Ninh Bình phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch
Ngày 15/1, tại Ninh Bình, Tạp chí Cộng sản và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo “Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô”. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Quang cảnh hội thảo. |
Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; cùng hơn 130 đại biểu đại diện cho các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà thiết kế, sáng tạo sản phẩm quà tặng, quảng cáo, phân phối, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.
Đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết, Ninh Bình có tiềm năng rất lớn để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch, bởi sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và có lượng khách du lịch đến hằng năm rất lớn; là nơi hình thành, lưu giữ nhiều làng nghề thủ công, truyền thống có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm cùng cảnh quan đặc sắc, hội tụ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương.
Hiện nay ,tỉnh có 77 làng nghề được công nhận, 183 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP… Khai thác lợi thế từ các sản phẩm được chứng nhận OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của làng nghề, thời gian gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư máy móc, cải tiến bao bì, mẫu mã, mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm quà tặng, lưu niệm của Ninh Bình còn hạn chế về số lượng, chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại; vẫn còn tình trạng sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về văn hóa, con người của vùng đất Cố đô; một số sản phẩm chưa bảo đảm sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài.
Số lượng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; còn thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối quà tặng, quà lưu niệm du lịch.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào 2 phiên chính: đánh giá thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình; giải pháp nghiên cứu, thiết kế mẫu sản xuất, phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Ninh Bình và cơ chế chính sách thúc đẩy.
Các ý kiến nêu nhiều ý tưởng, sáng kiến hay, có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn, trong đó có một số sáng kiến có thể triển khai thực hiện được ngay như: Việc khai thác phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm từ các giá trị văn hóa, lịch sử, di tích tiền sử, di sản bền vững, bảo tồn môi trường; tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu, loại hình sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm; thúc đẩy mối quan hệ đối tác và tạo điều kiện kết nối các tài năng thiết kế sáng tạo với cộng đồng địa phương và làng nghề truyền thống; phát triển hình ảnh biểu tượng có tính sáng tạo và hướng tới giới trẻ; đầu tư hệ thống các gian hàng quà tặng du lịch có tính chuyên nghiệp, độc đáo; hoàn thiện chiến lược marketing thương hiệu địa phương của tỉnh.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội thảo. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: “Ninh Bình xác định xây dựng chiến lược đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương theo tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản gắn với những dịch vụ đặc sắc, thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm chất lượng, chuyên nghiệp, độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng Cố đô nhằm khẳng định và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, tăng thêm dịch vụ và chi tiêu của khách tại Ninh Bình.
Việc phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương tại các tỉnh, thành phố trong nước nói chung và miền Cố đô Ninh Bình nói riêng là vấn đề cần được quan tâm đầu tư hơn nữa. Bởi sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm không chỉ là yếu tố thu hút khách mà là còn yếu tố quan trọng trong giới thiệu quảng bá văn hóa, du lịch địa phương một cách thiết thực, mang lại giá trị kép trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, nhất là nghề truyền thống và đưa điểm đến du lịch địa phương tới gần hơn thị trường trong nước và thế giới.
Trên cơ sở hội thảo lần này, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh phát triển thị trường các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch; tổ chức thường niên các cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm; định kỳ hàng năm tổ chức phiên chợ quà tặng, quà lưu niệm du lịch miền Cố đô, tiến tới tổ chức lễ hội quà tặng, quà lưu niệm du lịch vùng và quốc gia; nghiên cứu bổ sung một số nội dung trong trong nghị quyết số 105 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2023-2030 để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm mang giá trị và dấu ấn văn hóa, lịch sử, thủ công truyền thống của tỉnh để khuyến khích phát triển du lịch.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()