Niêm yết thủ tục hành chính: Những chi tiết còn bị bỏ ngỏ
LSO - Tình trạng niêm yết thủ tục hành chính (TTHC) dưới gầm cầu thang, gần nhà vệ sinh, tại nơi khó quan sát, xộc xệch, không đúng quy cách, không thẩm mỹ... là tình trạng còn xảy ra trong việc niêm yết TTHC tại một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Để khắc phục, UBND tỉnh, cơ quan chức năng đã, đang có nhiều biện pháp chấn chỉnh.
Cách đây chưa lâu, khi đoàn công tác của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp Lạng Sơn) kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã phát hiện đơn vị niêm yết bộ TTHC tại một trục xoay đặt ở nơi mà tổ chức hoặc công dân rất khó quan sát (trong 1 góc phòng, gần gầm cầu thang). Đồng thời, công tác niêm yết công khai TTHC còn chưa đầy đủ (chỉ có 39/61 thủ tục), thiếu các biểu mẫu và nội dung thực hiện TTHC, chưa đa dạng hình thức niêm yết, công khai. Đoàn đã thẳng thắn nhắc nhở và yêu cầu BHXH tỉnh chấn chỉnh lại ngay hiện tượng này. Cụ thể là đề nghị BHXH tỉnh cần niêm yết đủ, đa dạng bộ TTHC tại nơi tổ chức, công dân dễ quan sát để thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, quy định về TTHC. Hoặc thậm chí nhiều bộ phận “1 cửa” có thiết bị hiện đại (màn hình cảm ứng) để niêm yết TTHC nhưng cũng không được bật để công dân tra cứu thông tin. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu – Phó Trưởng Phòng kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp Lạng Sơn cho biết: qua kiểm tra thực tế tình hình và kết quả hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh năm 2013 do Sở Tư pháp thực hiện tại một số đơn vị cho thấy: còn 20% cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh bỏ sót nhiều quy định bắt buộc của công tác niêm yết công khai TTHC. Chủ yếu trong số đó là cơ quan hành chính ở cấp xã. Nguyên nhân là trụ sở làm việc còn chật hẹp nên hầu hết các xã mới chỉ niêm yết công khai được các TTHC có tần suất thực hiện lớn như các TTHC về lĩnh vực hộ tịch, địa chính, còn TTHC thuộc các lĩnh vực khác mới chỉ được tập hợp thành quyển để phục vụ cho việc tra cứu thực hiện của cán bộ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tại một số cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện có chỉnh chu hơn nhưng cũng chưa đảm bảo đúng các quy định trong niêm yết công khai TTHC. Đơn cử một số sở, ngành, bộ phận 1 cửa UBND cấp huyện còn niêm yết thiếu số TTHC được đưa ra giải quyết theo cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông; để TTHC xộc xệch không được đóng ngay ngắn, thành quyển hoặc bụi bẩn khiến công dân ngại tra cứu. Thậm chí có nhiều cơ quan hành chính không niêm yết, công khai những TTHC mới có hiệu lực thi hành mà niêm yết TTHC hết hiệu lực thi hành đến hàng năm trời (theo quy định niêm yết, công khai sau 10 ngày TTHC có hiệu lực thi hành, hết hiệu lực sẽ bị bãi bỏ và không niêm yết).
Anh Hoàng Văn Lộc, người dân xã Song Giang (Văn Quan) cho biết: có thể do bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã chật chội, không đảm bảo diện tích nên việc niêm yết TTHC ở đây cũng không tạo thuận lợi trong quan sát, tra cứu thông tin của người dân. Vì thế mà chúng tôi cũng không tiện xem nên khi giải quyết TTHC thì hỏi trực tiếp cán bộ về quy định thực hiện thủ tục đó.
Bà Hoàng Thúy Duyên – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lạng Sơn cho rằng: việc còn 20% cơ quan hành chính trong tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc các quy định bắt buộc về công tác niêm yết, công khai TTHC sẽ khó khăn cho tổ chức, công dân nắm bắt thông tin về các quy định mỗi khi giao dịch hành chính hoặc khó có cơ sở để giám sát cán bộ trong thực hiện các quy định TTHC. Nếu bị gây khó dễ, yêu cầu những thủ tục, quy định lòng vòng thì người dân khó mà giám sát và yêu cầu cán bộ, cơ quan hành chính đó thực hiện đúng hoặc khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền. Vì thế công tác niêm yết, công khai là một trong những nội dung quan trọng cần được thực hiện nghiêm túc. Thực hiện nghiêm quy định này, tháng 5/2014, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã ban hành Quy chế phối hợp công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định chi tiết phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; yêu cầu, điều kiện, phạm vi công bố, công khai TTHC; hình thức, nội dung quyết định công bố TTHC; nguyên tắc phối hợp công bố, công khai TTHC; trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đến cấp xã, các cơ quan báo chí.
Quy định là vậy nhưng xét về thực tế, tùy theo điều kiện cụ thể, các cơ quan hành chính có thể niêm yết, công khai TTHC theo hình thức thích hợp, đảm bảo dễ quan sát, dễ tra cứu, trang trọng. Điều quan trọng hơn cả là phải niêm yết đủ các TTHC đã đưa ra thực hiện theo cơ chế “1 cửa”, “1 cửa liên thông”. Qua các cuộc kiểm tra, tổ chức hội thảo, tập huấn hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Tư pháp vẫn tăng cường hướng dẫn các đơn vị nên niêm yết, công khai TTHC trên bảng gắn tường, trục xoay, bảng di động. Niêm yết TTHC của từng lĩnh vực theo từng tập để tổ chức, công dân dễ tìm hiểu hoặc có thể tập hợp TTHC theo lĩnh vực để đóng thành quyển đặt tại nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng ở cấp thôn, bản; in tờ rơi; sử dụng máy tính kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, Sở Tư pháp cũng đã công khai đầy đủ, kịp thời gần 1.500 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia, chiếm hơn 90% tổng số TTHC đang thực hiện. Làm tốt các bước này sẽ giúp người dân thuận lợi hơn khi giải quyết TTHC, tránh được hiện tượng nhũng nhiễu và tiêu cực của cán bộ; tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát của nhân dân về quy trình thực hiện TTHC.
Bài, ảnh: Minh Đức
Ý kiến ()