Ninh Thuận phát triển làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu
Sản phẩm gốm Bàu Trúc được làm với phương thức cổ xưa, luôn thu hút khách hàng. Ninh Thuận là địa phương có nhiều sản phẩm độc đáo được làm theo quy trình sản xuất cổ xưa đã duy trì hơn trăm năm, tại những làng nghề truyền thống, như gốm Chăm Bàu Trúc; dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; dệt thổ cẩm Chung Mỹ; dệt chiếu cói An Thạnh... Để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho các làng nghề trong xây dựng nông thôn mới, Ninh Thuận đang đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các làng nghề, phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 11 làng nghề truyền thống.Nhộn nhịp làng nghềTrở lại bốn làng nghề truyền thống vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp hòa mình vào không khí sôi động của nhiều gia đình, các nghệ nhân đang tất bật với việc dệt chiếu cói, dệt thổ cẩm, làm gốm để kịp cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012.Tại thôn An Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước nổi tiếng với nghề dệt...
Sản phẩm gốm Bàu Trúc được làm với phương thức cổ xưa, luôn thu hút khách hàng. |
Nhộn nhịp làng nghề
Trở lại bốn làng nghề truyền thống vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp hòa mình vào không khí sôi động của nhiều gia đình, các nghệ nhân đang tất bật với việc dệt chiếu cói, dệt thổ cẩm, làm gốm để kịp cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012.
Tại thôn An Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói được hình thành cách đây chừng 300 năm, nhiều cụ bà từ bảy mươi đến chín mươi tuổi vẫn miệt mài bên khung dệt, làm nên những tấm chiếu đẹp, mềm mại. Tổ trưởng tổ dệt chiếu cói An Thạnh Huỳnh Văn Trịnh, năm nay 72 tuổi, nói: “Xã An Hải có bảy thôn, nhưng chỉ có hai thôn An Thạnh 1, An Thạnh 2 làm nghề dệt chiếu cói. Nhiều năm tưởng chừng nghề này sẽ bị thất truyền vì các sản phẩm công nghiệp, như: nệm mút, chiếu trúc… đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng với lòng yêu nghề, 103 hộ ở đây vẫn bám lấy nghề do cha ông để lại”.
Để dệt một tấm chiếu cói đơn thuần cho đến cao cấp, chi phí cho nguyên liệu từ năm đến bảy kg cọng lát cói (khoảng 15 nghìn đồng/kg), hằng tháng mỗi gia đình dệt được 20 đôi (40 chiếc), với giá bán từ 150 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng/tấm chiếu, mỗi gia đình có thu nhập thêm lúc nông nhàn khoảng 2,5 triệu đồng. Với hoa văn tinh xảo, độ mềm mại cao, chiếu cói An Thạnh có thời gian sử dụng dài gấp đôi so với các loại chiếu được làm ở các tỉnh khác, được nhiều người ưa chuộng. Và cũng nhờ nghề truyền thống này mà nhiều hộ ở An Thạnh có điều kiện cải thiện đời sống và nuôi con ăn học nên người.
Ba làng nghề nổi tiếng còn lại của Ninh Thuận, là gốm Bàu Trúc; dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ đều tập trung ở huyện Ninh Phước. Với sự nỗ lực của mình, đến nay những làng nghề này đã xây dựng được thương hiệu riêng. Hàng trăm nghìn sản phẩm của đồng bào Chăm nơi đây đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê của UBND thị trấn Phước Dân, doanh thu hằng năm của các làng nghề đạt từ 10 đến 15 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng hai nghìn lao động.
Cùng với bốn làng nghề truyền thống nói trên, một số làng nghề khác, như: sản xuất đũa gỗ Tân Sơn; chằm nón lá Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn); chế biến nước mắm, cá hấp Cà Ná; làm bánh hỏi ở thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận (Ninh Phước); đan võng ở Nhơn Hải (Ninh Hải)… cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội địa phương. Tại làng nghề làm đũa gỗ Sông Mỹ ở thị trấn Sân Sơn, đi từ đầu thôn đến cuối thôn, nhà nào cũng đang tất bật làm đũa để bán trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Chủ doanh nghiệp sản xuất đũa tư nhân An Nhơn Anh Võ Hùng Phương, cho biết: “Tết là mùa làm ăn chính, nên hàng trăm lao động ở mấy chục cơ sở phải làm cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng cung cấp’’. Đũa gỗ ở làng nghề Sông Mỹ không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Theo các hợp đồng, chỉ tính riêng mùa Tết, các cơ sở sản xuất ở đây bán gần 150 nghìn đôi đũa.
Đầu tư xây dựng thương hiệu
Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khóa XII về phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Ninh Thuận phấn đấu trên địa bàn mỗi huyện, thành phố hình thành, phát triển từ ba đến năm làng nghề và xây dựng từ hai đến ba thương hiệu sản phẩm đặc thù. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, phấn đấu giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới. Phấn đấu giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 16 đến 18% (đến năm 2015, giá trị sản xuất ở các làng nghề được công nhận đạt 80 tỷ đồng), tạo việc làm mới cho khoảng năm nghìn lao động; thu nhập bình quân đạt 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định ban hành Đề án “Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh đến năm 2020” có tổng mức đầu tư 2 nghìn 400 tỷ đồng. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh Hoan cho biết, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 35 đến 40 làng nghề. Theo đề án, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù giai đoạn 2011-2015 là 35 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm là 10 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và vốn huy động. Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh hỗ trợ hình thành và phát triển tám làng nghề, nâng tổng số làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh là 11 làng nghề.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển làng nghề
Ninh Thuận đang tập trung giải quyết những khó khăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các làng nghề trong nhiều năm qua. Về cơ bản, hầu hết các làng nghề đang thiếu vốn đầu tư; thiếu nguồn nguyên liệu; sản xuất nhỏ lẻ nên năng suất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; tay nghề lao động chưa qua đào tạo, chưa có điều kiện áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm có chất lượng cao… nên chưa tương xứng với tiềm năng, điều kiện sẵn có. Đơn cử như làng dệt chiếu cói An Thạnh có 103 hộ, hơn 400 lao động làm nghề, nhưng do sản xuất thủ công, năng suất thấp, nguyên liệu khan hiếm… hầu hết các hộ nơi đây chưa có định hướng cụ thể trong việc phát triển làng nghề trong lúc quỹ thời gian nông nhàn của người dân ở đây rất nhiều.
Tại làng nghề thủ công mỹ nghệ thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, lâu nay đồng bào dân tộc thiểu số Raglai sử dụng nguyên liệu sản xuất chủ yếu là tự tìm kiếm các loại hạt bồ đề, cườm thảo, mắt mèo… từ Vườn quốc gia Núi Chúa để làm những sản phẩm, như xâu chuỗi hạt bồ đề, hạt cườm thảo, móc khóa hạt mắt mèo, vòng đeo tay… xuất bán đi các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… nhưng sản lượng khoảng gần 5 nghìn sản phẩm/tháng; thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Ngoài việc tổ chức đào tạo nghề cho đồng bào phát triển đa dạng sản phẩm, tỉnh cũng quy hoạch trồng những loại cây có hạt trên diện tích 10 ha để chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời tiến hành xây dựng khu sản xuất tập trung và phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại thôn Cầu Gãy với kinh phí 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ thiết bị để tăng năng lực sản xuất; thành lập mô hình tổ sản xuất…
Thực tế cho thấy, trong các tua du lịch về Ninh Thuận hiện nay, nhiều Trung tâm du lịch lữ hành đã bắt đầu đưa các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc… vào trong lịch trình tham quan và xem đây là điểm du lịch tìm hiểu văn hóa Chăm khá hấp dẫn. Điều này khẳng định đề án “Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh đến năm 2020” là điểm nhấn để thúc đẩy kinh tế – xã hội ở Ninh Thuận tăng trưởng bền vững trong tương lai. Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Hoa Nắng, ở thôn Mỹ Nghiệp, Quảng Thị Tâm bộc bạch: “Trước đây việc phát triển nghề dệt của chúng tôi còn mang tính tự phát theo hộ cá thể nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Giờ đây, tỉnh có đề án quy hoạch lại làng nghề bà con nghệ nhân chúng tôi vui mừng lắm, bởi khi có một mô hình sản xuất tập trung thì nó như một cuộc trình diễn hoàn hảo cho khách du lịch thưởng thức và tạo được thương hiệu mạnh cho làng nghề.
Với những động thái tích cực và mang tính đột phá, tin rằng đến năm 2015, các làng nghề truyền thống ở Ninh Thuận sẽ thật sự mang lại đời sống no ấm cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng nhanh và bền vững. Đồng thời, chiến lược xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận sẽ đạt kết quả như mong muốn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()