Niêm yết giá hàng hóa tại các chợ truyền thống: Chủ hàng còn thờ ơ
(LSO) – Mặc dù có quy định rõ về việc niêm yết giá hàng hóa trong kinh doanh song ở nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh thì việc này được làm “chiếu lệ”, dẫn tới tình trạng thiếu minh bạch, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Để tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và tránh tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh, những năm qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã quyết liệt vào cuộc tuyên truyền, kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cách bán hàng theo giá, niêm yết giá sản phẩm, lập bảng giá… Trong quá trình kiểm tra, lực lượng đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm về niêm yết giá. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra, phát hiện xử phạt 388 vụ vi phạm về niêm yết giá với số tiền hơn 278 triệu đồng.
Người dân kinh doanh hàng hoá tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn
Mặc dù quy định, chế tài xử phạt khá rõ ràng, lực lượng chức năng đã thực hiện các biện pháp quản lý nhưng trong thực tế việc niêm yết giá nhất là tại các chợ truyền thống còn nhiều tồn tại hạn chế. Trong những ngày gần đây, dạo quanh một số chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: Giếng Vuông, Đông Kinh, Chi Lăng…, chúng tôi nhận thấy, phần lớn hàng hóa ở các chợ này đều không được niêm yết giá bán cụ thể hoặc niêm yết giá thì cũng chỉ một số ít sản phẩm và còn mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan chức năng. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ở các khu chợ này cho rằng, việc thực hiện niêm yết giá gặp nhiều khó khăn và không cần thiết do giá cả các loại hàng hóa có sự biến động hằng ngày, hằng giờ và người mua thường trả giá cho từng loại hàng.
Chị P.T.X, chủ cửa hàng quần áo, chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Nhiều người tiêu dùng không mấy quan tâm đến việc mặt hàng này có được niêm yết giá hay không. Họ chỉ quan tâm đến việc mình có “mặc cả” được mặt hàng đó với giá hợp lý nhất hay không. Vì thế không cần niêm yết giá, mất thời gian lại tốn chi phí”.
Dạo quanh chợ thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh tương tự. Ở đây hầu như rất khó để tìm thấy một tấm biển niêm yết giá hàng hóa tại các ki-ốt bán hàng. Để mua được món hàng với giá ưng ý, người mua chỉ còn cách trả giá. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân thị trấn Cao Lộc cho biết: Vì không có biển, bảng niêm yết giá tại các chợ truyền thống nên khi đi mua hàng, chúng tôi vận dụng kinh nghiệm mua bán của bản thân, trả giá hàng hợp lý, tránh tình trạng người bán nói thách. Có lần tôi đi mua 1 chiếc áo, người bán nói giá 400 nghìn đồng, nhưng khi tôi trả 200 nghìn đồng thì họ vẫn bán. Vì không có niêm yết nên chúng tôi buộc phải trả giá thôi”.
Không những tại các địa điểm trên, hầu hết tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đều có tình trạng người bán không niêm yết giá các mặt hàng theo quy định. Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Để việc niêm yết giá trở thành nền nếp kinh doanh ở các chợ, thời gian tới, cục sẽ siết chặt quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các cửa hàng kinh doanh vi phạm nhằm thay đổi thói quen, hành vi mua, bán của người tiêu dùng và người kinh doanh. Từ đó, góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường, thúc đẩy sản xuất, giao thương phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/0213 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá” quy định rõ việc niêm yết giá hàng hóa. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các địa điểm khác theo quy định của pháp luật thực hiện niêm yết giá. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng nhiều cách để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. |
Ý kiến ()