Sản xuất giày xuất khẩu ở Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ mở hướng thoát nghèoSau ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992), các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Ninh Bình đã hướng tới phát triển công nghiệp và dịch vụ để thoát nghèo. Bởi lẽ, cơ ngơi và vốn liếng Ninh Bình thật nghèo nàn với mức thu ngân sách gần 40 tỷ đồng.Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp, trong đó 39 cơ sở do địa phương quản lý, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Phần lớn thiết bị trong các cơ sở sản xuất công nghiệp đều lạc hậu thuộc thế hệ 30 năm trước, cho nên sản xuất chủ yếu là thủ công, năng suất cũng như chất lượng thấp. Nền công nghiệp mà người ta thấy rõ nhất là hệ thống lò nung vôi mọc khắp thị xã Ninh Bình lúc bấy giờ. Các khu phố trong thị xã Ninh Bình chỗ nào cũng khói, bụi bởi lò vôi. Các phường Đông Thành, Phúc Thành, Tân Thành là nơi có nhiều hộ nông dân nung vôi...
Sản xuất giày xuất khẩu ở Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). |
Phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ mở hướng thoát nghèo
Sau ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992), các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Ninh Bình đã hướng tới phát triển công nghiệp và dịch vụ để thoát nghèo. Bởi lẽ, cơ ngơi và vốn liếng Ninh Bình thật nghèo nàn với mức thu ngân sách gần 40 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp, trong đó 39 cơ sở do địa phương quản lý, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Phần lớn thiết bị trong các cơ sở sản xuất công nghiệp đều lạc hậu thuộc thế hệ 30 năm trước, cho nên sản xuất chủ yếu là thủ công, năng suất cũng như chất lượng thấp. Nền công nghiệp mà người ta thấy rõ nhất là hệ thống lò nung vôi mọc khắp thị xã Ninh Bình lúc bấy giờ. Các khu phố trong thị xã Ninh Bình chỗ nào cũng khói, bụi bởi lò vôi. Các phường Đông Thành, Phúc Thành, Tân Thành là nơi có nhiều hộ nông dân nung vôi với bình quân hai, ba gia đình có một lò nung vôi. Xe chở vôi đi bán khắp nơi với thương hiệu “vôi Ninh Bình”!
Khi mới chia tách tỉnh, Ninh Bình gặp nhiều khó khăn, ngổn ngang những việc phải làm. Năm 1990, thị trường xuất khẩu Đông Âu gặp khó khăn, Ninh Bình với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cói, lạc, thảm len bị đình trệ, thành thử toàn tỉnh chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu chưa bằng một doanh nghiệp nhỏ với mức khiêm tốn: 2,5 triệu USD/năm. Ngay từ giai đoạn 1992 – 2001, Ninh Bình đã xác định muốn thoát nghèo phải phát triển công nghiệp và khi chọn mô hình phát triển công nghiệp hiệu quả, thân thiện với môi trường. Năm 2002, Ninh Bình chính thức thành lập Ban quản lý khu công nghiệp của tỉnh thay vì phòng công nghiệp trực thuộc UBND, với chức năng quản lý nhà nước đối với các Khu công nghiệp trên địa bàn. Từ đây, chủ trương phát triển công nghiệp của Ninh Bình sau bao trăn trở đã nhanh chóng mở hướng làm ăn mới. Bảy khu công nghiệp được hình thành, gồm: Khánh Phú, Tam Điệp, Gián Khẩu, Khánh Cư, Phúc Sơn, Xích Thổ, Sơn Hà với tổng diện tích gần hai nghìn ha, chiếm 1,4% diện tích tự nhiên của tỉnh. Nét đặc trưng của sự phát triển công nghiệp ở Ninh Bình là vừa xây dựng chính sách thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giúp doanh nghiệp đưa dự án vào hoạt động với thời gian sớm nhất. Các chính sách thu hút đầu tư tại khu công nghiệp được xây dựng trên cơ sở nhất quán giữa chủ trương, định hướng của cấp ủy với chính quyền cùng với triển khai cải cách hành chính “một cửa liên thông” thực hiện đồng loạt từ tỉnh đến huyện, xã. Chẳng hạn, phối hợp ba ngành công an, thuế, kế hoạch và đầu tư trong việc thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện dự án chính là một trong những sức hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tìm đến Ninh Bình. Tính đến đầu năm 2012, ngoài 65 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 40 nghìn tỷ đồng do Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp giấy phép, còn có 2.207 doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 440 dự án với số vốn đăng ký hơn 71.800 tỷ đồng, gồm các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp 303 dự án, dịch vụ du lịch 100 dự án và 39 dự án về nông nghiệp. Trong đó, 27 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với hơn 765 triệu USD. Nổi bật là từ năm 2006 đến nay, bốn/sáu nhà máy xi-măng có tổng công suất 13 triệu tấn/năm đã vận hành và các nhà máy sản xuất thép, sản xuất kính ô-tô, nhà máy phân đạm, nhà máy lắp ráp ô-tô Thành Công, may mặc, giày da, v.v. hoạt động giai đoạn I cho giá trị sản xuất đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn hai nghìn tỷ đồng, nâng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 300 triệu USD. Sản xuất công nghiệp phát triển kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Ninh Bình thay đổi đáng kể. Đến nay, mới khoảng gần một nửa số dự án chạy thử giai đoạn I, đã thu hút hơn 30 nghìn công nhân, trong đó, chủ yếu là lao động nông thôn trong tỉnh. Cùng với công nghiệp, các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ cũng phát triển không ngừng. Bảy Khu du lịch trọng điểm của tỉnh bao gồm: Tràng An – Bái Đính, đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Khu sinh thái ngập nước Vân Long – Kênh Gà, Tam Cốc – Bích Động, hồ Đồng Chương – Yên Thắng – Yên Đồng, phòng tuyến Tam Điệp – Biên Sơn là những danh thắng được du khách trong nước và nước ngoài biết đến. Chỉ tính mấy năm gần đây, khi khu du lịch Tràng An – Bái Đính vẫn trong giai đoạn xây dựng, số du khách trong nước và quốc tế tăng vọt hằng năm, cụ thể năm 2010 đạt hơn 2,4 triệu lượt, năm 2011 lên 3,6 triệu lượt khách. Những tháng đầu năm 2012, số du khách đến Ninh Bình tăng đáng kể, có ngày lên tới gần 100 nghìn lượt người. Lượng du khách đến tham quan du lịch Ninh Bình ngày càng đông là tín hiệu tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ, thương mại ở địa phương. Điểm đáng nói là cơ cấu kinh tế Ninh Bình có sự thay đổi đáng kể trong nguồn thu ngân sách: công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 49%, dịch vụ 36% và nông nghiệp chỉ chiếm 15%, nâng nguồn thu ngân sách địa phương năm 2011 lên 3.392 tỷ đồng, gấp hơn 80 lần so với ngày đầu “ở riêng”. Lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng khá, năm 2011 đạt 263,7 triệu USD với mặt hàng mũi nhọn là xi-măng, clanh-ke, sắt, vật liệu xây dựng… gấp 105,5 lần, tổng giá trị nhập khẩu đạt 290,7 triệu USD, bằng 323 lần so với năm 1992 góp phần nâng mức tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 16,1%/năm, thu nhập bình quân đầu người hơn một nghìn USD/năm.
Hệ thống chính trị cùng doanh nghiệp chung sức giúp người nghèo
Khi mới tái lập, cùng với cơ sở hạ tầng xuống cấp là khoảng gần 30% số dân trong tỉnh sống đói nghèo. Huyện nào cũng có hộ đói, nghèo, song chiếm tỷ lệ hộ đói, nghèo cao là các huyện Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn. Cũng từ những ngày đầu tái lập trong bộn bề công việc, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể cùng doanh nghiệp đã chung tay giúp người nghèo. Tỉnh ủy ra Nghị quyết 10 về “tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo”, HĐND tỉnh có hai Nghị quyết 02, 06 về “xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách” và UBND tỉnh xây dựng đề án 15/ĐA-UBND chỉ ra những giải pháp giúp đỡ người nghèo, vùng có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Ban Dân vận, MTTQ tỉnh, Hội Nông dân trực tiếp chỉ đạo. Những hộ đói, nghèo ngoài việc thường xuyên giúp đỡ lương thực lúc giáp hạt, ngày lễ, Tết hoặc khi lũ lụt các hộ nghèo còn được sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ đói, nghèo trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí gần 20 tỷ đồng làm mới, sửa chữa hơn 10 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Đáng chú ý là không chỉ các doanh nghiệp và đoàn thể tham gia giúp đỡ người nghèo mà lực lượng vũ trang của tỉnh luôn sát cánh hỗ trợ với những việc làm cụ thể, thiết thực. Công an tỉnh phát động cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng quỹ “phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo” với số tiền gần ba tỷ đồng, xây tặng sáu nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ CAND có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công an tỉnh Ninh Bình còn tổ chức các hoạt động từ thiện tặng hơn 700 suất quà cho gia đình chính sách, trẻ mồ côi, người già neo đơn, tặng 20 con lợn giống, 10 chiếc xe đạp, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn hai nghìn lượt người nghèo ở các huyện Yên Mô, Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hàng chục nghìn ngày công tham gia cứu lúa giúp người nghèo khi lũ lụt, nạo vét 50 km kênh mương thủy lợi, làm giao thông nông thôn, phối hợp với các ban, ngành của tỉnh và đơn vị quân đội trên địa bàn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 15 nghìn lượt người ở các xã nghèo. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn tham gia xây mới, sửa chữa 453 ngôi nhà cho hộ nghèo, làm mới gần năm cây số đường liên thôn kiên cố, năm nhà văn hóa thôn. Ít ai có thể quên được hình ảnh lực lượng vũ trang tham gia gặt lúa giúp người nghèo trong dòng nước lũ suốt 10 năm qua ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn; hình ảnh hơn chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đoàn 1, Sư đoàn 350 về các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh, Kim Sơn cùng với nhân dân địa phương vận chuyển hàng chục nghìn mét khối đất đá gia cố đê ngăn dòng nước lũ trên sông Hoàng Long, hỗ trợ di dời 400 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm, có chiến sĩ bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Người nghèo, vùng nghèo Ninh Bình không chỉ được giúp đỡ bằng vật chất thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày, mà các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp còn tổ chức hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng. Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi “vì sao diện tích đất nông nghiệp giảm gần hai nghìn ha mà Ninh Bình vẫn bảo đảm an ninh lương thực, thậm chí dư thừa lương thực, nâng sản lượng lương thực có hạt lên gần 520 nghìn tấn/năm, bình quân lương thực theo đầu người đạt hơn 550 kg/năm”. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào đồng ruộng, như phương pháp chuyển từ mạ dược sang mạ nền, mạ dày xúc là chủ yếu hoặc kỹ thuật gieo mạ xuân muộn che phủ ni-lông trong vụ chiêm xuân, v.v. giúp Ninh Bình chủ động khâu mạ trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại. Đồng thời kỹ thuật bón phân, bảo vệ thực vật đúng thời vụ là những nội dung chủ yếu tại các hội nghị đầu bờ diễn ra thường xuyên ở huyện hướng dẫn nông dân thực hiện có hiệu quả. Việc đào tạo nghề nông cho nông dân là một trong những nhiệm vụ trung tâm hàng đầu của các tổ chức hội. Hội Nông dân, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… tiếp thu kiến thức, xây dựng mô hình điểm rồi từ đó nhân rộng thông qua các buổi sinh hoạt tại cơ sở. Chính vì vậy việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trở thành phong trào rộng khắp ở nhiều xã, huyện, thậm chí còn được xây dựng thành tiết mục văn nghệ để tham gia hội diễn, qua đó trao gửi thông điệp về cách sản xuất mới, phê phán tư tưởng ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo ngại vượt khó vươn lên. Huyện Yên Khánh trở thành vùng trọng điểm trồng giống lúa chất lượng cao QR1 cũng nhờ cách tổ chức hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua các buổi tọa đàm của tổ chức Hội.
Cùng với trồng trọt, người nghèo, vùng nghèo ở Ninh Bình còn được giúp đỡ trong lĩnh vực chăn nuôi, phát triển ngành nghề truyền thống. Tại huyện miền núi Nho Quan xuất hiện nhiều trang trại có thu nhập khoảng 100 triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm bằng nghề nuôi nhím, lợn rừng, hươu lấy nhung, ong, dê, gà thả vườn và cây ăn quả. Vùng đồng bằng như Yên Khánh nuôi gà, ba ba, cá sấu, cá chép, cá trắm đen, cá rô đơn tính, v.v. mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Còn các xã bãi ngang ven biển Kim Sơn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bao gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá bống bớp, ngao, v.v. với sản lượng mỗi năm hàng nghìn tấn. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai dự án “làng thanh niên nuôi trồng thủy sản xã Kim Đông” với diện tích hơn 200 ha có vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng, tham gia xây dựng 15 nhà văn hóa thôn, tổ chức đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho hơn 200 lao động ở ba xã bãi ngang huyện Kim Sơn. Ngoài ra, nghề trồng nấm rơm, nấm linh chi phát triển mạnh ở Yên Khánh, Yên Mô; nghề thêu ren có từ hàng nghìn năm đang được khôi phục ở Văn Lâm, sản xuất đá mỹ nghệ ở Ninh Vân (Hoa Lư). Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, mỗi ban, ngành đoàn thể đều xây dựng chương trình giúp đỡ người nghèo cụ thể. Hội Nông dân xây dựng tiêu chí cho việc đạt danh hiệu “hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp xã: ngoài chuyện phát triển kinh tế gia đình, chủ hộ phải giúp đỡ, tạo việc làm cho bảy lao động khác ở địa phương. Tương tự như vậy, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh phải tạo việc làm cho 15 lao động và giúp đỡ từ bảy đến mười hộ thoát nghèo, đạt danh hiệu cấp T.Ư nâng lên 20 lao động có việc làm, giúp đỡ 15 hộ thoát nghèo, ít nhất 50% số hộ được giúp đỡ trở thành khá và giàu. Với năm năm xây dựng tiêu chí một lần theo hướng nâng dần số hộ nghèo được doanh nghiệp giúp đỡ, hai mươi năm qua, riêng Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình có hơn 52 nghìn lượt hộ hội viên đạt danh hiệu “sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp, trong đó nhiều doanh nghiệp trở thành chỗ dựa của hộ nghèo như: cơ sở sản xuất cói mỹ nghệ Năng Động, Quang Minh, Đổi Mới, Xuân Hòa (Kim Sơn), HTX Trang Thiên Sơn Phú, doanh nghiệp xây dựng Xuân Hòa (Nho Quan),… Hằng năm, mỗi cơ sở Hội Nông dân xây dựng một mô hình phát triển kinh tế – xã hội để hướng dẫn nông dân làm theo, có 52/807 mô hình phát triển kinh tế do hội nông dân cấp cơ sở trực tiếp xây dựng được áp dụng đạt hiệu quả.
Sau hai mươi năm phấn đấu không mệt mỏi, đến nay Ninh Bình có 100% số tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã được trải bê-tông, 51% số đường liên xã được cứng hóa, 52% số đường liên xóm được xây dựng kiên cố, là những trường học được xây dựng khang trang quy mô hai, ba tầng. Sẽ không thể thống kê hết những công trình nhờ nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, quân và dân Ninh Bình thực hiện trong thời gian qua. Thị xã Ninh Bình đã trở thành thành phố với cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, xứng đáng là trung tâm kinh tế – xã hội của tỉnh. Hai tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp ở địa phương tăng 19,6%, lĩnh vực du lịch dịch vụ tăng 21%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 21,3%, vốn đầu tư tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc khánh thành Nhà máy đạm Ninh Bình có công suất lớn, công nghệ cao và hàng loạt dự án đang khảo sát triển khai như: khởi công xây dựng nhà máy thép công nghệ hiện đại ở khu công nghiệp Khánh Phú, xây dựng đường 12B, đường cao tốc nối Cao Bồ với QL1A, nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp có công nghệ cao… cùng với khí thế xây dựng nông thôn mới được dấy lên rộng khắp toàn tỉnh. Tuy nhiên, có lúc có nơi cũng còn bộc lộ hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Song với tinh thần đoàn kết nhất trí cao trong toàn đảng bộ, sự đồng thuận của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, và sự ủng hộ của các bộ, ngành, sự hỗ trợ của các địa phương trong cả nước, phát huy thành tựu sau 20 năm tái lập tỉnh, chủ động trong hội nhập phát triển Ninh Bình. Vùng cố đô xưa đang vươn lên tầm cao mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()