Ninh Thuận: Đồng bào Chăm mừng đón lễ hội Katê năm 2022
Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn để tưởng nhớ công lao của các vị thần, vị vua, tổ tiên, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Sáng 24/10 (tức ngày 1/7 Chăm lịch), hàng ngàn đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn và du khách tập trung về Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Pô Klong Garai, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tổ chức đón mừng lễ hội Katê năm 2022.
Lúc 7 giờ 30 phút, các vị chức sắc đồng bào Chăm dẫn đầu đoàn kiệu rước y trang vị “thần vua” Po Klong Garai (vị vua có công lao to lớn với đồng bào Chăm) lên tháp, nối tiếp là những cô gái Chăm múa lễ duyên dáng cùng đông đảo đồng bào, du khách thập phương.
Trong không gian tháp cổ, đại diện các vị chức sắc đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tuyên bố khai mạc chương trình Lễ hội Katê năm 2022, thực hiện nghi thức tôn giáo.
Thay mặt cộng đồng, người đại diện bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn các vị thần linh, tổ tiên đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi gia đình được no ấm; cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo đời sống đồng bào ngày càng khấm khá, diện mạo các làng Chăm đổi thay từng ngày.
Hòa cùng tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt, các chàng trai, cô gái người Chăm trong trang phục truyền thống với lời ca, điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng chào mừng lễ hội.
Tại tháp Po Klong Garai, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã đến chung vui, tặng quà, chúc các vị chức sắc, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận gửi lời chúc mừng các vị chức sắc, chức việc, đại biểu, toàn thể đồng bào Chăm nói chung, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn nói riêng đón mừng lễ hội Katê vui vẻ, hạnh phúc.
Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào Chăm nói riêng. Đời sống đồng bào không ngừng nâng cao, nhiều con em đã đạt thành tích cao trong học tập, công tác.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, lễ hội của đồng bào Chăm được bảo tồn, phát huy. Các di tích đền, tháp được trùng tu, bảo tồn. Các địa phương chăm lo công tác giáo dục, chăm sóc y tế, tạo việc làm cho con em đồng bào Chăm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận bày tỏ mong muốn các vị chức sắc, chức việc tiếp tục tuyên truyền, động viên bà con gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội Katê cũng như lễ hội truyền thống khác của đồng bào Chăm; tạo cơ hội để quảng bá văn hóa Chăm, hình ảnh địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Sau hai năm bị gián đoạn do dịch COVID-19, lễ hội năm nay thu hút đông đảo người dân, nhà nghiên cứu văn hóa cùng du khách đến tham quan, tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của lễ hội Katê.
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ bà nghiên cứu và giảng giảng dạy văn hóa Ấn Độ và ảnh hưởng của nền văn hóa ấy. Văn hóa Chăm và người Chăm theo đạo Bàlamôn cũng thuộc phạm trù nghiên cứu của bà. Lần đầu đầu tiên tham dự lễ hội Katê tại Phan Rang-Tháp Chàm, bà rất cảm động. Lễ hội là dịp để gắn kết các nền văn hóa của các dân tộc với nhau.
Thạc sỹ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cho rằng, công tác tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp, lễ hội có nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc. Các nghi thức, nghi lễ rất đặc trưng và phần hội nhộn nhịp, tạo khí thế lan tỏa, gia tăng tính cố kết gia đình, cộng đồng. Đây là tài sản văn hóa quý báu, nguồn lực tốt để địa phương khai thác phát triển du lịch.
Đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận hiện có hơn 53.700 người, sinh sống tập trung tại các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua có nhiều công lao đóng góp, được đồng bào tôn kính. Lễ hội để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Katê diễn ra trong không gian rộng lớn, bắt đầu từ những hoạt động cúng bái tại đền, tháp tiếp đến là làng và gia đình. Đây cũng là dịp để người Chăm xa quê trở về quê sum họp, quây quần bên người thân, gia đình.
Với ý nghĩa văn hóa-lịch sử quan trọng, năm 2017, “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Katê không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước./.
-
Lễ hội Katê năm nay được tổ chức tại các đền, tháp Chăm và các làng Chăm theo đạo Bà-la-môn thuộc 3 huyện gồm Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thôn Thành Ý, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Ý kiến ()