Lâu nay, Ninh Thuận được biết đến là tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp. Được sự quan tâm giúp đỡ của T.Ư và nỗ lực tự thân, Ninh Thuận đang từng bước vươn lên khá vững chắc. Tạo dựng diện mạo quê hương ngày càng tươi sáng hơn đang là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận…
Phát triển các sản phẩm lợi thế
Qua thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tỉnh Ninh Thuận đã chọn lựa cho mình một số sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của xứ sở nắng nhiều, mưa ít để phát triển và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Mới đây, đến tham quan trang trại nho của ông Nguyễn Văn Mọi ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), chúng tôi có dịp trò chuyện với chủ nhân của thương hiệu nho “Ba Mọi” đã quen thuộc với người tiêu dùng trong cả nước. Câu chuyện giữa chúng tôi nhiều lần gián đoạn vì chủ nhà bận tiếp, giới thiệu sản phẩm với các đoàn khách ở xa đến tham quan, mua sắm.
Giống như nhiều nông dân khác ở Ninh Thuận, gia đình ông Ba Mọi bắt đầu trồng nho từ năm 1982, khi “Nữ hoàng” của cây ăn trái này đang phát triển mạnh. So với nhiều nhà vườn trồng nho khác ở địa phương, ông đã nhạy bén áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Ông cũng là người tiên phong xây dựng thương hiệu sản phẩm và từ năm 2004, nho “Ba Mọi” đã có mặt tại hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2009, ông đăng ký sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP và tháng 5 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho trang trại gia đình ông với diện tích 10.411 m2, sản lượng dự kiến 15 tấn/năm. Ngoài việc cung ứng nho tươi cho thị trường trong và ngoài tỉnh, trang trại nho Ba Mọi còn thực hiện dự án sản xuất rượu vang quy mô hộ gia đình theo quy trình sản xuất công nghiệp với sản lượng 20 nghìn lít rượu vang và 30 nghìn lít si-rô nho mỗi năm…
Theo ông Ba Mọi, hiện tại, dù diện tích vườn nho của toàn tỉnh có giảm sút so thời cực thịnh, nhưng nho vẫn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất ở địa phương. Hiện tại, bình quân mỗi sào nho cho thu nhập mỗi năm từ 10 đến 15 triệu đồng. Riêng trang trại nho Ba Mọi, thu nhập đạt từ 20 đến 25 triệu đồng/sào/năm.
Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, như dê, cừu, cũng là một lợi thế của tỉnh Ninh Thuận. Trải qua những thăng trầm do ảnh hưởng dịch bệnh, giá cả, nghề chăn nuôi gia súc có sừng ở Ninh Thuận đang nhanh chóng phục hồi, tiếp tục phát triển theo hướng tập trung gắn với kinh tế trang trại. Hiện tại, tổng đàn gia súc có sừng ở Ninh Thuận hơn 300 nghìn con, trong đó dê, cừu hơn 182 nghìn con. Trong tổng số 930 trang trại hiện có ở Ninh Thuận, đã có gần 500 trang trại phát triển đồng cỏ với diện tích hơn 1.300 ha, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Mấy năm gần đây, Ninh Thuận đã trở thành vùng sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng cao của cả nước. Đây là kết quả từ việc đầu tư quy hoạch, xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống và ban hành nhiều chính sách thông thoáng, ưu đãi của tỉnh để mời gọi nhiều nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước cùng khai thác lợi thế. Liên tục nhiều năm nay, sản lượng tôm giống ở Ninh Thuận không ngừng tăng lên, ước đạt 8,5 tỷ con giống trong năm 2010 này.
Là vùng đất ít mưa, thừa nắng, lượng bốc hơi cao, Ninh Thuận có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất muối. Thực tế lâu nay, sản xuất muối đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế Ninh Thuận, gắn bó mật thiết với đời sống của một bộ phận diêm dân vùng ven biển. Với diện tích đồng muối có thể phát triển hơn năm nghìn ha, sản lượng hàng năm ước đạt từ 450 đến 500 nghìn tấn, tỉnh Ninh Thuận đã, đang và sẽ tiếp tục là vùng sản xuất muối trọng điểm, hàng đầu của cả nước…
Các sản phẩm lợi thế, đặc thù trên là những “sứ giả” thân thiện, giúp nhiều vùng, miền trong nước và cả bạn bè quốc tế biết đến Ninh Thuận nhiều hơn. Đó là kết quả của quá trình chọn lựa, đúc kết từ thực tiễn sản xuất và sự định hướng phát triển đúng đắn của địa phương. Chọn lựa được sản phẩm chủ lực, xây dựng được thương hiệu đã khó, việc giữ vững và phát triển, càng khó hơn.
Đầu tư phát triển vùng khó khăn
Ở một tỉnh còn nghèo như Ninh Thuận, đời sống của đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn hơn. Chăm lo phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở những vùng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Ninh Thuận.
Được sự giúp đỡ của T.Ư, năm năm gần đây, Ninh Thuận đã triển khai lồng ghép tám chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất cho khu vực miền núi với tổng kinh phí hơn 210 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các xã miền núi trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao các mô hình sản xuất mới, cấp thêm đất sản xuất, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi… giúp đồng bào miền núi phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Ninh Thuận, hiện nay, KT-XH khu vực miền núi trong tỉnh đã có bước chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40%, trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, nhiều vùng được nâng lên rõ rệt.
Sự chuyển biến ấy được ghi nhận rõ nét tại huyện miền núi Bác Ái. Năm 2009, huyện Bác Ái trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Hai năm qua, chương trình này đã phân bổ kinh phí cho Bác Ái hơn 79 tỷ đồng và địa phương đã tập trung hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, phát triển dạy nghề, giáo dục, nâng cao dân trí… cho người dân. Theo đó, huyện đã giao hơn 22 nghìn ha rừng cho 28 cộng đồng dân cư ở các thôn nhận quản lý, bảo vệ với mức chi trả 200 nghìn đồng/ha/năm và hỗ trợ bà con cải tạo, phục hóa đất sản xuất gần 660 ha. Hàng loạt mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp cũng đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất của đồng bào. Nguồn kinh phí của chương trình cũng được sử dụng mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào; hỗ trợ xây dựng nhà ở, xây dựng trường học và thi công hệ thống kênh mương thứ cấp đưa nguồn nước từ hồ sông Sắt về tưới cho hơn 1.500 ha đất sản xuất…
Theo Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Pi-năng Thị Thủy, đến nay, Nghị quyết 30a của Chính phủ đã đi vào thực tế cuộc sống của người dân địa phương, phần lớn số hộ nghèo ở Bác Ái đã được hưởng lợi từ chương trình này.
Điểm đến của tương lai
Nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận luôn trăn trở tìm hướng phát triển nhanh và bền vững nhằm tạo dựng một diện mạo mới cho quê hương. Mặt khác, sự phát triển của Ninh Thuận còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của cả nước hướng đến phồn vinh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Trương Xuân Thìn, thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tập trung khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch và phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó, phát triển công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến được xem là động lực nhằm tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu sản xuất của tỉnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về sản xuất năng lượng tái tạo, đồng thời phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta đúng tiến độ vào năm 2014. Trước mắt, tỉnh chọn khâu đột phá là phát triển mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của tỉnh, như các hóa chất sau muối; chế biến đá gra-nít; chế biến tôm; sản xuất rượu nho; nâng công suất chế biến nhân hạt điều xuất khẩu…
Cùng với đó, Ninh Thuận tập trung nâng cao dân trí; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận được tổ chức hồi giữa tháng 10-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Chí Dũng đã gửi đến các nhà đầu tư, bạn bè trong và ngoài nước thông điệp: Có thể đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành “điểm đến trong tương lai” của Việt Nam. Viễn cảnh của Ninh Thuận sẽ được biết đến là một tỉnh đi tiên phong theo định hướng phát triển xanh, sạch, ổn định; có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ dựa trên năng suất cao; có môi trường kinh doanh tốt và là một trong những môi trường có chất lượng sống cao… Để từng bước biến ước mơ, khát vọng thành thực tế một cách bài bản, chắc chắn, tỉnh Ninh Thuận đã thuê tư vấn nước ngoài lập ba quy hoạch trọng điểm. Đó là quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển TP Phan Rang – Tháp Chàm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phát triển dải ven biển của tỉnh.
Trên bước đường phát triển, chắc chắn Ninh Thuận còn phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Tin tưởng rằng: Ninh Thuận sẽ phát huy tốt truyền thống đoàn kết, huy động hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của T.Ư và phát huy mạnh mẽ nội lực… để nhanh chóng tạo dựng một diện mạo mới, một “điểm đến của tương lai” như khát vọng cháy bỏng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở vùng đất đầy nắng, gió này.
Ý kiến ()