, huyện, có 4/22 quận, huyện đạt dưới 50% dự toán, còn 18/22 quận, huyện đạt hơn 50% dự toán nhưng đều thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước.
Trên phạm vi cả nước, tuy đến hết tháng 7, tổng thu NSNN ước đạt 429.165 tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán, tăng 6,3% so cùng kỳ (và đã tăng thêm 8,9% so với số thu NSNN sáu tháng đầu năm) nhưng không thể không lo ngại khi mức bội chi NSNN lũy kế bảy tháng đầu năm là 98.695 tỷ đồng, bằng 60,9% mức bội chi Quốc hội phê duyệt năm 2013. Cả nước đã huy động 127,33 nghìn tỷ đồng (bằng 65,3% nhiệm vụ huy động vốn trong nước) từ nguồn trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi NSNN và chi đầu tư phát triển. Các địa phương bảo đảm tiến độ thu hơn 50% dự toán hầu hết là các nơi có số thu nhỏ. Và dù rất cố gắng tăng cường công tác quản lý thu, tích cực phối hợp các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận thuế; đôn đốc thu nộp kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ… nhưng hầu hết số thu từ các khu vực, hoạt động đều đạt mức thấp hơn hẳn, chỉ bằng khoảng 50% so cùng kỳ năm 2012. Tổng số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ đạt 79.615 tỷ đồng sau hoàn thuế giá trị gia tăng, bằng 47,8% dự toán.
Trao đổi ý kiến với lãnh đạo Tổng cục Thuế, chúng tôi được biết, tính đến ngày 31-5, dù toàn ngành thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, nhưng cũng chỉ thu được 14.709 tỷ đồng (29,9%) số nợ thuế từ năm 2012 chuyển sang, phần lớn là loại tiền nợ thuế hơn 90 ngày (9.064 tỷ đồng, bằng 32,6%). Kết quả thực hiện thanh tra, kiểm tra tại gần 13 nghìn doanh nghiệp (DN) cũng chỉ xử lý tăng thu được 2.466,6 tỷ đồng, giảm lỗ 1.863,6 tỷ đồng. Năm nay, dự báo công tác thu NSNN càng khó khăn hơn do số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể… là rất lớn, gia tăng với tốc độ nhanh, đẩy số nợ đọng thuế lên mức cao. Thêm vào đó, do thực hiện chính sách miễn, gia hạn thuế vì vậy dự kiến số giảm thu của năm 2013 và 2014 vào khoảng 18 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Thực hiện nhiều giải pháp thiết thực
Trước tình hình trên, nhiều đơn vị ngành thuế đã áp dụng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm bảo đảm chỉ tiêu thu ngân sách. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về cách đổi mới mô hình thu trên địa bàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, TP Hồ Chí Minh Ðặng Khắc Phúc bày tỏ: Ðây cũng chỉ là một cách làm mà đơn vị đang thử nghiệm, tìm cách giúp người nộp thuế thuận lợi hơn. Theo ông Phúc, trên địa bàn quận 1 có tới 11.500 DN, 13.500 hộ kinh doanh cá thể nhưng toàn bộ cán bộ, công chức ngành thuế chỉ có 282 người trong biên chế. Trước đây, ngành đã từng làm việc theo cách phân luồng DN theo mầu hóa đơn với các loại hóa đơn xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, nhưng vẫn không thể thu đạt chỉ tiêu bởi có sự chồng chéo về địa bàn, đối tượng, không thuận lợi cho cả người nộp thuế lẫn cán bộ thuế.
Từ thực tế đó, bước vào năm 2012, cùng với sự trợ giúp quyết định, hiệu quả của chương trình hiện đại hóa quản lý thuế, lãnh đạo Chi cục Thuế quận 1 thí điểm chuyển đổi cách thu bằng cách giao cho 12 cán bộ, công chức của Ðội kiểm tra thuế số 2 nhiệm vụ chuyên trách 500 DN có số thu lớn nhất trên địa bàn quận, chiếm 70% số thu của toàn bộ 11.500 DN trên địa bàn. Tại đội thuế “đặc nhiệm” này, 500 DN trên được quyền chủ động tự khai tự nộp các khoản thuế, còn cán bộ thuế được phân công theo dõi cụ thể từng DN phải thường xuyên bám sát hoạt động của DN, chủ động phân tích và đưa ra được dự báo hướng phát triển kinh tế của DN, từ đó dự báo được nguồn thu. Cho tới nay, tuy mới chính thức thực hiện được ba tháng nhưng nhờ mạnh dạn cải cách hành chính thuế để tạo sự thuận lợi nhất cho DN này, Ðội thuế số 2 đã đóng góp rất nhiều công sức vào số thu 2.715 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm, đưa mức thu của Chi cục Thuế quận 1 đạt 60,55% kế hoạch. Còn lại 11 nghìn DN khác và số hộ kinh doanh cá thể, Chi cục Thuế quận 1 cũng phân chia lại theo từng ngành, từng lĩnh vực, giao cho từng đơn vị cụ thể của chi cục để dễ quản lý. Ðiều quan trọng là chi cục đã phân loại được cụ thể từng đối tượng thu, để không cào bằng, không rối việc mà vẫn hỗ trợ lại được họ khi họ cần mình tư vấn, chỉ ra những cách thức quản lý mới, minh bạch và dễ dàng hơn cho cả hai bên.
Ở Chi cục Thuế quận 5, nhận định tình hình kinh tế khó khăn, đơn vị lại chọn cách nâng cao phương thức truyền thống. Phó Chi cục trưởng Cao Thanh Hải cho chúng tôi biết, dựa trên đặc điểm của địa bàn là nguồn thu tập trung vào các hộ kinh doanh cá thể nên việc nắm chắc, rà soát, phân loại đối tượng nộp thuế để thực hiện điều chỉnh mức thuế đối với từng ngành kinh doanh đã giúp đơn vị ổn định nguồn thu, qua đó điều chỉnh chung nguồn thu vào khoảng 20% so với nguồn lập bộ năm 2012. Ðây không phải là cách làm mới nhưng có tính ổn định, vì vậy, người nộp thuế cũng yên tâm và đồng thuận bởi chi cục niêm yết công khai, bàn bạc dân chủ với nhau, còn đơn vị thuế cũng yên tâm hơn. Sáu tháng đầu năm, chi cục đã thu được 835/1.253 tỷ đồng, đạt gần 67% dự toán năm, tăng 15,16% so cùng kỳ năm trước.
Cũng với tỷ lệ tăng thu lên khoảng 20% mỗi năm, Chủ tịch UBND huyện Ðạ Huoai, tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Quý Mỵ cho biết, ở huyện Ðạ Huoai, mỗi năm, số thu NSNN đều tăng thêm khoảng 20% so với số thu năm trước. Mặc dù là một trong những huyện nghèo nhưng do nắm chắc nguồn thu và biết cách nuôi dưỡng nguồn thu, cho nên mỗi năm huyện Ðạ Huoai đều tăng thu khoảng 20%. Sáu tháng đầu năm, huyện đã thu NSNN 25 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch. Việc quan trọng nhất đối với địa phương là phải duy trì và tăng thêm được nguồn thu, đi chậm nhưng chắc, vừa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, vừa tạo được nguồn lực thật sự cho người sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành thuế vừa qua, Tổng Cục trưởng Thuế Bùi Văn Nam khẳng định: Trong nhiệm vụ thu NSNN thì số thu do ngành thuế đảm nhiệm luôn là nguồn thu lớn nhất, và đây cũng là thời điểm khó khăn nhất để ngành thực hiện nhiệm vụ của mình. Ðến thời điểm này, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính vừa qua, ngành thuế cần phải tìm cách thức, giải pháp hữu hiệu nhất, vừa hoàn thành được nhiệm vụ, đồng thời không gây tâm lý ức chế đối với người nộp thuế cho rằng ngành thuế tận thu DN trong lúc khó khăn.
Quyết tâm của ngành thuế cũng là quyết tâm chung của toàn ngành tài chính. Ðể hiện thực hóa quyết tâm đó, ngành tài chính xác định việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục là giải pháp căn cơ, hàng đầu, làm nền tảng cho các giải pháp khác được thực hiện. Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng khẳng định: Công tác chỉ đạo phải quyết liệt, ngành chức năng phải bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản NSNN. Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan làm việc với các địa phương, DN có số thu lớn để rà soát từng khoản thu; kiểm tra, thanh tra việc hoàn thuế giá trị gia tăng; tăng cường các giải pháp chống chuyển giá, chống nợ đọng thuế, trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản nộp NSNN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiến nghị cấp có thẩm quyền tạm thời không ban hành các cơ chế, chính sách có tác động đến giảm thu NSNN. Ðồng thời, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thu, duy trì tốt cơ chế định kỳ đối thoại với DN, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ngành tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp được xác định là quan trọng hàng đầu để bảo đảm nguồn thu là phải thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh kết hợp quản lý thu chặt chẽ. Muốn vậy, các cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp phải thật sự vào cuộc để chỉ đạo sát sao công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, chỉ đạo quyết liệt công tác thu NSNN cùng việc tăng cường phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()