Ninh Thuận phát triển kinh tế biển
Với bờ biển dài 105 km, tỉnh Ninh Thuận đang có nhiều lợi thế về khai thác, nuôi trồng hải, thủy sản; sản xuất muối, nước mắm xuất khẩu và phát triển du lịch. Những năm qua, địa phương đã phát huy nội lực, triển khai các chính sách thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.Liên kết khai thác thủy sảnChúng tôi đến huyện Thuận Nam, địa phương được đánh giá là vùng trọng điểm khai thác, nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh, chứng kiến ngư dân tổ chức Lễ hội cầu ngư và ra quân khai thác thủy sản đầu năm. Theo Hội Nông dân xã Phước Diêm, trong năm 2010, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng ngư dân khai thác đạt sản lượng 21.500 tấn thủy sản các loại (trong đó 80% là cá cơm), vượt 500 tấn so với chỉ tiêu. Kết quả trên, một phần nhờ sự đoàn kết, hợp tác làm ăn trên biển của ngư dân đã phát huy hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Phước Diêm Lê Văn Trước cho biết: Hơn ba năm qua, mô hình 'hợp tác khai thác trên biển' dựa...
Liên kết khai thác thủy sản
Chúng tôi đến huyện Thuận Nam, địa phương được đánh giá là vùng trọng điểm khai thác, nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh, chứng kiến ngư dân tổ chức Lễ hội cầu ngư và ra quân khai thác thủy sản đầu năm. Theo Hội Nông dân xã Phước Diêm, trong năm 2010, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng ngư dân khai thác đạt sản lượng 21.500 tấn thủy sản các loại (trong đó 80% là cá cơm), vượt 500 tấn so với chỉ tiêu. Kết quả trên, một phần nhờ sự đoàn kết, hợp tác làm ăn trên biển của ngư dân đã phát huy hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Phước Diêm Lê Văn Trước cho biết: Hơn ba năm qua, mô hình 'hợp tác khai thác trên biển' dựa trên mối quan hệ bà con thân tộc, hoặc anh em, cha con trong gia đình, tập hợp thành nhóm 10 – 20 tàu, tổ chức ra khơi đánh bắt rất hiệu quả.
Ngư dân Nguyễn Văn Bông, tổ trưởng của một tổ hợp tác khai thác thủy sản, nói: Nhờ mô hình này, ngư dân thành viên không ngừng nâng cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm đánh bắt và hỗ trợ nhau tìm ngư trường khai thác, đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển dài ngày. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Văn Đông chia sẻ, toàn xã có 475 tàu thuyền, trong đó tàu công suất hơn 90 CV chiếm đa số, tàu, thuyền nào cũng trang bị đầy đủ máy bộ đàm đường dài, máy định vị, máy tầm ngư và nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, cho nên rất thuận lợi cho việc hợp tác đánh bắt ở khơi xa. Gần đây, có hai tàu trang bị máy dò ngang và bốn tàu trang bị hầm cách nhiệt, đây là dấu hiệu mới của việc hiện đại hóa nghề cá.
Năm 2010, trong tổng số khai thác hải sản toàn tỉnh hơn 52 nghìn tấn, đạt giá trị xuất khẩu 10 triệu USD, huyện Thuận Nam chiếm khoảng 50%; huyện Ninh Hải chiếm 30% và TP Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 20%. Tại huyện Ninh Hải, năng lực tàu, thuyền có công suất lớn không nhiều, nhưng ngoài khai thác hải sản, địa phương còn có nhiều lợi thế khác như nuôi trồng hải sản, thủy sản, làm muối… Trong năm qua, tổng sản lượng nuôi thủy sản các loại đạt gần 10 nghìn tấn, huyện Ninh Hải chiếm hơn 60%. Nổi bật nhất là sản lượng nuôi tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, ghẹ, ốc hương, rong sụn…
Tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, ngoài việc phát triển đánh bắt hải sản, thì phát triển du lịch đang là thế mạnh. Trong năm năm trở lại đây, dọc bãi biển Bình Sơn – Ninh Chử trống vắng mấy chục năm trước, giờ đây hình thành khu du lịch với nhiều khách sạn, từ hai sao trở lên như Resort Sơn Long Thuận, Hoàn Cầu, Sài Gòn – Ninh Chử… của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng. Nhiều hộ gia đình ở cận biển cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn, phòng nghỉ… Chỉ tính trong dịp Tết Tân Mão, có hơn 30 nghìn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận, trong đó có hơn năm nghìn khách nước ngoài.
Thu hút, mời gọi đầu tư
Định hướng phát triển trong giai đoạn tới của tỉnh là, tập trung ưu tiên phát triển sáu ngành kinh tế, đặt nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương, gồm bốn ngành kinh tế trụ cột: năng lượng sạch, nông nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp và du lịch và hai ngành kinh tế phụ trợ là xây dựng bất động sản, giáo dục – đào tạo. Mục tiêu phát triển của sáu cụm ngành sẽ đóng góp 91% GDP của tỉnh và giải quyết 85% lao động của xã hội vào năm 2020. Đối với phát triển kinh tế biển, Ninh Thuận tập trung kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sản xuất các thiết bị và tua-bin gió cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành năng lượng gió và mặt trời; ở lĩnh vực du lịch sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng vi-la, khu nghĩ dưỡng cao cấp ven biển, khách sạn năm sao, câu lạc bộ thuyền buồm, thể thao dưới nước, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa và sinh thái… Ninh Thuận đã và đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Đồng cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, riêng về thu hút nhà đầu tư phát triển kinh tế biển, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án như: dự án xây dựng khu Resort và dịch vụ du lịch ven biển tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, xây dựng khu nhà nghỉ bốn tầng, 100 phòng đạt tiêu chuẩn bốn sao với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng; dự án Trung tâm thương mại và khách sạn du lịch cao cấp tại thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải với quy mô xây dựng các hạng mục: khách sạn du lịch cao cấp cao từ 15 đến 20 tầng; khu trung tâm thương mại cao từ 5 đến 7 tầng có siêu thị mua sắm và dịch vụ thương mại, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác với tổng mức đầu tư là 295 tỷ đồng; dự án xây dựng Nhà máy chế biến rong sụn tại hai xã Lợi Hải và Công Hải, huyện Thuận Bắc với công suất đầu tư 1.200 tấn bột rong sụn/năm với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; dự án Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tân Việt Úc tại cảng cá Cà Ná mở rộng; dự án Khu đón tiếp và dịch vụ du lịch Vĩnh Hy (Công ty cổ phần Phát Hoàng Long)…
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, một trong những 'điểm nhấn' để thu hút nhà đầu tư đến Ninh Thuận đầu tư phát triển kinh tế biển là tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường ven biển có chiều dài 116 km với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 2012, cũng như sớm hoàn thành các thủ tục và xây dựng đường cao tốc từ Sân bay Quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang và kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng biển sâu tại Khu công nghiệp Cà Ná-Dốc Hầm và các cơ sở hạ tầng khác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()