Ninh Bình ra sức phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng
Ngày 25/7 tại Ninh Bình, Tỉnh ủy Ninh Bình; Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo “Ninh Bình: 20 năm đổi mới và phát triển”. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu của tỉnh Ninh Bình đã đạt được sau 20 năm tái lập; chỉ ra những khuyết điểm còn tồn tại; rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Tham dự Hội thảo có GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học – nghệ thuật Trung ương; PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Bùi Văn Nam, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; ThS Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; đại diện lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương và địa phương...
Ngày 25/7 tại Ninh Bình, Tỉnh ủy Ninh Bình; Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo “Ninh Bình: 20 năm đổi mới và phát triển”. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu của tỉnh Ninh Bình đã đạt được sau 20 năm tái lập; chỉ ra những khuyết điểm còn tồn tại; rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Tham dự Hội thảo có GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học – nghệ thuật Trung ương; PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Bùi Văn Nam, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; ThS Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; đại diện lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cùng đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học….
PGS.TS Lê Quốc Lý; ThS Nguyễn Tiến Thành đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Văn Nam sau khi khái quát thực trạng phát triển kinh tế – xã hội của Ninh Bình qua 20 năm đổi mới và phát triển cũng như đánh giá tình hình thế giới và trong nước hiện nay đã nhấn mạnh: cuộc Hội thảo này là một cuộc hội ngộ lớn, tập trung trí tuệ và tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà quản lý của Trung ương và địa phương để cùng nhau nhìn nhận, đánh giá những thành tựu trên các lĩnh vực mà Ninh Bình đã đạt được. Cuộc Hội thảo được tổ chức cũng nhằm thấy rõ hơn những tiềm năng, thế mạnh, những tồn tại, hạn chế; đưa ra những đề xuất, kiến nghị để phát huy kết quả, khắc phục, tháo gỡ những hạn chế, yếu kém, đề ra những giải pháp giúp cho Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn. Do đó, những kiến nghị, đề xuất và kết luận tại Hội thảo sẽ là những gợi mở quan trọng để Ninh Bình có thêm kinh nghiệm, vận dụng trong lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới.
PGS.TS Bùi Văn Nam phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đ.H) |
Trong lời phát biểu đề dẫn, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, chặng đường 20 năm phát triển đối với lịch sử phát triển của một tỉnh không phải là dài, nhưng những kết quả mà Ninh Bình giành được sau 20 năm có ý nghĩa rất quan trọng. Trước những thành tựu của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã giành được sau 20 năm đổi mới và phát triển, Hội thảo lần này sẽ góp phần làm rõ thêm những nhận thức mới, tạo thêm động lực, niềm tin mới, mở ra cơ hội mới cho Đảng bộ và quân dân Ninh Bình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần năng động và sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Ninh Bình về vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa để cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, đưa quê hương Ninh Bình phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững.
Với 47 tham luận được gửi đến Hội thảo, các diễn giả đã tập trung làm sáng tỏ hơn những thành tựu to lớn, nổi bật của Ninh Bình đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong 20 năm qua; chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đang còn tồn tại trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị,… và đưa ra các kiến giải dưới mọi góc độ, ở nhiều khía cạnh nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, cả bên trong lẫn bên ngoài của những hạn chế, yếu kém. Cũng tại Hội thảo, nhiều diễn giả đã nêu ra những tiềm năng, thế mạnh và giải pháp để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh Ninh Bình như phát triển du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển kinh tế biển… nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của Ninh Bình.
Nhiều diễn giả cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt về việc đưa ra những kinh nghiệm, phương hướng và giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, hạn chế, yếu kém còn tồn tại của Ninh Bình như, giải pháp bảo đảm cho nền kinh tế Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; các giải pháp thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp; tăng cường xuất khẩu hàng hóa; giải pháp để phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; những giải pháp để thực hiện tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là xây dựng nông thôn mới; giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị; những giải pháp để phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, làng nghề ở các huyện, thị xã, thành phố…
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cuộc Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa rất sâu sắc, rất quan trọng trong việc nhìn nhận lại 20 năm đổi mới và phát triển của Ninh Bình. Tuy vậy, việc tái lập tỉnh không phải là nhân tố quyết định cho sự phát triển. Về mặt khách quan, tái lập tỉnh cùng một lúc tạo ra thời cơ và thách thức. Thực tế đã chứng minh, có những địa phương khi chia tách chưa hẳn đã có sự phát triển mới. Nên thành công hay không phụ thuộc vào đảng bộ, chính quyền, nhân dân của địa phương đó có nắm vững được thời cơ hay không, có phát huy được tính lan tỏa tích cực của thời cơ không? Thực tiễn cho thấy, 20 năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã thành công, đã nắm bắt được thời cơ trong bối cảnh đất nước đổi mới cũng như sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của đảng bộ, nhân dân địa phương để tạo ra những thành quả tích cực, nổi bật. 20 năm qua, Ninh Bình đã có sự phát triển nhanh, mạnh và toàn diện chưa từng có.
GS.TS Phùng Hữu Phú: Trong thời gian tới, Ninh Bình cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp sang dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp (Ảnh: Đ.H) |
GS.TS Phùng Hữu Phú nhận xét thêm, các bài tham luận tại Hội thảo đã đề cập rất toàn diện những vấn đề cơ bản, quan trọng, vừa đánh giá lại 20 năm chặng đường phát triển của Ninh Bình, khẳng định những thành quả to lớn nhiều ý nghĩa. Nhưng, các tham luận cũng rất thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, những yếu kém. Và, đặc biệt, các tham luận đã gợi mở nhiều ý tưởng, nhiều đề xuất rất quý để Ninh Bình phát huy những thành tựu, nắm bắt những thế và lực mới để địa phương phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú cũng đã nêu bốn suy nghĩ mang tính chất cá nhân gợi ý Ninh Bình có bước phát triển mới trong thời gian tới, đó là: Ninh Bình cần nắm bắt kịp thời và sáng tạo hơn nữa quan điểm phát triển bền vững từ xu thế chung của thời đại, quan điểm của Đảng ta cũng như yêu cầu và điều kiện chung của đất nước và điều kiện cụ thể của Ninh Bình; cần đẩy mạnh mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Ninh Bình có tài nguyên du lịch rất lớn. Do đó, trong thời gian tới, Ninh Bình cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp sang dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Để thực hiện được điều này, Ninh Bình cần đẩy mạnh phát triển công nghệ và ứng dụng tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy mạnh mẽ hơn nữa các giá trị văn hóa; cần giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề xã hội; và, cần mở rộng hơn nữa liên kết vùng.
Phát biểu bế mạc, ThS Nguyễn Tiến Thành sau khi khái quát lại những ý kiến tham luận tại Hội thảo đã nhấn mạnh: Hội thảo “Ninh Bình – 20 năm đổi mới và phát triển” là một trong những cuộc hội thảo có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Với những giá trị, ý nghĩa to lớn của cuộc Hội thảo đã đạt được, sẽ góp phần quan trọng mang lại động lực mới, khí thế mới, thúc đẩy phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh, góp phần đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tiếp theo.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()