Nỗ lực bảo đảm dạy và học trực tuyến; bảo đảm lưu thông hàng hóa
Chiều 6/9, tại Trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành đã trả lời các câu hỏi mà các nhà báo quan tâm trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm lưu thông hàng hóa…
Nỗ lực bảo đảm dạy và học trực tuyến
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, chúng ta thấy, học trên các phương tiện trực tuyến có rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi chúng ta tổ chức các lớp học ảo, có tương tác thời gian thực giữa giáo viên, giảng viên với sinh viên, học sinh.
Ưu điểm là học sinh, sinh việc được tương tác trực tiếp với thầy cô thời gian thực và qua mạng.
Nhưng giải pháp này cũng có nhược điểm rất lớn là tổ chức khó khăn, thiếu thiết bị và đặc biệt là liên quan dung lượng đường truyền, khi truyền lượng video lớn với 20 triệu học sinh, sinh viên. Nếu chỉ tính 10% tham gia học cùng lúc thì 2 triệu học sinh, sinh viên tương tác với thầy cô bằng video qua mạng, rất khó bảo đảm được đường truyền.
Vì vậy mà phương án thứ 2 là Bộ đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tận dụng các bài giảng, bài học điện tử, các bài giảng điện tử này có thể tải trên mạng. Bộ đã chuẩn bị 1 kho học liệu lớn trên Cổng thông tin điện tử kết nối với Youtube, trên hệ tri thức việt số hóa.
Riêng đối với lớp 1 có video hỗ trợ bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh khá đầy đủ, các bài giảng và video này cũng được phát trên truyền hình.
Với những học liệu đó, nếu nơi nào không đủ điều kiện, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua email, Zalo.. để các em học ở nhà và kèm theo đó là tài liệu hướng dẫn.
Nơi nào không có học liệu trên truyền hình, thì những bài học này được phát lại nhiều lần trong tuần trên 3 kênh, các địa phương hoàn toàn có thể tải video về phát trên đài truyền hình địa phương, còn những nơi không có điều kiện nữa, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường tạo điều kiện hướng dẫn học sinh học từ xa qua các tài liệu…
Tăng cường bảo đảm lưu thông hàng hóa
Về bảo đảm lưu thông hàng hóa, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt. Tất cả hàng hóa đều được phép lưu thông trừ hàng hóa cấm. Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt ở phía nam do một Thứ trưởng phụ trách, thường xuyên làm việc với các địa phương trong khu vực phía nam.
Bộ tham mưu cho Chính phủ, Chỉ đạo thường xuyên công tác lưu thông hàng hóa, bảo đảm lưu thông thuận lợi nhất, tổ chức giao ban hằng tuần với các địa phương kiểm tra lại tình hình lưu thông.
Qua đó, một số địa phương có “sốt ruột” nhất định trong kiểm soát dịch, kiểm soát lái xe, phương tiện, cho nên đưa ra một số quy định không bảo đảm thông suốt hàng hóa. Bộ đã yêu cầu bãi bỏ các quy định này. Trên cơ sở sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ thường xuyên phối hợp địa phương, theo dõi, đôn đốc bãi bỏ các quy định không hợp lý.
Trong việc lưu thông hàng hóa, quan trọng nhất là kiểm soát lây nhiễm qua lái xe. Điểm này cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để không bị ảnh hưởng mà vẫn bảo đảm lưu thông.
Giải pháp tiếp theo, Bộ cho rằng, sau khi khai thông thì bên cạnh bài học rút ra, Bộ đã ban hành 5 hướng dẫn cho 5 chuyên ngành đối với hàng không, đường sắt, đường thủy, đường thủy nội địa, đường bộ.
Chúng ta phát huy tất cả các loại hình vận tải. Đến giờ tình hình đã được cải thiện nhiều nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Ngoại giao vaccine đạt kết quả tích cực
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, với nỗ lực của ngoại giao vaccine, Đến nay kết quả đạt được khá tích cực. Nếu như đầu tháng 8 chúng ta huy động được khoảng 16,6 triệu liều vaccine thì đến cuối tháng 8 chúng ta có 33 triệu liều.
Dự kiến đến cuối tháng 10, chúng ta có thể huy động hơn 30 triệu liều. Trong tháng 9 sẽ có khoảng 17 triệu liều về Việt Nam.
Về thuốc đặc trị, chúng ta cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn thuốc đặc trị khác nhau. Bộ Y tế cùng các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã vận động chính phủ các nước để nhập khẩu thành công nhiều triệu liều thuốc đặc trị từ các nước tiên tiến.
Tổ công tác cũng đẩy mạnh việc tiếp cận các trang thiết bị y tế từ các nguồn khác nhau. Đến nay đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức, kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ nhiều thiết bị y tế trị giá đến hàng triệu USD như: 660 máy thở, 600 máy tạo ô-xy, 1.000 tấn ô-xy… đã được chuyển về Việt Nam để hỗ trợ công tác chống dịch.
Theo Nhandan
Ý kiến ()