Niger đánh giá bi quan về lực lượng chống thánh chiến G5 Sahel
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum ngày 18/5 cho rằng lực lượng đa quốc gia G5 Sahel chiến đấu chống các phần tử nổi dậy Hồi giáo ở Tây Phi đã “chết” sau thông báo rút quân của Mali.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum ngày 18/5 cho rằng lực lượng đa quốc gia G5 Sahel chiến đấu chống các phần tử nổi dậy Hồi giáo ở Tây Phi đã “chết” sau thông báo rút quân của Mali.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Lực lượng G5 Sahel – bao gồm các binh sỹ từ Niger, Mali, Cộng hòa Chad, Burkina Faso và Mauritania – được thành lập hồi năm 2017 để đấu tranh với các phần tử thánh chiến tràn qua khu vực Sahel, sát hại hàng nghìn người và buộc hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.
Quyết định rút lui của Mali kéo theo sự đổ vỡ trong quan hệ với Pháp và các đồng minh trong khu vực. Căng thẳng còn được thúc đẩy bởi quyết định trì hoãn tổ chức bầu cử của chính quyền quân sự Mali sau 2 cuộc đảo chính liên tiếp.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/5, ông Bazoum nói: “G5 Sahel đã chết. Việc Bamako bị cô lập ở Tây Phi gây thiệt hại cho toàn khu vực.”
Một người phát ngôn của Tổng thống Niger đã xác nhận bình luận của ông và nhấn mạnh rằng quan điểm của nhà lãnh đạo này về Lực lượng G5 Sahel là rất rõ ràng.
Chính quyền quân sự Mali hôm 15/5 thông báo sẽ rút khỏi Lực lượng G5 Sahel, đồng thời đổ lỗi cho tình trạng thiếu tiến bộ trong cuộc chiến chống các phần tử nổi dậy Hồi giáo.
Khoảng 2.400 binh sỹ Pháp và 900 lính đặc nhiệm thuộc một lực lượng đặc biệt của châu Âu do Paris dẫn đầu dự kiến sẽ rời Mali trong những tháng tới và Niger đã đồng ý tiếp nhận một số binh lính trong số đó, giúp lực lượng này đóng vai trò nổi bật hơn trong cuộc chiến chống các phần tử nổi dậy Hồi giáo ở khu vực Sahel.
Khu vực ngã ba biên giới giữa Niger với Mali và Burkina Faso là tâm điểm của cuộc nổi dậy thánh chiến do các nhóm có liên kết với những tổ chức khủng bố như Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành. Làn sóng này bùng nổ ở Mali từ một thập kỷ trước và đã lan rộng sang các nước láng giềng./.
Ý kiến ()