Nigeria: Hàng nghìn người phải sơ tán do tấn công thánh chiến
Đây là lần thứ ba trong vòng một tuần thị trấn Damasak, nơi có 85.000 dân đang sống nhờ viện trợ nhân đạo tại Nigeria, bị các chiến binh thánh chiến tấn công.
Ngày 15/4, giới chức Nigeria và Liên hợp quốc cho biết ít nhất 10 người đã thiệt mạng sau vụ tấn công thánh chiến nhằm vào thị trấn Damasak, bang Borno, phía Đông Bắc nước này, đồng thời gây ra một cuộc di cư lớn sang nước láng giềng Niger.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), các báo cáo ban đầu cho thấy khoảng 8.000 người dân đã sơ tán đến các thị trấn Chetimari và Gagamari của Niger.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các nguồn tin quân đội và người dân tại thị trấn Damasak cho biết vụ tấn công xảy ra ngày 14/4 do các chiến binh thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chi nhánh Tây Phi (ISWAP) thực hiện.
Đây là lần thứ ba trong vòng một tuần thị trấn Damasak, nơi có 85.000 dân đang sống nhờ viện trợ nhân đạo, bị tấn công. Các phần tử ISWAP đã thực hiện vụ tấn công trên khi người dân đang chuẩn bị đón ngày thứ hai của tháng lễ Ramadan.
Một quan chức địa phương cho biết những thiệt hại mà các tay súng ISWAP gây ra cho Damasak là “chưa từng thấy.” Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng không quân, quân đội Nigeria đã đẩy lùi các tay súng của ISWAP.
Trong khi đó, người phát ngôn của UNHCR tại Nigeria cho biết theo báo cáo sơ bộ từ các đối tác của UNHCR, các tay súng có vũ trang đã thiêu trụi một số toà nhà, trong đó có đồn cảnh sát, bệnh viện, nơi ở của các quan chức địa phương và một văn phòng của Liên hợp quốc. Các nhóm hỗ trợ nhân đạo cũng đã buộc phải rút nhân viên tại khu vực này do lo ngại tình trạng an ninh bất ổn.
ISWAP tách ra từ nhóm thánh chiến Boko Haram năm 2016 và đã trở thành một trong những mối đe dọa an ninh chính ở Nigeria. Nhóm này thường xuyên tấn công các mục tiêu quân đội và bắt cóc du khách.
Do tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, các nhân viên nhân đạo ở Nigeria đang gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp viện trợ, với số người cần hỗ trợ khẩn cấp dự báo sẽ tăng lên 8,7 triệu người trong năm nay.
Nigeria là quốc gia sản xuất dầu hàng đầu của châu Phi, đồng thời có dân số đông nhất lục địa, với 200 triệu người. Cuộc xung đột thánh chiến ở vùng Đông Bắc đã khiến 36.000 người thiệt mạng và khoảng 2 triệu người phải di tản.
Các nhóm cực đoan, đặc biệt là Boko Haram, đã mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng như Cộng hòa Chad, Cameroon và Niger, buộc các nước phải thành lập một liên minh quân sự nhằm chống lại quân nổi dậy. Xung đột chỉ là một trong những vấn đề an ninh mà Nigeria phải đối mặt.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phải đối phó với các băng nhóm bắt cóc ở các bang phía Tây Bắc và miền Trung đất nước cũng như tình trạng cướp biển ở phía Nam./.
Ý kiến ()