Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng; chính sách bảo trợ xã hội, và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) |
Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, truyền thống anh hùng, yêu nước, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta và tính ưu việt của chế độ ta lại được phát huy lên một tầm cao mới.
Có thể khẳng định, các chính sách xã hội, trong đó có chính sách an sinh-lấy con người làm trung tâm, luôn được Đảng ta chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay. Thời gian qua, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường từ xung đột Nga-Ukraine, từ sự thăng trầm của kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, những điều này đã tác động ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội nước ta.
Các chính sách xã hội, trong đó có chính sách an sinh-lấy con người làm trung tâm, luôn được Đảng ta chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.
Tình hình trong nước, đại dịch Covid-19 đã để lại những hậu quả nặng nề trong đời sống, cuộc sống hằng ngày của người dân. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ bão phức tạp, sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp thị trường lao động, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, việc làm.
Nhiều chính sách chưa có tiền lệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Phương châm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng, xã hội được quan tâm, chỉ đạo đồng bộ trên quy mô cả nước. Chúng ta đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn để cơ bản bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đã triển khai nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả nhiều chính sách xã hội, trong đó có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã có chính sách hoàn thiện và vẫn còn các chính sách đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Trong giai đoạn năm 2020-2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành bốn gói chính sách để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg). Theo đó, Trung ương và các địa phương đã hỗ trợ cho hơn 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và hơn 68,43 triệu lượt người lao động, người dân với tổng kinh phí hơn 120 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác vẫn đang được triển khai theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về lao động như: Chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm; Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Hỗ trợ học nghề; Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; Chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất…
Cùng với các chính sách chung của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, địa phương còn có các chính sách hỗ trợ riêng, có lợi cho người lao động. Doanh nghiệp thường có thêm chính sách hỗ trợ thôi việc cho người lao động, trả lương ngừng việc cao hơn so với quy định; cơ quan lao động tại địa phương tập trung vào việc nắm bắt tình hình để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung-cầu lao động hoặc có địa phương căn cứ vào tình hình thực tế có chính sách hỗ trợ người lao động riêng như tỉnh Đồng Nai…
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động trước tác động của đại dịch, được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện, qua đó ngày càng tạo được niềm tin yêu của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn như đại dịch Covid-19.
Tạo đột phá chiến lược từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi vẫn còn những khó khăn, thách thức lớn. Theo đánh giá, có không ít các yếu tố tác động mạnh đến lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Đó là hậu quả dịch Covid-19 để lại, thứ hai là tình hình suy thoái kinh tế thế giới, thu hẹp quy mô sản xuất… và đặc biệt là tác động của chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần thay thế lực lượng lao động không phù hợp và thay thế lao động mà kỹ năng không phù hợp.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng chỉ rõ “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng…” được xác định là một trong những giải pháp đột phá chiến lược.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn và lĩnh vực trọng điểm; thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay… là những vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược quy hoạch, Đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để giáo dục nghề nghiệp gắn chặt với thị trường lao động, tăng cường tính mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.
Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt công tác phân luồng, chú trọng phân luồng sớm, tăng cường lồng ghép giáo dục nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông, có chính sách để thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. Triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường lao động.
Tăng cường đào tạo chất lượng cao, đẩy nhanh hoàn thành việc thí điểm và nhân rộng các chương trình chuyển giao từ các nước tiên tiến ở tất cả các trình độ…
Đặc biệt, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, đặt hàng đào tạo.
Tăng cường nguồn lực, tăng ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt cho phát triển đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn.
Kết quả hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến hết ngày 30/9/2022, đã thực hiện chi trả cho 13.334.207 người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với số tiền là hơn 31.836 tỷ đồng, đã hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 346.664 đơn vị sử dụng lao động với số tiền là hơn 9.210 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng. |
Ý kiến ()