Ninh Bình kiên quyết thu hồi các dự án kém hiệu quả, kéo dài
Tỉnh Ninh Bình đang quyết tâm thu hồi những dự án kém hiệu quả, tuy nhiên việc này gặp không ít khó khăn, vướng mắc, bên cạnh đó việc lựa chọn các nhà đầu tư mới cũng là vấn đề cần bàn.Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã chấp thuận và cấp phép đầu tư cho gần 450 dự án thuộc nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, du lịch, giao thông... Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra của các ngành chức năng, vẫn còn nhiều dự án, chủ đầu tư chưa tích cực triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ trong nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân các địa phương bị thu hồi đất làm dự án. Có những dự án, sau khi được cấp phép, chủ đầu tư chỉ xây tường bao, giữ đất, hoặc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng.Trong số 23.000 ha đã được chấp thuận giao cho các nhà đầu tư, tỉnh Ninh Bình dự kiến thu hồi trên 16.000 ha. Nguyên nhân dẫn tới các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ thì có nhiều, song chủ yếu là...
Tỉnh Ninh Bình đang quyết tâm thu hồi những dự án kém hiệu quả, tuy nhiên việc này gặp không ít khó khăn, vướng mắc, bên cạnh đó việc lựa chọn các nhà đầu tư mới cũng là vấn đề cần bàn.
Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã chấp thuận và cấp phép đầu tư cho gần 450 dự án thuộc nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, du lịch, giao thông… Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra của các ngành chức năng, vẫn còn nhiều dự án, chủ đầu tư chưa tích cực triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ trong nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân các địa phương bị thu hồi đất làm dự án. Có những dự án, sau khi được cấp phép, chủ đầu tư chỉ xây tường bao, giữ đất, hoặc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng.
Trong số 23.000 ha đã được chấp thuận giao cho các nhà đầu tư, tỉnh Ninh Bình dự kiến thu hồi trên 16.000 ha. Nguyên nhân dẫn tới các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ thì có nhiều, song chủ yếu là do việc tính toán đầu tư không sát với thực tế, không khả thi; hơn nữa kinh tế suy thoái dẫn tới nhiều nhà đầu tư thiếu vốn nghiêm trọng. Nguy hại hơn, có nhà đầu tư “găm” đất chờ tăng giá để kêu gọi góp vốn đầu tư hoặc sử dụng không đúng mục đích. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khách quan như vị trí đất giao không thuận lợi, nằm ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém.
Ông Đinh Tiến Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã làm rõ đúng sai và đã thu hồi một số dự án; lỗi phần lớn do nhà đầu tư tính toán chưa kỹ, nhưng cũng có một phần lỗi của tỉnh như chưa tạo được cơ chế thông thoáng, chưa có hạ tầng tốt. Vì vậy, tỉnh vừa thu hồi vừa rút kinh nghiệm để tránh xẩy ra thiếu sót trong thời gian tới.
Điển hình như Dự án sản xuất cống bê tông và sản xuất cột điện hạ thế tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) của Công ty Cổ phần Bê tông thép với diện tích 5 ha được cấp phép 6 năm nay, nhưng mới xây tường rào, san lấp mặt bằng, sau 2 năm hết thời hạn thực hiện dự án, doanh nghiệp vẫn không thực hiện hạng mục công trình chính. Dự án khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái (Yên Mô) với diện tích gần 2.200 ha được cấp phép cũng chừng ấy thời gian. Chủ dự án mới trả được 2,8 tỷ đồng cho việc đền bù trên 10 ha đất san lấp bến thuyền, nhận quản lý hơn 1.300 ha rừng phòng hộ. Phần còn lại với diện tích hơn 1.600 ha, huyện Yên Mô đã lập phương án đền bù cho dân với số tiền 25,2 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư không có tiền chi trả, để cho dân kiến nghị thu hồi dự án… Chừng 3 năm trở lại đây, tỉnh Ninh Bình đã thu hồi trên chục dự án chậm tiến độ, dự án “treo” giao cho đơn vị khác triển khai có hiệu quả, hoặc thu hồi toàn bộ đất giao cho địa phương quản lý như các dự án khai thác khoáng sản của doanh nghiệp tư nhân Quang Tỉnh, xã Gia Minh (Gia Viễn) thu hồi hơn 1,5 ha, dự án khai thác khoáng sản tại mỏ đá núi Mai, xã Quang Sơn (thị xã Tam Điệp) thu hồi 3 ha, dự án làng nghề nghệ thuật và thủ công truyền thống ở xã Phú Lộc (Nho Quan), thu hồi hơn 15 ha. Các dự án khu nghỉ dưỡng Vân Long (Gia Viễn) của Công ty Cổ phần bất động sản Hợp Phát, dự án xây dựng công ty may xuất khẩu của Công ty TNHH Cát Tường tại thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh), dự án khai thác đá tại xã Mai Sơn (Yên Mô) của Công ty phát triển nhà Hà Nội… với diện tích hơn 30 ha đã chuyển giao cho đơn vị khác có đủ điều kiện được tiếp nhận đầu tư.
Quá trình thu hồi cũng gặp nhiều vướng mắc như đền bù phần tài sản đã đầu tư của các chủ dự án. Việc định giá tài sản cũng như lấy nguồn vốn nào để chi trả cũng gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đang kêu gọi các dự án mới để tiếp tục đền bù cho các dự án cũ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư mới hoạt động trên địa bàn; đồng thời thường xuyên thanh kiểm tra, hạn chế tình trạng dự án “treo” trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Ninh Bình cho rằng: Khi bắt tay vào làm mới thấy hết sự phức tạp khó khăn của việc thu hồi và tính phương án đền bù tài sản trên đất, đó là chưa nói tới một số chủ đầu tư đang tìm nhiều thủ thuật “câu giờ”, cố tình dây dưa kéo dài, hễ thấy “động” là lại thi công.
Theo TTXVN
Ý kiến ()