Nỗ lực bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
LSO-Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có 6 vụ TNLĐ xảy ra ở các công trường, làm 7 người thiệt mạng. Vì thế, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN) trong các doanh nghiệp (DN) luôn là vấn đề được các cấp, ngành, trong đó có tổ chức công đoàn đặc biệt quan tâm.
Cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Cao Lộc phát tài liệu tuyên truyền cho công nhân Hợp tác xã Đồng Tâm |
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.300 DN với khoảng 40.000 công nhân. Nhiều DN đã có ý thức trong việc trang bị bảo hộ lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc. Tuy nhiên, một số khác còn lơ là, chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ -PCCN, dẫn đến những TNLĐ đáng tiếc xảy ra.
Để ngăn ngừa TNLĐ, những năm qua, các cấp công đoàn đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ DN và người lao động về ATVSLĐ – PCCN. Thông qua nhiều hình thức như: tổ chức mít tinh, phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại các DN, nhất là DN để xảy ra TNLĐ… Từ năm 2014 đến nay, các cấp công đoàn đã tuyên truyền được 24 cuộc cho 1.600 người là cán bộ công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các DN. Đồng thời, treo và cấp phát hàng nghìn tờ rơi, ấn phẩm, băng rôn khẩu hiệu với nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ – PCCN tại các đơn vị, DN.
Riêng tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ – PCCN năm 2016, các cấp công đoàn đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức được 47 lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ – PCCN cho 2.117 cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên và CNLĐ; đăng tải 73 tin, bài, ảnh, phóng sự trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; treo 348 băng rôn, áp phích, khẩu hiệu; phát hành trên 1.870 tờ rơi… Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức ATVSLĐ cho công nhân, chủ sử dụng lao động, tạo sự chuyển biến đồng bộ về ý thức chấp hành pháp luật ATVSLĐ – PCCN, bảo đảm tính mạng cho người và tài sản của DN.
Đi đôi với tuyên truyền, các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất ở các DN nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp không bảo đảm ATVSLĐ. Từ năm 2014 đến nay, các cấp công đoàn đã kiểm tra 60 DN trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2016, thanh tra, kiểm tra 30 DN. Qua kiểm tra, đa số các DN đã quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ như: trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động, xây dựng và niêm yết nội quy an toàn lao động, huấn luyện công tác ATVSLĐ, cán bộ phụ trách công tác an toàn, trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế phục vụ ứng cứu, sơ cứu khi xảy ra sự cố, TNLĐ…
Kinh doanh trong lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, ông Hà Văn Lục, Giám đốc điều hành Xí nghiệp đá Cai Kinh (Hữu Lũng) cho biết: Xí nghiệp hiện có 29 công nhân làm công việc chính là khai thác đá. Những năm qua, đơn vị đã quan tâm trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, bình nén khí, đăng kiểm môi trường lao động và thường xuyên nhắc nhở người lao động sử dụng để đảm bảo an toàn. Nhờ đó, sau nhiều năm hoạt động, đơn vị chưa để xảy ra tình trạng mất ATVSLĐ.
Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”, các cấp công đoàn đã ban hành văn bản, chỉ đạo liên đoàn lao động các huyện, thành phố, công đoàn ngành và các công đoàn cơ sở triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung tuyên truyền pháp luật cho người lao động và chủ doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ – PCCN tại 9 doanh nghiệp trên địa bàn… Thông qua đó, giúp người lao động yên tâm gắn bó cùng với DN phát triển ổn định, bền vững.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()