Ninh Bình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
Giai đoạn 2016 – 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình đạt hơn 279.000 tỷ đồng; giá trị gia tăng bình quân của ngành công nghiệp ước đạt 18,9%/năm, vượt 16% so với mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 21, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.
5 năm qua, toàn tỉnh thu hút 279 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 38.200 tỷ đồng. Trong đó có 56 dự án trong khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 19.300 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 79 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.410 triệu USD.
Tỉnh phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 128.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 10,25%. Ðể đạt mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; phát triển mạnh ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô và công nghiệp điện tử; thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.
Các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, khuyến khích thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, các sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Tỉnh tiếp tục rà soát thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình, bàn giao đất nhanh cho các dự án công nghiệp, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động, chế độ ưu đãi cao nhất cho các dự án đầu tư, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
* Tỉnh Bình Ðịnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 đào tạo nghề cho hơn 101 nghìn lượt lao động nông thôn (cao đẳng nghề 8.135 người, trung cấp nghề 9.153 người, sơ cấp và đào tạo theo chương trình hơn 84.400 người); đến năm 2025 đạt 66% tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới bình quân đạt 70 đến 80%/năm.
Hiện nay, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề lao động nông thôn; làm tốt công tác định hướng, phân luồng học sinh, tư vấn nghề nghiệp để người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp. Các đơn vị chức năng huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng, đổi mới nội dung chương trình đào tạo; quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; tăng cường gắn kết chặt chẽ “ba nhà” (nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp) tại địa phương trong các hoạt động giáo dục – nghề nghiệp. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã qua đào tạo để góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Từ năm 2010 đến 2020, Bình Ðịnh đã đào tạo nghề theo ba cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp) cho 202.480 người với tổng kinh phí 183 tỷ đồng. Công tác quản lý dạy nghề được đổi mới, đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho cấp huyện; liên kết giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm.
Qua đào tạo đã hình thành một số mô hình có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương được triển khai nhân rộng, như: đào tạo chăn nuôi gia súc, gia cầm (gà thả vườn); nghề mây tre đan; may công nghiệp; nghề mộc thủ công mỹ nghệ; trồng rau an toàn; nuôi tôm, đào tạo nghề nấu ăn… Các mô hình này đều được gắn với giải quyết việc làm, tạo ra nhiều việc làm mới, làm tăng thu nhập của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()