Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội trong đại dịch
Sau một tháng triển khai, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt của các bộ, ngành và các địa phương, nhiều người lao động (NLÐ) và người sử dụng lao động (NSDLÐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong cả nước đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Khẩn trương, quyết liệt…
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH), tính đến nay, 12 nhóm chính sách của Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đã được triển khai nhanh chóng tại các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Hầu hết các địa phương đã quy định, phân công cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các cấp và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23, bảo đảm tính chặt chẽ, công khai, dân chủ ngay từ khi rà soát, lập danh sách, hỗ trợ đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời, tránh trùng lặp, bỏ sót.
Ðối với các nhóm chính sách liên quan BHXH, theo thống kê của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH các địa phương đã rà soát và thông báo cho khoảng 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu NLÐ được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng để NSDLÐ hỗ trợ cho NLÐ phòng, chống dịch Covid-19, như mua trang thiết bị phòng dịch, tiêm vắc-xin… Với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đã có 22/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện với 136 đơn vị sử dụng lao động cho 17.657 NLÐ, tổng số tiền tạm dừng đóng hơn 108 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đã xác nhận cho 124.001 NLÐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 10.687 đơn vị sử dụng lao động để làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Ðến nay, 21/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 98,3 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đã xác nhận cho 8.245 NLÐ ngừng việc tại 288 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ…
Ðối với chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay có 369 đơn vị sử dụng lao động đã đến cơ quan BHXH xin xác nhận cho 55.923 NLÐ để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có 17.389 NLÐ tại 202 đơn vị sử dụng lao động được cơ quan BHXH xác nhận tình trạng tham gia BHXH làm cơ sở xét duyệt cho vay trả lương ngừng việc. Có 29.387 NLÐ tại 88 đơn vị sử dụng lao động được cơ quan BHXH xác nhận tình trạng tham gia BHXH làm cơ sở xét duyệt cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có 9.147 NLÐ tại 79 đơn vị sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được cơ quan BHXH xác nhận tình trạng tham gia BHXH làm cơ sở xét duyệt cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Các chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em, cho các đối tượng là F0, F1; chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch… cũng được triển khai nhanh chóng. Ðặc biệt, chủ trương giao nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) và một số đối tượng khác cho địa phương tự triển khai được xem là đúng đắn và triển khai có hiệu quả. Ðã có 37/63 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trong đó, có khoảng hơn 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động), trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở khu vực phía nam) đã chi trả hỗ trợ hơn 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh đã chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỷ đồng…
Nêu cao tinh thần trách nhiệm và cách làm sáng tạo
Tại Hội nghị trực tuyến giao ban đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg tại địa phương, Bộ trưởng LÐ – TB và XH Ðào Ngọc Dung đánh giá cao công tác triển khai tại các địa phương, nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn, như: Hải Dương 107 tỷ đồng, Bắc Ninh 75 tỷ đồng, Bắc Giang 63 tỷ đồng, Thanh Hóa 74 tỷ đồng… So với tiến độ thực hiện của Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, đây là một bước tiến bộ vượt bậc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ LÐ – TB và XH cũng chỉ ra sự chậm trễ trong triển khai chính sách tại một số địa phương và yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại, nơi nào chưa sáng tạo thì phải nghiên cứu, học hỏi cách làm mới; theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, không được tăng thời gian về xử lý quy trình. Những vấn đề thuộc thẩm quyền ngành LÐ – TB và XH phải xử lý ngay, phân cấp triệt để. Ðồng thời, yêu cầu các tỉnh, thành phố chia thành ba nhóm: Thứ nhất, các tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt và các chính sách liên quan BHXH. Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần phân loại ba nhóm hỗ trợ: nhóm hỗ trợ tiền mặt thì khẩn trương triển khai; đồng thời tập trung triển khai các chính sách giãn, hoãn, miễn đóng từ BHXH và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay. Riêng nhóm 26 tỉnh, thành phố hiện nay đang thực hiện Chỉ thị 16, phương châm lúc này tập trung cái ăn, mặc cho người dân, NLÐ trên nguyên tắc bảo đảm người dân không bị thiếu đói.
Bộ trưởng LÐ – TB và XH đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng.
Ý kiến ()