Niềm vui từ cây cầu mới
– Trước đây, việc đi lại, giao thương hàng hóa của 97 hộ với hơn 500 nhân khẩu tại thôn Đá Đỏ, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng gặp rất nhiều khó khăn do bị chia cắt bởi sông Thương. Việc đi lại qua đây của người dân đều phải sử dụng đò nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ tháng 3/2020, thôn được hỗ trợ xây dựng cây cầu theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đến nay, công trình đã hoàn thành, tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.
Bà Linh Thị Đào, Trưởng thôn Đá Đỏ cho biết: Lúc chưa có cầu, mọi hoạt động của bà con trong thôn vô cùng vất vả, từ việc đi học của trẻ nhỏ đến vận chuyển hàng hóa của người dân… Do chủ yếu qua sông bằng đò nên việc đi lại gặp nhiều nguy hiểm, nhiều vụ lật đò đã xảy ra. Đơn cử như tháng 10/2019, xảy ra 1 vụ lật đò khiến một số người dân cùng với xe máy, mía… rơi xuống sông, rất may không có thương vong về người nhưng ảnh hưởng lớn đến tài sản của bà con. Không chỉ vậy, do việc đi lại không thuận tiện nên các mặt hàng nông sản do người dân sản xuất ra như: vải, bưởi, mía… đều bị tư thương ép giá. Do đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cây cầu để người dân đỡ vất vả hơn.
Cầu tại thôn Đá Đỏ giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn
Trước nhu cầu bức thiết của người dân, cầu Đá Đỏ đã được Nhà nước đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Theo đó, tháng 3/2020, cây cầu bắc qua sông Thương (cầu Đá Đỏ) được khởi công xây dựng, có chiều dài hơn 77 m, rộng 3,5 m với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng. Để xây cầu, người dân thôn Đá Đỏ hiến 1.015 m2 đất và hỗ trợ các nguồn lực được hơn 60 triệu đồng. Tháng 10/2020, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự kiến đầu năm 2022, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiệm thu và bàn giao cho UBND xã Cai Kinh quản lý.
Không giấu nổi niềm vui khi có cây cầu mới, ông Hoàng Văn Quang, người dân thôn Đá Đỏ cho biết: Từ lâu, chúng tôi đã ước có cầu qua sông. Do đó, khi chính quyền có chủ trương xây dựng cầu, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và sẵn sàng góp công, của làm cầu. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi đã tự nguyện hiến 360 m2 đất xây dựng cầu. Nay cầu Đá Đỏ đã đưa vào sử dụng, giúp bà con đi lại thuận lợi, gia đình tôi rất phấn khởi.
Cầu Đá Đỏ hoàn thành không chỉ giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn mà hàng hóa cũng được thông thương dễ dàng. Các mặt hàng nông sản của bà con thôn Đá Đỏ làm ra được thương lái đến thu mua tận nơi chứ không còn phải lo vận chuyển và bị tư thương ép giá như trước. Ông Nông Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Thời gian tới, khi được Sở Giao thông Vận tải chính thức bàn giao cầu cho UBND xã quản lý, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng và gìn giữ để cây cầu phát huy hiệu quả lâu dài. Đồng thời, xây dựng các nội quy quản lý, bảo vệ cầu; chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhất là học sinh đảm bảo an toàn giao thông trong việc đi lại qua cầu.
Có thể thấy, cây cầu ở thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã biến ước mơ của người dân thôn Đá Đỏ thành hiện thực. Tin rằng, ngoài việc giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, cây cầu còn góp phần giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, tiến tới không còn hộ nghèo trong thôn (hiện địa bàn còn hơn 3% hộ nghèo).
LƯƠNG THẢO
Ý kiến ()