Ninh Thuận mở hướng cho nghề nuôi trồng thủy sản trước thời cơ mới
Việc nuôi trồng thủy sản của Ninh Thuận cũng được tổ chức theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, ngoài ra, tỉnh còn có mô hình nuôi thủy sản sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn trong ao nuôi.
Là 1 trong 28 tỉnh ven biển, thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Ninh Thuận có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên với hơn 105km đường bờ biển trải dài đã tạo thuận lợi cho tỉnh trong thu hút đầu tư nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu.
Thực tế, những năm qua hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản của tỉnh Ninh Thuận đã có bước phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề xuất khẩu nhóm ngành hàng này của tỉnh vẫn chưa đủ mạnh để tạo bứt phá.
Phát triển nghề nuôi trồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 450 cơ sở sản xuất tôm giống. Từ trước tới nay, Ninh Thuận được biết đến là trung tâm sản xuất tôm giống với nhãn hiệu chứng nhận “tôm giống Ninh Thuận.”
Đồng thời, là trung tâm giống hải sản chất lượng cao của cả nước; trong đó, có hai doanh nghiệp được chứng nhận đảm bảo kiểm soát an toàn dịch bệnh, hướng đến đạt chuẩn OIE (Tổ chức Thú y Thế giới).
Hiện sản lượng tôm giống của tỉnh đạt 33.900 triệu con tôm post, đạt 169,5% chỉ tiêu đến hết năm 2020.
Một số cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các nhóm liên kết, mỗi nhóm từ 2-3 cơ sở liên kết với nhau, vừa cùng nhập tôm bố mẹ, vừa hỗ trợ tiêu thụ con giống nên hoạt động khá hiệu quả.
Một số doanh nghiệp sản xuất giống và nuôi thương phẩm theo quy trình khép kín, góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất.
Ninh Thuận cũng đã hình thành và phát triển nhiều vùng nuôi tôm như vùng nuôi tôm trên cát ở An Hải (huyện Ninh Phước); vùng nuôi ở Phước Dinh (huyện Thuận Nam); vùng nuôi tôm ở Nhơn Hải (huyện Ninh Hải)…
Việc nuôi trồng thủy sản của Ninh Thuận cũng được tổ chức theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, với mô hình nuôi tôm thẻ thương phẩm 2 giai đoạn (có nhà ương) quy mô gần 80ha; trong đó, có hơn 20ha được nuôi kiểu cho tôm ăn tự động bằng máy.
Ngoài ra, tỉnh còn có mô hình nuôi thủy sản sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn trong ao nuôi phát triển khá mạnh tại vùng biển Đầm Nại.
Tính riêng trong năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hơn 1.060ha, đạt hơn 45% chỉ tiêu quy hoạch; trong đó, diện tích nuôi thương phẩm 863ha, đạt 93,3% chỉ tiêu và 93.600 m3/550ha thể tích nuôi lồng bè trên biển.
Tổng sản lượng nuôi thủy sản năm 2019 đạt hơn 10.720 tấn, đạt hơn 45% chỉ tiêu, trong đó, sản lượng tôm nuôi 6.847 tấn, đạt gần 60% chỉ tiêu quy hoạch.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong những năm qua đã phản ánh đúng quy hoạch cũng như định hướng phát triển của tỉnh.
Ngành thủy sản xác định đến hết năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 2.354ha. Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2020, do tác động từ nhiều yếu tố như thời tiết, diện tích nuôi trồng ven biển và trên biển đang bị thu hẹp, dành đất cho phát triển du lịch và mới đây nhất là dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản nên hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh tiếp tục giảm sút cả về quy mô và sản lượng.
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm qua, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh hầu như không thay đổi.
Trong năm 2019, xuất khẩu thủy sản của tỉnh ước đạt 37,4 triệu USD, chỉ tăng hơn 1% so với năm 2018.
Đối với nhóm ngành hàng thủy sản thì thủy sản đông lạnh (tôm đông lạnh) vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu nhưng chưa “đủ tầm” do thiếu nguồn cung, thị trường xuất khẩu vẫn khá khiêm tốn, chưa được mở rộng, chủ yếu là một số nước như Đức, Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Hơn nữa thời gian qua, do dịch COVID-19 tác động nên việc xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu bị chững lại.
Mở đường cho thủy sản xuất khẩu
Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận – Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết công ty hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu đạt được các chứng chỉ Global GAP 3 sao; ACC 3 sao; HACCP; IFS, HALA… Mỗi năm cung cấp ra thị trường với sản lượng hơn 3.000 tấn thành phẩm, doanh thu khoảng 20 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động xuất khẩu của công ty cũng gặp một số khó khăn do nhiều nguyên nhân tác động.
Đối với việc xuất khẩu thủy sản của tỉnh Ninh Thuận, phải khẳng định rằng thời gian qua chưa đủ mạnh. Bởi lẽ số lượng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản ở Ninh Thuận không đáng kể, sự đa dạng chủng loại sản phẩm thủy hải sản cũng quá ít nên không đủ nhu cầu phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu của nhà máy chế biến nên công ty phải đi thu mua thêm từ các tỉnh, thành khác, dẫn đến chi phí tăng cao; đồng thời khó đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho hoạt động chế biến, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm bắt buộc nguyên liệu phải sạch.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về biển, việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Tỉnh đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; sắp sếp, bố trí nuôi thủy sản lồng bè tại vùng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt và các vùng nuôi tạm thời theo quy định.
Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung như Khu sản xuất giống thủy sản An Hải (huyện Ninh Phước); mở rộng diện tích của các cơ sở và triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải (huyện Ninh Hải).
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngoài việc xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản mặn, lợ chất lượng cao của cả nước, đáp ứng 50% nhu cầu giống nuôi của cả nước, tỉnh còn tập trung phát triển giống thủy sản theo hướng đa dạng các đối tượng nuôi.
Tỉnh tập trung sản xuất các đối tượng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ lớn như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loài nhuyễn thể và một số loài cá biển có giá trị kinh tế, đảm bảo nhu cầu nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy phạm GAP (quy phạm thực hành nuôi tốt) và CoC (quy phạm nuôi có trách nhiệm), nhằm tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp tiêu dùng trong nước lẫn chế biến phục vụ xuất khẩu.
Ông Đặng Văn Tín cho biết để nghề nuôi trồng thủy sản trên biển ứng phó với thời tiết bất lợi, ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận đề nghị ngành chức năng hỗ trợ vốn vay, để người dân có điều kiện vay đầu tư mua lồng bè nuôi cải tiến đang được một số nước ở Bắc Âu như Na Uy chế tạo.
Những lồng bè này giúp nuôi tôm trên biển rất thành công. Qua khảo sát của ngành thủy sản thì hiện giá của loại lồng nuôi này là trên dưới 400 triệu đồng/lồng. Nếu được áp dụng nuôi thì sẽ hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai trong quá trình nuôi.
Thời gian qua, bài toán xuất khẩu cho nhóm ngành hàng chủ lực này cũng đã được tỉnh Ninh Thuận tập trung giải quyết.
Tiến sỹ Nguyễn Thu Hằng đến từ (Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, để vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài việc định hướng, quy hoạch và quy chuẩn quy trình kỹ thuật vùng nuôi trồng, việc sản xuất và chế biến thủy sản cần được tỉnh xây dựng lại cho phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới.
Việc thu hút đầu tư và gia tăng hàm lượng chế biến mặt hàng thủy sản là yếu tố quan trọng giúp gia tăng giá trị cho hoạt động xuất khẩu.
Từ trước tới nay, Ninh Thuận chủ yếu xuất khẩu tôm đông lạnh, thị trường xuất khẩu thì ít và khó tính trong kiểm soát chất lượng, giá cả… Do đó, để mở rộng thị trường và nắm bắt cơ hội thời kỳ hậu COVID-19 và nay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực, Ninh Thuận cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thuế, phí, thủ tục hành chính, hỗ trợ kỹ thuật cho cả nuôi trồng và chế biến.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cần sớm có phương án tăng cường sự hợp tác giữa nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cả trong và ngoài tỉnh để tăng nguồn nguyên liệu, phát triển chuỗi giá trị ngành thủy sản, tăng năng lực sản xuất theo quy chuẩn, giúp sản phẩm xuất khẩu của tỉnh vượt qua các hàng rào phi thuế quan ở thị trường quốc tế. Đồng thời, có chính sách thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản và phát triển sản phẩm mới.
Bà Nguyễn Thu Hằng cho rằng trong thời buổi hiện nay, tỉnh cần thực hiện việc xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng, nhằm kết nối giao thương, quảng bá, xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng thủy sản và quy định tiếp cận thị trường quốc tế từ khâu đánh bắt, nuôi trồng, chế biến cho đến khâu xuất khẩu, đặc biệt là thị trường EVFTA và thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Các hộ nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng phải có phương án sản xuất, chế biến phù hợp với quy định và bối cảnh mới, tận dụng ưu đãi và vượt qua các rào cản thương mại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để đón đầu cơ hội tiếp cận vào thị trường EU./.
Ý kiến ()