Ninh Thuận khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi
Thủy lợi mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Từ năm 1992 đến nay, nhờ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, vốn ODA..., tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng 23 hồ thủy lợi, 65 đập dâng lớn, nhỏ, trong đó có nhiều công trình thủy lợi lớn, như: hồ Sông Sắt, hồ Sông Trâu... Các công trình thủy lợi này đã góp phần quan trọng, phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.Đưa nước về đồngGiám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thu nhận xét: "Các công trình thủy lợi điều hòa dòng chảy từ thượng lưu xuống các vùng hạ lưu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, cắt lũ... đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững".Hiện tại, giá trị GDP toàn ngành nông nghiệp và giá trị sản xuất tăng từ năm đến sáu lần so với hai mươi năm trước. Nếu năm 1992, hệ thống thủy lợi toàn tỉnh chỉ tưới cho 22...
Thủy lợi mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). |
Đưa nước về đồng
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thu nhận xét: “Các công trình thủy lợi điều hòa dòng chảy từ thượng lưu xuống các vùng hạ lưu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, cắt lũ… đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững”.
Hiện tại, giá trị GDP toàn ngành nông nghiệp và giá trị sản xuất tăng từ năm đến sáu lần so với hai mươi năm trước. Nếu năm 1992, hệ thống thủy lợi toàn tỉnh chỉ tưới cho 22 nghìn ha đất sản xuất, thì nay năng lực tưới đã đáp ứng cho 65 nghìn ha. Ngoài ra, còn cung cấp nước cho các công trình cấp nước sinh hoạt, nước cho dân sinh… Thủy lợi phát triển, cho nên việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật giúp nông dân nông thôn tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi cũng khá thuận lợi. Đơn cử như năm 1992, năng suất lúa bình quân đạt 37,3 tạ/ha/vụ, hiện nay đã tăng lên 55-60 tạ/ha/vụ. Trên những vùng đất hoang hóa bạc màu đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại thu nhập từ ba mươi đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Sản xuất ổn định, cho nên mô hình liên kết “bốn nhà” được nhân rộng. Nhiều vùng chuyên canh lúa giống, ngô lai ở các xã Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Hữu, Phước Sơn, Phước Vinh được hình thành. Nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân để đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm và phát triển đa dạng cây trồng theo hướng sản xuất sạch, như: trồng rau sạch ở xã An Hải; trồng ổi Thái-lan ở thị trấn Phước Dân; trồng táo ở xã Phước Thuận… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cũng đã ổn định. Toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 82% số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (năm 1992 chỉ có 32%). Thủy lợi thật sự là đòn bẩy để người dân nông thôn ở Ninh Thuận có điều kiện tăng từ hai đến ba vụ sản xuất/năm, từng bước vượt qua đói nghèo.
Năm 2008, công trình thủy lợi hồ Sông Sắt ở huyện Bác Ái có sức chứa 67 triệu m3 nước được Chính phủ đầu tư hơn 350 tỷ đồng hoàn thành đưa vào khai thác đã giúp cho hàng nghìn ha lúa và hoa màu của người dân ở các xã Phước Đại, Phước Thắng, Phước Tiến… luôn xanh tốt. Từ một huyện không có đất sản xuất nằm trong diện chủ động nước tưới, hiện nay đã có hơn năm nghìn ha trong tổng số mười nghìn ha đất nông nghiệp. Tổng sản lượng thu hoạch lương thực đạt hơn 15 nghìn tấn, cao gấp hàng trăm lần so với năm 1992. Chủ động nước tưới, đồng bào Ra Glai tiếp tục mở rộng diện tích, áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới cho năng suất cao, tình trạng thiếu lương thực vào mùa giáp hạt không còn. Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Pi-năng Thị Thủy, tâm sự: “Đồng bào có “của ăn của để” rồi. Số hộ gia đình có máy thu hình, xe máy chiếm hơn 80%. Lương thực bình quân đạt 350 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 đến 7%/năm; hàng trăm con em của đồng bào học và tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng cho nên nguồn nhân lực trí thức ở huyện ngày càng nhiều”.
Trên đường đi đến thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến, chúng tôi gặp anh Ka Tơ Giám đang chăm sóc ruộng lúa trồng ba vụ/năm khá xanh tốt. Anh nói: Những năm trước chỉ trồng một vụ/năm. Nay có nước, trồng từ hai đến ba vụ/năm. Bà con mình đã biết áp dụng kỹ thuật trồng lúa nước, bắp lai… cho năng suất cao.
Nâng cao đời sống
Trong chuyến đi thực địa các công trình thủy lợi nhỏ tại xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn cùng chúng tôi, anh Cà Mau Viên cho biết: “Được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều hồ, đập, kênh mương, trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt… cho nên đời sống người dân đã nâng cao, việc triển khai xây dựng nông thôn mới khá thuận lợi”.
Trước đây, đến mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về thường cuốn phăng hết cây trồng của nông dân ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc. Giờ đây, các hồ Tân Giang (13 triệu m3); hồ Sông Trâu (32 triệu m3)… với hệ thống kênh cấp hai, cấp ba dài hàng chục km được đầu tư xây dựng, không chỉ hạn chế sự tàn phá của bão lũ mà còn tích, dẫn nước tưới cho hàng chục nghìn ha đất trồng lúa ba vụ/năm; nông dân các xã Phước Hà, Nhị Hà, Lợi Hải, Phương Hải, Công Hải… mạnh dạn mở rộng diện tích để xây dựng những đồng lúa chất lượng cao; mô hình trồng cỏ để phát triển trang trại chăn nuôi bò, dê, cừu ngày càng nhiều.
Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Nguyễn Thị Luyện cho biết: Sản xuất hiệu quả, cho nên đời sống của đồng bào Chăm khấm khá hơn. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Toàn huyện đã bê-tông hóa 67 tuyến giao thông nông thôn với chiều dài hơn 36 km. Đường vào các làng nghề, khu sản xuất được nâng cấp, cho nên việc vận chuyển sản phẩm thuận lợi hơn.
Trước đây, gần bảy nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp tại huyện Thuận Bắc luôn bấp bênh do thiếu nước, nhưng từ khi hồ Sông Trâu được đưa vào khai thác (năm 2004), đến nay diện tích gieo trồng đã nâng lên 10 nghìn 764 ha. Năm 2011, sản xuất lúa đạt 26 nghìn tấn (tăng gấp bảy lần so với năm 1992). Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo là 46,1% thì đến cuối năm 2011 giảm xuống còn 21,57%. Gặp lại kỹ sư Đào Công Vụ, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện được tăng cường lên xã Phước Chiến hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, anh nói: “Công trình thủy lợi hồ Sông Trâu đã tạo động lực mới trong nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số vùng cao”.
Không chỉ thuận lợi trong gieo trồng cây lương thực, huyện Thuận Bắc còn nổi tiếng với các sản phẩm khác, như câu nói truyền miệng “gà Bà Râu, heo Suối Đá, cá Sông Trâu”. Và từ một địa phương “trắng” về công nghiệp, giờ đây huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy, như: Nhà máy Xi-măng Luks, sản xuất 300 nghìn tấn/năm; Nhà máy gạch tuy-nen Du Long với công suất 44 triệu viên/năm; Nhà máy chế biến phân vi sinh đạt sản lượng 11 nghìn 500 tấn/năm… cho nên nguồn thu ngân sách hằng năm luôn tăng.
Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc Hà Anh Quang khẳng định: Hệ thống thủy lợi được đầu tư đúng mức đã tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất và làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương phát triển. Nhờ đó, kinh tế nông thôn, miền núi đã khởi sắc rất nhiều, xứng đáng là vùng kinh tế động lực phía bắc của tỉnh.
Khai thác tốt tiềm năng thủy lợi
Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2020, sẽ xây dựng thêm 19 công trình hồ thủy lợi để phục vụ nước tưới cho gần 17 nghìn ha đất sản xuất được mở rộng theo quy hoạch… Trong số các dự án, hệ thống công trình thủy lợi Tân Mỹ, có dung tích chứa hơn 243,4 triệu m3 nước đã được khởi công trong năm 2010; dự kiến sau ba năm nữa công trình hoàn thành, sẽ tích nước tưới trực tiếp cho 600 ha đất chung quanh hồ; tiếp nước cho đập dâng Tân Mỹ để dẫn tưới cho 3.700 ha đất phía hạ lưu… Cuối năm nay, hồ Bà Râu ở huyện Thuận Bắc được đưa vào khai thác sẽ giúp địa phương nâng diện tích sản xuất lúa ba vụ/năm lên hàng trăm ha.
Thủy lợi còn tạo đà cho Ninh Thuận khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã và đang xây dựng các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tại huyện Thuận Bắc, như: Dự án Resort Ganesa Phước Chiến, Khu Du lịch Bình Tiên và các điểm du lịch sinh thái gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc ở các thôn Ma Trai, Suối Tiên, Kiền Kiền, Ba Hồ… Huyện Thuận Nam cũng đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản để đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta và các dự án du lịch lớn. Giờ đây, đến các vùng nông thôn ở Ninh Thuận, chúng tôi nhận thấy nhà xây kiên cố cùng với các tiện nghi sinh hoạt gia đình đang dần thay thế những căn nhà tranh, vách đất trước đây rất nhiều; tỷ lệ học sinh nông thôn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao.
Kiểm tra tình hình sản xuất và việc triển khai các biện pháp chủ động để ứng phó thiên tai trong mùa mưa sắp tới tại các huyện, nhìn những cánh đồng lúa, đồng cỏ… xanh bát ngát dọc theo các hệ thống kênh mương cấp hai, cấp ba được xây dựng kiên cố nối tiếp nhau từ phía thượng lưu về vùng hạ lưu đầy ắp nước, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh phấn khởi nói: “Sau hai mươi năm, tỉnh đã tìm được lời giải cho bài toán khô hạn. Các hệ thống thủy lợi không chỉ giúp tỉnh chủ động công tác phòng tránh thiệt hại do bão lũ gây ra, mà còn biến những vùng đất khô cằn trở thành cánh đồng lúa, mía… xanh tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân sau những mùa bội thu. Cứ đà này, tin chắc mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận sẽ đạt kết quả như mong muốn”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()