Một góc cảng công-ten-nơ Hăm-buốc của Đức. Báo cáo hằng năm về kinh tế thế giới của Phòng Công - Thương Đức (DIHK) nhận định, lĩnh vực xuất khẩu của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và dự báo, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Đức năm nay chỉ đạt 4%, giảm hơn một nửa so với mức 8,2% của năm 2011 và giảm mạnh so với mức 13,7% của năm 2010.Giám đốc kinh tế đối ngoại của DIHK V.Trây-ơ cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại chủ yếu do tác động của cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. Nhiều quốc gia buộc phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Đây cũng là các nhân tố tạm thời kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thị phần của Đức trong thương mại thế giới vẫn duy trì ở mức 8,1% và có nhiều khả năng sẽ lại tăng lên trong năm 2013. Nhờ vậy, theo ước tính của DIHK, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Đức trong năm 2013 sẽ đạt 6%, bởi khu...
Một góc cảng công-ten-nơ Hăm-buốc của Đức. |
Báo cáo hằng năm về kinh tế thế giới của Phòng Công – Thương Đức (DIHK) nhận định, lĩnh vực xuất khẩu của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và dự báo, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Đức năm nay chỉ đạt 4%, giảm hơn một nửa so với mức 8,2% của năm 2011 và giảm mạnh so với mức 13,7% của năm 2010.
Giám đốc kinh tế đối ngoại của DIHK V.Trây-ơ cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại chủ yếu do tác động của cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. Nhiều quốc gia buộc phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Đây cũng là các nhân tố tạm thời kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thị phần của Đức trong thương mại thế giới vẫn duy trì ở mức 8,1% và có nhiều khả năng sẽ lại tăng lên trong năm 2013. Nhờ vậy, theo ước tính của DIHK, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Đức trong năm 2013 sẽ đạt 6%, bởi khu vực Eurozone có thể sẽ vượt qua được tình trạng suy thoái hiện nay. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên DIHK nhận định, Eurozone đang trên đường phục hồi. Sau suy thoái (-0,2%) năm nay, kinh tế khu vực Eurozone sẽ tăng 0,7% năm 2013. Những cải cách ở Hy Lạp và các nước đang chìm trong khủng hoảng nợ công khác đang đi đúng hướng và được thực hiện các bước đi thích hợp. Qua đó, Đức có thể giành lại danh hiệu “nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới” từ tay Mỹ. Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Các nước BRICs ngày càng quan trọng
Ông V.Trây-ơ, người chỉ đạo các Phòng đại diện thương mại của Đức ở 86 nước trên thế giới, than phiền rằng hiện nay, hoạt động của các công ty Đức tại một số nước ở Liên hiệp châu Âu (EU) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Nguyên nhân là vì các đối tác ở đó đang lâm vào tình trạng “bi đát” về tài chính. Các ngân hàng đang phải đối mặt với những hậu quả của bong bóng bất động sản bị vỡ và gánh nặng khủng hoảng nợ công làm hạn chế không gian hoạt động tín dụng của họ. Ở các nước khác thì chính quyền địa phương đang gia tăng các rào cản thương mại. Hoạt động của các công ty Đức trước hết bị hạn chế bởi những thay đổi trong quy định hải quan, những đòi hỏi giấy chứng nhận đặc biệt hoặc trách nhiệm đối với các hoạt động thương mại như ở Nga, Trung Quốc và cả ở Mỹ cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Bra-xin vừa thực hiện biểu thuế nhập khẩu mới đối với xe hơi, Ác-hen-ti-na hạn chế nhập khẩu hàng hóa để giữ cùng nhịp độ với xuất khẩu. Nói chung, những cơn “gió chướng” thổi vào các nhà xuất khẩu Đức từ nhiều hướng.
Bất chấp hoàn cảnh khó khăn đó, lĩnh vực xuất khẩu Đức vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng là nhờ vào đồng ơ-rô yếu và nhu cầu tăng mạnh ở nước ngoài, nhất là tại các nước mới nổi (BRICS). Trao đổi thương mại với các nước BRICS đóng một vai trò quyết định. Khối lượng xuất khẩu của Đức tới thị trường các nước mới nổi, gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và cả Nam Phi trong năm 2000 mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 15% vào năm 2013. Khối lượng xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Âu cũng tăng nhanh. DIHK dự báo, nếu tính chung cả thị trường Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thì lượng hàng xuất khẩu của Đức trong năm 2013 sẽ tăng 30%. Khối lượng xuất khẩu của Đức đạt mức tăng trưởng hai con số cũng sẽ thấy ở khu vực Mỹ la-tinh và Trung Cận Đông, trong đó nhu cầu về công nghệ môi trường, y học và chế tạo máy có triển vọng rất lớn.
Nhập khẩu Đức vượt mức một nghìn tỷ ơ-rô
Dự kiến, trị giá lượng hàng nhập khẩu của Đức trong năm 2013 lần đầu sẽ vượt mức một nghìn tỷ ơ-rô, mốc mà lượng hàng xuất khẩu Đức năm 2011 đã vượt qua. Nền kinh tế Đức duy trì được sức mạnh trước hết là do tình hình kinh tế trong nước vững chắc và thị trường lao động ổn định và được coi như một chiếc mỏ neo đối với châu Âu. Đức luôn là thị trường tiêu thụ hàng hóa quan trọng nhất đối với 18 quốc gia trong EU. Tất nhiên, cũng có những ý kiến phê phán về thặng dư trong cán cân ngoại thương Đức (theo ước tính của Tổ chức các nước công nghiệp phát triển (OECD) trong năm nay đạt khoảng 200 tỷ USD), không quốc gia nào có mức thặng dư thương mại lớn như vậy, kể cả nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc hay Nhật Bản và các nước xuất khẩu dầu mỏ. OECD khuyến cáo rằng, Đức cần phải đẩy mức tiêu dùng mạnh hơn nữa để tăng cơ hội tiêu thụ hàng hóa của các nước khủng hoảng thuộc khu vực Eurozone và cần giải tỏa tình trạng mất cân bằng đó bằng cách đầu tư vốn mạnh hơn. Trong khi đó, Chính phủ Đức cho rằng, những con số về thặng dư thương mại kể trên chứng tỏ khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức là rất lớn. Tuy nhiên, Béc-lin cũng chủ trương thực hiện các biện pháp nhằm giảm thặng dư thương mại. Người phát ngôn Chính phủ Đức X.Xi-bơ cho rằng, nhu cầu trong nước có ý nghĩa ngày càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế Đức và khẳng định: “Sẽ là sai lầm, nếu hạn chế xuất khẩu một cách giả tạo. Thặng dư lớn của Đức trước hết không phải cơ sở để châu Âu phải hành động. Một sự phát triển cân bằng sẽ là hữu ích, nếu các quốc gia yếu kém cải thiện khả năng cạnh tranh của họ”.
Theo ông V.Trây-ơ, thặng dư cao trong cán cân ngoại thương Đức không có biểu hiện nào cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu, mà chủ yếu là do kết quả chất lượng cao của hàng hóa xuất khẩu. Thặng dư cao mặt khác còn nhờ vào giá trị đồng ơ-rô yếu và giá nguyên liệu giảm. Trên phạm vi quốc tế, từ lâu Đức và Trung Quốc đã bị chỉ trích về giá trị thặng dư cao trong cán cân thương mại, nhiều chuyên gia còn cho rằng đối với tình trạng mất cân bằng lớn trong nền kinh tế thế giới và khủng hoảng tài chính, trong đó có một phần trách nhiệm của hai nước. Các nước bị thâm hụt trong cán cân thương mại mà lĩnh vực nhập khẩu của họ được tài trợ thông qua các khoản nợ đang phải đối phó với các nước có thặng dư xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, 20 nước công nghiệp phát triển và các nước mới nổi đã tích cực theo đuổi một chương trình nghị sự bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững và cân bằng trên thế giới, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được thành công đột phá.
Theo Nhandan
Ý kiến ()