Niềm vui trên quê hương Ðồng Khởi
Bến Tre hôm nay như một đại công trường xây dựng ngày đêm sôi động, hết công trình này đến công trình khác, thỏa lòng mong đợi không chỉ riêng cho những người sống trên mảnh đất bốn bề sông nước này. Trước đây, ai có về mảnh đất cù lao này mới thấy hãi hùng bởi sông rạch nơi đây. Bốn con sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên đã cắt Bến Tre làm ba vùng. Muốn đến ba cù lao phải lụy ba con phà Rạch Miễu, Hàm Luông và An Hóa với cầu và đò bắc qua hàng trăm con sông lớn, nhỏ. Nói như vậy vẫn chưa thấy hết giá trị cây cầu Rạch Miễu và Hàm Luông. Chứng kiến nỗi kẹt xe trên cầu Rạch Miễu trong mấy ngày đầu đưa vào vận hành, có một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy, mặt hớn hở, cùng góp phần chen lấn với xe trên cầu, miệng lẩm bẩm: 'Niềm mong ước của người dân xứ dừa bao đời nay đã thành hiện thực. Chỉ có chế độ cộng sản mới đáp ứng được nguyện vọng này thôi', mới thấy nỗi vui mừng...
Trước đây, ai có về mảnh đất cù lao này mới thấy hãi hùng bởi sông rạch nơi đây. Bốn con sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên đã cắt Bến Tre làm ba vùng. Muốn đến ba cù lao phải lụy ba con phà Rạch Miễu, Hàm Luông và An Hóa với cầu và đò bắc qua hàng trăm con sông lớn, nhỏ. Nói như vậy vẫn chưa thấy hết giá trị cây cầu Rạch Miễu và Hàm Luông. Chứng kiến nỗi kẹt xe trên cầu Rạch Miễu trong mấy ngày đầu đưa vào vận hành, có một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy, mặt hớn hở, cùng góp phần chen lấn với xe trên cầu, miệng lẩm bẩm: 'Niềm mong ước của người dân xứ dừa bao đời nay đã thành hiện thực. Chỉ có chế độ cộng sản mới đáp ứng được nguyện vọng này thôi', mới thấy nỗi vui mừng của con người nơi đây không sao kể xiết.
Khi hòa bình lập lại, con người ở Bến Tre đã thấy sự chằng chịt của sông rạch là trở ngại cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Vậy là hàng trăm con sông lớn, nhỏ được hàn, lấp, nhưng cho đến nay vẫn còn trên dưới một trăm cây cầu. Nên khi có chủ trương làm đường nông thôn với phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm', 'Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ' để ô-tô đến xã thì phong trào lập tức lan rộng. Thậm chí có nơi tự đưa ra mục tiêu 'Xe đạp tới nhà, hon-đa tới ngõ' để cho hôm nay ấp liền ấp, xóm liền xóm. Nhìn từng đoàn học sinh tha thướt trên những con đường bê-tông len lỏi trong hàng dừa thơ mộng, hay xuyên qua cánh đồng lúa chín vàng khơi dậy cảm giác yên bình và hạnh phúc biết bao.
Niềm vui đó được nhân lên khi sản xuất phát triển, đời sống không ngừng tăng lên, giàu tăng không nhanh nhưng nghèo thì giảm nhiều. Diện tích trồng dừa nay đã có hơn 40 nghìn ha. Người dân trồng dừa đã sống được từ cây dừa. Diện tích trồng lúa hiện nay còn thấp, xấp xỉ bằng diện tích cây dừa, nhưng đã cho sản lượng khá cao. Người nông dân luôn có tâm lý trồng lúa để xuất khẩu, không còn 'cơm cũ đổi cơm mới', nên đời sống nông dân trồng lúa ngày càng khá. Cây ăn trái đang tiến tới diện tích 45.000 ha, tuy mới phát triển nhanh mấy năm gần đây, nhưng đã cho hơn 300.000 tấn sản phẩm, đa phần là những loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh, cùng với lợi thế là kỹ thuật canh tác và sản xuất cây giống, nên cho thu lợi gấp nhiều lần so cây lúa, thường là hơn 100 triệu đồng/ha, đã có mô hình sản xuất theo phương pháp sạch, thu lãi ròng trên một ha cây trồng gần 500 triệu đồng. Chăn nuôi đang phát triển tiến tới hình thức trang trại, bình quân một người nuôi một gia súc, đến nay đã chiếm 30% giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Diện tích nuôi thủy sản khoảng 40 nghìn ha, nếu đem so với tỉnh Cà Mau thì chẳng thấm vào đâu, nhưng phương pháp nuôi và quản lý, nhất là về kỹ thuật thì rất chặt chẽ và tiến bộ, chủ động hạn chế được dịch bệnh. Công nghiệp bắt đầu khởi sắc, đã lấp kín hai khu công nghiệp gần hai trăm ha, hé mở cho tỉnh Bến Tre một con đường phát triển mới. Thương nghiệp và dịch vụ phát triển khá. Văn hóa, xã hội đã có bước phát triển đáng mừng… Tất cả đã làm cho diện mạo tỉnh Bến Tre càng rạng rỡ.
Mấy năm gần đây có gần 400 kỹ sư, đa phần là ở các tỉnh miền trung đã về đây lập nghiệp. Họ luôn đứng mũi chịu sào nơi đầu sóng ngọn gió, để cho con tôm Bến Tre không nằm chung số phận trong vùng của những năm trước đây. Và, không ít người nhận nơi đây làm quê hương thứ hai, ăn nên làm ra, mà Công ty TNHH Huy Thuận là một điển hình.
Con đường đi lên của tỉnh Bến Tre trong năm năm tới vẫn tiếp tục 'Phát huy tinh thần Đồng Khởi, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tích cực huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh, bền vững'. Đồng chí Huỳnh Văn Be, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, phát triển nhanh nhưng phải bền vững là phương châm hành động của Đảng bộ trong nhiệm kỳ này. Cũng theo đồng chí Be, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế khu vực II và khu vực III vì mạng lưới giao thông đã kết nối với toàn vùng, sắp tới còn có cầu Cổ Chiên thì càng có điều kiện tốt hơn cho công nghiệp phát triển. Nhiệm kỳ qua Đại hội đề ra mục tiêu xuất khẩu 750 triệu USD, nhưng giờ này đã vượt lên con số 900 triệu USD, đặc biệt, sắp tới cây dừa sẽ có thêm một nhà máy hai triệu USD, thì xuất khẩu hứa hẹn cho một mùa bội thu. Còn nền tảng vững chắc vẫn là nông nghiệp toàn diện và đẩy mạnh thương mại, dịch vụ. Dịch vụ ở đây không chỉ đơn thuần là mua bán, mà còn là dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ du lịch,… ý đồ chung của tỉnh là vậy.
Bến Tre vẫn tiếp tục đầu tư thêm khoảng 20.000 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đặc biệt từ nay đến cuối năm xây dựng trường chuyên, một con chim đầu đàn đào tạo nguồn nhân lực, mấy năm nay mỗi năm chỉ có 1.000 em, nhưng sắp tới thấp nhất phải 3.000 em vào học trường này. Đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học đưa về cơ sở để làm chuyển động nền kinh tế. Giao thông tiếp tục hoàn chỉnh các tuyến thuộc về quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Quan tâm mở rộng đường giao thông nông thôn để xe vận tải nhỏ vào được xóm, ấp chuyên chở hàng hóa cho dân.
Việc xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre được đẩy mạnh, hiện có hơn 100 xã đạt chuẩn văn hóa. Điều đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tỉnh trong phát triển nhanh và bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()