Nissan đứng trước những thách thức mới thời kỳ hậu Carlos Ghosn
Theo một số nhà phân tích, sau gần hai thập niên dưới sự lãnh đạo uy tín của ông Carlos Ghosn, người đã bị bắt giữ và bãi miễn chức Chủ tịch do cáo buộc sai phạm tài chính, Nissan Motor Co. sẽ phải làm mới mình để có thể thích ứng tốt hơn với một thị trường đang thay đổi nhanh chóng.
Theo đuổi các mục tiêu bằng con số và cắt giảm chi phí là phần cốt lõi của chiến lược kinh doanh mà nhà lãnh đạo được sinh ra tại Brazil áp dụng cho một trong những liên doanh thành công nhất của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu, giữa Nissan, Renault SA và Mitsubishi Motors Corp.
Các quan chức Nissan dự định duy trì liên minh vì những lợi ích mà nó mang lại, ngay cả khi hội đồng quản trị tập đoàn đã thông qua quyết định bãi miễn chức vụ đối với ông Ghosn sau khi ông này bị bắt giữ vì những cáo buộc sai phạm tài chính.
Năm 1999, ông Ghosn được công ty mẹ của Nissan là Renault cử tới Nhật Bản, thực hiện việc đóng cửa các nhà máy, cắt giảm hàng nghìn việc làm và tổ chức lại chuỗi cung ứng để đưa hãng xe của Nhật Bản ra khỏi bờ vực phá sản. Ông đề ra các mục tiêu to lớn bằng con số để thúc đẩy sự phát triển của Nissan và kết quả là liên minh với hãng xe của Pháp đã trở thành một trong những tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng chiến lược mà ông Ghosn xây dựng sẽ duy trì động lực tăng trưởng cho liên minh vào thời điểm mà ngành công nghiệp ôtô đối mặt với những thách thức lớn theo yêu cầu của người tiêu dùng và đòi hỏi về công nghệ.
Việc phát triển quy mô và cắt giảm chi phí thông qua các quan hệ đối tác vẫn là thiết yếu nhưng một vị chủ tịch quyền lực không thể đơn độc giám sát các hoạt động ngày càng đa dạng, liên quan đến tất cả công việc, từ chế tạo ôtô truyền thống đến phát triển công nghệ không dây tiên tiến và trí tuệ nhân tạo và cung cấp các dịch vụ sử dụng xe tự lái.
Volkswagen AG, Toyota Motor Corp. và các tập đoàn ôtô toàn cầu khác đang tập trung đầu tư cho ra đời các dòng xe đời mới, đặc biệt là xe tự lái kết nối Internet và xe điện. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi xuất hiện các tên tuổi mới như Uber Technologies Inc., Alphabet Inc.’s Google và Tesla Inc. Với các công nghệ mới đang được phát triển và khách hàng giờ đây muốn chia sẻ hơn là sở hữu xe, các nhà sản xuất xe cũng đang chú trọng tới nhu cầu đang gia tăng đối với dịch vụ gọi và chia sẻ xe.
Theo đối tác quản lý tại Nhật Bản thuộc công ty tư vấn Roland Berger, Satoshi Nagashima, kiểu quản lý của ông Ghosn rất hiệu quả khi các hãng xe chỉ tập trung xây dựng các nhà máy, sản xuất xe và bán thông qua đại lý. Ông cho rằng với sự ra đi của vị lãnh đạo này, Nissan có thể chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp các dịch vụ nhằm theo kịp thị hiếu của khách hàng ở mỗi quốc gia và từng khu vực. Ông nói thêm rằng Nissan đang bị tụt hậu so với các hãng xe đi đầu trong các dịch vụ chia sẻ xe và tự lái.
Giám đốc điều hành Nissan, Hiroto Saikawa, đã chỉ trích gay gắt việc tại nhiệm quá dài và sự tập trung quyền lực của ông Ghosn sau khi ông này nắm giữ thêm vị trí Giám đốc điều hành Renault vào năm 2005.
Nhà phân tích về xếp hạng Soichiro Nagai của Rating & Investment Information, vụ bê bối của ông Ghosn đã cho thấy vấn đề lớn của Nissan trong quản trị doanh nghiệp./.
Ý kiến ()