Niềm vui, niềm tự hào của những người thợ
Công nhân cao-su rất phấn khởi Thời tiết ở các vùng cao-su, nhất là vùng cao-su Đông Nam Bộ, những năm trước vào thời điểm này, vườn cây đã chuyển mầu vàng, lá cây rụng nhiều. Nhưng năm nay, những vườn cây vẫn xanh mướt, cho sản lượng cao. Khắp các vùng cao-su, công nhân bám vườn cây, vừa khai thác mủ, làm vệ sinh, vừa kháo nhau, nói cười rôm rả bàn về tiền lương, tiền thưởng Tết. Trong câu chuyện của những người công nhân, có những điều gửi gắm đến Đại hội Đảng.Chúng tôi đến Nông trường Gò Dầu (Công ty cổ phần cao-su Tây Ninh) khi công nhân đang trong giờ làm việc, thấy không khí thật hồ hởi, phấn khởi. Tại một điểm thu gom mủ cao-su, có gần 50 công nhân dùng xe máy chở mủ đi giao. Công nhân trẻ Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: Công ty, nông trường phát động thi đua nước rút lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng. Em đã phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác gần 1.000 kg mủ quy khô. Tính bình quân lương, thưởng cả năm đạt gần 16 triệu...
Chúng tôi đến Nông trường Gò Dầu (Công ty cổ phần cao-su Tây Ninh) khi công nhân đang trong giờ làm việc, thấy không khí thật hồ hởi, phấn khởi. Tại một điểm thu gom mủ cao-su, có gần 50 công nhân dùng xe máy chở mủ đi giao. Công nhân trẻ Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: Công ty, nông trường phát động thi đua nước rút lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng. Em đã phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác gần 1.000 kg mủ quy khô. Tính bình quân lương, thưởng cả năm đạt gần 16 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, nhà lại có khoảng 100 cây cao-su đang khai thác, năm nay ăn Tết chắc chắn sẽ vui hơn các năm trước. Được biết, Nông trường Gò Dầu có 2.021 ha cao-su kinh doanh đã tạo sản lượng 4.686 tấn cao-su quy khô, năng suất vườn cây đạt bình quân 2.364 kg/ha. Nông trường có 895 cán bộ, công nhân viên, thu nhập cả năm đạt bình quân 9,3 triệu đồng/người/tháng. Thưởng Tết, thêm bình quân mỗi người được 28 triệu đồng. Theo Giám đốc Nông trường Nguyễn Thiện Nhơn, hằng ngày, vào lúc 13 giờ, cán bộ, nhân viên trong nông trường đón đọc báo mới. Họ quan tâm nhất là chương trình nghị sự Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Những người công nhân ở đây mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm nhiều quyết sách để đời sống của đồng bào nói chung và công nhân cao-su nói riêng ngày một ấm no hơn. Trong dịp này, Công ty cổ phần cao-su Tây Ninh tổ chức Hội nghị mừng công, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng năm 2010. Năm qua, công ty đã khai thác 17.035 tấn cao-su, năng suất đạt bình quân 2,18 tấn/ha. Đây là năm thứ sáu, công ty đứng trong câu lạc bộ 2 tấn/ha của Tập đoàn. Lợi nhuận của công ty là 293 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 43 tỷ đồng. Với 2.551 cán bộ, công nhân viên, mức thu nhập về lương cả năm 2010 đạt bình quân 11,229 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Trịnh Văn Vĩnh cho biết thêm, chia cổ tức năm 2010 trên vốn điều lệ là 30%. Công ty đã chuẩn bị hàng nghìn phần quà Tết để cùng với các địa phương chăm lo Tết cho người nghèo.
Dịp này, Công ty TNHH một thành viên cao-su Tân Biên kỷ niệm 25 năm thành lập (1985 – 2010), bởi thế niềm vui của cán bộ, công nhân viên trong công ty càng được nhân lên. Năm 2010, công ty tiêu thụ và xuất khẩu trực tiếp 12.185 tấn cao-su các loại, lợi nhuận hơn 260 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 95 tỷ đồng. Với hơn 2.500 cán bộ, công nhân viên, thu nhập năm 2010 đạt bình quân hơn 9,3 triệu đồng/người/tháng. Đây là đơn vị tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Những năm qua, công ty chi gần 15,5 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, quỹ xóa đói, giảm nghèo… Đợt này, công ty trao 500 triệu đồng cho các huyện, ban, ngành của tỉnh Tây Ninh giúp đồng bào nghèo ăn Tết. Chúng tôi ghé qua Nông trường Bổ Túc vào sáng sớm 14-1. Trong câu chuyện, công nhân khai thác Trần Thị Vinh vui vẻ kể: Năm 2010, tiền lương, thưởng tôi được nhận là 165 triệu đồng, chưa kể thưởng A, B, C và thưởng Tết. Với số tiền này, cuộc sống gia đình ổn định, vui vẻ đón Xuân.
Tổng công ty cao-su Đồng Nai là đơn vị lớn nhất trong Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam về quy mô diện tích, số lượng cán bộ, công nhân viên. Hiện tại, Tổng công ty có 14.076 cán bộ, công nhân viên. Năm 2010, Tổng công ty tổ chức nhiều đợt thi đua, quyết tâm phấn đấu cao. Toàn thể cán bộ, công nhân viên đã khai thác 36.153 tấn cao-su quy khô, tiêu thụ và xuất khẩu trực tiếp 35.733 tấn cao-su các loại, tổng doanh thu 2.205 tỷ đồng, lợi nhuận 1.055 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 300 tỷ đồng, thu nhập của cán bộ, công nhân viên đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng. Tổng Giám đốc Tổng công ty cao-su Đồng Nai Nguyễn Thị Gái cho biết, dự kiến, Tổng công ty thưởng Tết bình quân 16 triệu đồng/người. Doanh nghiệp đã chuẩn bị xong quà Tết để thưởng các gia đình công nhân, ủng hộ các ban, ngành ở địa phương lo Tết cho người nghèo.
Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam quản lý hơn 305 nghìn ha cao-su nằm ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền trung và vùng Tây Bắc. Toàn Tập đoàn khai thác, chế biến 313.160 tấn cao-su quy khô, đạt 115,5% kế hoạch năm, trong đó tiêu thụ và xuất khẩu trực tiếp 295.310 tấn cao-su các loại, tổng doanh thu 24.298 tỷ đồng, lợi nhuận 8.132 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng. Tổng số cán bộ, công nhân viên gần 100 nghìn người, mức lương đạt bình quân gần 7 triệu đồng/người/tháng. Với nguồn vốn và tiềm năng mạnh, trong năm, toàn Tập đoàn đã đầu tư trồng mới 41.822 ha cao-su ở trong và ngoài nước (hiện nay, Tập đoàn đầu tư trồng cao su tại Lào và Cam-pu-chia hơn 55.000 ha). Tập đoàn thường xuyên chỉ đạo, có các văn bản hướng dẫn đến từng công ty, đơn vị thành viên bảo đảm tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trước và sau Tết Tân Mão, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, chăm lo tốt đời sống người lao động để mọi nhà đều có Tết. Đồng thời, phải có kế hoạch hỗ trợ các địa phương lo Tết cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người nghèo trên địa bàn.
'Trái tim' Dung Quất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLDDQ) được coi là 'trái tim' của Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Trong những ngày này không khí thi đua lao động của hàng nghìn kỹ sư, công nhân trên công trường thật sôi nổi. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, kỹ sư Trần Ngọc Nguyên, Trưởng phòng điều hành sản xuất cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm 2011, sức nóng tiến độ, công việc trên công trường đã lan tỏa đến các phân xưởng sản xuất và từng người trong nhà máy. Chúng tôi luôn chú trọng thực hiện tốt phong trào thi đua liên kết để làm sao bố trí lực lượng lao động hợp lý. Hầu hết kỹ sư, công nhân còn rất trẻ, được đào tạo chuyên sâu, chịu khó học tập, nghiên cứu nắm vững kỹ thuật và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có hàng nghìn kỹ sư, công nhân, được bố trí lao động sản xuất theo 'ba ca, bốn kíp', không kể ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật. Dù lao động mệt nhọc, căng thẳng nhưng cán bộ, kỹ sư, công nhân đều thấy tự hào, có trách nhiệm cao, bảo đảm cho nhà máy thường xuyên hoạt động an toàn và đạt 100% công suất. Công tác quản lý điều hành sản xuất rất chặt chẽ. Mọi công việc trong nhà máy đều gắn với phong trào thi đua, nâng cao năng suất lao động.
Trên cảng xuất sản phẩm, trong tiết trời lạnh giá, người lao động vẫn vật lộn với sóng biển để đưa tuyến ống dẫn dầu nối với những con tàu cập cảng nhận sản phẩm rất nhộn nhịp. Tại phân xưởng công nghệ chế biến, chúng tôi gặp những chuyên gia nước ngoài và hàng trăm kỹ sư Việt Nam đang thực hiện một quy trình vận hành dây chuyền chế biến nghiêm ngặt. Tại trung tâm điều hành sản xuất, tất cả mọi người đều dõi theo từng khâu kỹ thuật chế biến bằng hệ thống tự động hóa. Mỗi công nhân, kỹ sư phải tự chịu trách nhiệm công việc của mình bằng việc ký cam kết thi đua và qua theo dõi của ca-mê-ra để xử lý công việc hằng giờ. Cho đến thời điểm này, có thể nói, những công việc khó khăn nhất trong quá trình vận hành chạy thử và sản xuất thương mại không mắc một sai sót nào nghiêm trọng. Để có được điều này, trước tiên phải nói đến sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, đã thường xuyên bám sát công trường và chỉ đạo kịp thời điều hành sản xuất. Nhà máy đã tạo được sự đồng tâm hiệp lực, sự liên kết thi đua có hiệu quả từ các phân xưởng xử lý xăng, phân xưởng đồng hóa, phân xưởng chưng cất khí quyển, phân xưởng thu hồi lưu huỳnh và sự kết nối hoàn chỉnh giữa khu sản xuất với các khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm…
Tại Nhà máy nhựa Polypropylen, hơn 60 kỹ sư, công nhân cũng đang trong thời điểm nỗ lực ổn định sản xuất, phấn đấu đạt năng suất, sản lượng cao ngay từ tháng đầu năm. Nhiều bộ phận, phân xưởng đã đăng ký thi đua bảo đảm an toàn cháy nổ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động gấp 1,5 lần so với năm 2010…
NMLDDQ là nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta, là công trình chào mừng Đại hội lần thứ XI của Đảng. Hiện nay, nhà máy đã hoạt động thường xuyên đạt 100% công suất và vận hành thương mại có hiệu quả. Nhà máy đã nhập hơn 100 lô dầu thô (tương đương 8,3 triệu tấn dầu thô), chế biến gần 7,5 triệu tấn sản phẩm các loại (gồm xăng A92, A95, xăng máy bay, dầu đi-ê-den, khí hóa lỏng, dầu hỏa, dầu đốt FO, hạt nhựa) và bán ra thị trường 7,2 triệu tấn xăng, dầu các loại đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang cho biết: Dự án NMLDDQ – công trình trọng điểm quốc gia, đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng, các phong trào thi đua liên kết và lao động giỏi trên công trường đã thường xuyên được phát động. Hiện nay, nhà máy tiếp tục giữ vững các mục tiêu thi đua tạo khí thế lao động sôi nổi trên công trường. Nhiều đơn vị, phân xưởng sản xuất tổ chức tăng ca, tăng giờ với năng suất lao động tăng gấp hai đến ba lần so với định mức đề ra. Có những ngày sản xuất cao điểm, các phân xưởng, bộ phận đã huy động hàng trăm kỹ sư, công nhân làm việc 24/24 giờ, cho nên năng suất lao động tăng cao. Nhà máy đang tập trung sức xử lý những vấn đề kỹ thuật phát sinh sau quá trình tiếp nhận chính thức và vận hành. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu triển khai Dự án mở rộng, nâng công suất chế biến nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn dầu thô/năm, có khả năng hoàn thành vào năm 2016. Đây là chiến lược phát triển của ngành dầu khí theo hướng CNH, HĐH và xây dựng một Trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam tại Khu kinh tế Dung Quất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()